📞

"Đoàn kết dân tộc vững chắc mới có hợp tác quốc tế mạnh mẽ"

10:20 | 29/08/2014
Nhân 69 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh và ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8), nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đã chia sẻ một số suy nghĩ với TG&VN. Trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris, tháng 1/2013.

Bà có cảm nhận gì khi nghĩ về thời điểm này cách đây 69 năm? Theo bà, thành quả lớn nhất của Cách mạng tháng Tám là gì?

Lúc đó, gia đình tôi đang ở Sài Gòn. Từ tháng 7, tháng 8/1945, thành phố cũng như cả nước sục sôi khí thế "tiền khởi nghĩa". Bài Lên đàng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vang lên khắp nơi. Thanh niên tiền phong tập đi một, hai. Tấp nập nhưng hết sức trật tự, mọi người dường như nghe, cảm được hơi thở nóng hổi của một sự kiện trọng đại sắp nổ ra. Sáng sớm ngày 25/8, hầu như tất cả nhân dân đều đổ ra đường, hướng ra quảng trường Nhà thờ Đức Bà, nơi sẽ diễn ra sự kiện quan trọng: đại diện của chính quyền Cách mạng, Ủy ban Hành chính Lâm thời Sài Gòn ra mắt đồng bào. Ngày 2/9, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngay trong ngày này, khi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức mít tinh chào mừng "Ngày độc lập" thì lính Pháp đã bắn vào đám đông làm hàng chục người chết. Ba tuần sau, ngày 23/9, nhân dân Nam Bộ đã phải bước vào cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Học sinh, sinh viên cả nước nô nức "xếp bút nghiên" đứng lên "đáp lời sông núi".

Cách mạng tháng Tám đã phá xích xiềng nô lệ, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc. Từ mùa Thu đó, chúng ta đã trải qua bao cuộc đấu tranh, chịu bao hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Phải có nội lực

Từ lịch sử, bà có thể cho biết những bài học quan trọng để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam hiện nay là gì?

Bảo vệ thành quả vĩ đại của Cách mạng tháng Tám và thắng lợi to lớn của các cuộc kháng chiến mà nhân dân ta đã đổ bao nhiêu xương máu mới giành được là nhiệm vụ của mỗi chúng ta. Tổ quốc tuy đã thống nhất nhưng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ đang đứng trước những hiểm họa mới, kinh tế đang tụt hậu, xã hội còn nhiều vấn nạn. Vì thế, chúng ta phải thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước, đi đôi với việc đấu tranh bảo vệ đất nước.

Chúng ta phải kiên trì và khôn ngoan, không để bị động trong mọi tình huống và phải khắc phục cho được những mặt yếu kém. Chúng ta có vững hơn, mạnh lên thì mới có điều kiện để bảo vệ đất nước. Nói cách khác chúng ta phải có nội lực vững mạnh. Nội lực trước hết và quan trọng nhất là sức mạnh của lòng dân, là ý chí đoàn kết dân tộc với sự lãnh đạo vững vàng, kiên định. Đó là bài học xương máu và quý báu nhất chúng ta có được từ lịch sử mấy ngàn năm, từ cuộc Cách mạng tháng Tám, đặc biệt từ các cuộc kháng chiến chống xâm lược ác liệt nhất vừa qua.

Ngày nay, không những chúng ta cần phát huy truyền thống yêu nước đó mà phải nâng cao nó lên thành ý chí quật cường, tinh thần dân tộc mạnh mẽ, với khát vọng xây dựng một nước Việt Nam thực sự độc lập, tự do, dân chủ và phát triển, đem lại hạnh phúc cho mọi người dân. Đó cũng là tương lai mà nhân dân ta xứng đáng và có quyền được hưởng.

Nhưng nội lực không những về tinh thần, mà nó phải bao hàm cả một nền kinh tế ngày càng phát triển với công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành công, một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, và một nền an ninh quốc phòng đủ mạnh để bảo vệ đất nước.

Trong mấy yếu tố trên, vấn đề đường lối kinh tế độc lập, tự chủ, không bị lệ thuộc vào bất cứ nước nào đồng thời chủ động, tích cực hội nhập ngày càng sâu rộng có ý nghĩa rất quyết định.

Tóm lại, để giữ vững chủ quyền quốc gia, chúng ta cần phải mạnh lên về kinh tế. Tinh thần yêu nước phải thể hiện trên tinh thần tự chủ, tự cường trong mọi hoạt động lao động sản xuất nhằm tạo ra sức mạnh vật chất ngày càng vững bền cho đất nước. Phải dứt khoát tư tưởng rằng việc gì nhân dân ta có thể làm được, chúng ta sẽ làm, từ cái ít khó đến cái khó nhất mà người khác có thể làm.

Kinh tế phải luôn luôn gắn với an ninh quốc phòng. Không được để tình trạng lơi lỏng hiện nay, chỉ thấy lợi trước mắt, không thấy cái hại lâu dài, chạy theo một số dự án bằng bất cứ giá nào.

Nội lực của một đất nước còn là vấn đề chất lượng con người, là nguồn nhân lực. Muốn có một nước tự chủ phải có những con người tự chủ, vì vậy vấn đề giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học cần phải đẩy mạnh hơn nữa với những mục tiêu phấn đấu cụ thể, rõ ràng, để trong một thời gian không xa chúng ta có những thế hệ thanh niên đủ đức, đủ tài và đủ sức gánh vác trọng trách của đất nước.

Cần quan niệm thực tế về hợp tác quốc tế

Nội lực quan trọng hàng đầu, nhưng bài học từ lịch sử Việt Nam hiện đại cho thấy sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại là thiết yếu. Bà nghĩ gì về bài học này trong bối cảnh hiện nay?

Đúng vậy. Quan hệ quốc tế dù có liên tục thay đổi nhưng bài học về kết hợp sức mạnh đoàn kết dân tộc với sức mạnh thời đại, đã được Đảng ta vận dụng tài tình trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trước đây, vẫn còn nguyên giá trị. Dân tộc ta luôn cần sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế. Nhưng cũng cần phải hiểu rằng: Có đoàn kết dân tộc vững chắc thì mới có sự đoàn kết quốc tế mạnh mẽ.

Ngày nay, cuộc đấu tranh để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, và cũng là cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình và công lý. Chúng ta có lẽ phải và pháp lý. Tôi tin rằng nhân dân các nước sẽ ủng hộ Việt Nam.

Chúng ta cũng cần có quan niệm đúng và thực tế về sự hợp tác quốc tế. Trong khi chủ trương không liên minh chính trị, quân sự với bất cứ nước nào để chống lại nước thứ ba, chúng ta hoàn toàn có quyền chính đáng để hợp tác, liên kết về an ninh, quốc phòng với các nước khác, để bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia. Chúng ta cũng cần tận dụng và phát huy quan hệ với các đối tác chiến lược, các đối tác song phương khác cũng như các thể chế hoặc diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc hoặc ASEAN. Phải biết tìm "mẫu số chung", điểm đồng lợi ích trong hợp tác với các đối tác, phải huy động hiệu quả các kênh đối ngoại Đảng, Nhà nước, Quốc hội, nhân dân, kiều bào và các học giả, nhà nghiên cứu...

Là người từng tham gia hoạt động ngoại giao lâu năm và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Nhà nước và cả Quốc hội, bà có thông điệp gì gửi gắm tới những người làm công tác đối ngoại nói chung và thế hệ các nhà ngoại giao trẻ nói riêng?

Hồi bắt đầu hoạt động đối ngoại, tôi làm công tác đối ngoại nhân dân, đã từng đại diện cho Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Ủy ban Đoàn kết Á - Phi… vận động các tầng lớp nhân dân các nước ủng hộ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của ta. Tám năm sau, tôi được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tức là chuyển sang ngoại giao Nhà nước. Năm 1987, tôi làm Phó ban Đối ngoại của Đảng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị. Sau đó, tôi được cử làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch nước. Hiện tôi vẫn thường xuyên tiếp xúc với bạn bè quốc tế với tư cách Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam.

Qua kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng không có gì trở ngại khi chuyển từ hoạt động đối ngoại nhân dân sang hoạt động ngoại giao nhà nước, ngược lại, trong lúc coi trọng ngoại giao nhà nước, cần hết sức quan tâm phát huy tác dụng của hoạt động đối ngoại nhân dân, dư luận quốc tế. Theo tôi, ở nhiều nước chính quyền có thể có những đường lối chính sách không phù hợp với hòa bình, công lý và luật pháp quốc tế nhưng nhân dân của bất cứ nước nào trên thế giới cũng mong muốn có hòa bình, không muốn có chiến tranh, giữa các dân tộc có hữu nghị, tôn trọng nhau.

Nếu có điều gì tôi muốn gửi gắm, đó là: hãy nhớ những bài học lịch sử quý giá của ông cha, của Cách mạng tháng Tám, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, kiên trì đi theo con đường đã lựa chọn, mang lại hòa bình, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tôi muốn các em, các nhà ngoại giao trẻ hãy luôn ghi nhớ tiếng ca trước lúc hy sinh của những lớp cha anh vì nền dân chủ cộng hòa cách đây 69 năm: "Kìa gương trung kiên truyền lưu muôn năm lên đàng, kết đoàn hùng tráng. Danh lừng Bạch Đằng, tiếng vang Chi Lăng, đồng tâm noi dấu anh hùng".

Một dân tộc đã chiến đấu và hy sinh như dân tộc ta xứng đáng có một tương lai huy hoàng, và các em hãy góp phần vun đắp làm nên tương lai đó.

Xin cảm ơn bà!

Kim Chung (thực hiện)