📞

Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 làm việc với lãnh đạo VCCI, các hiệp hội và doanh nghiệp

Anh Sơn 16:29 | 12/04/2023
Chiều ngày 12/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu dẫn đầu đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 làm việc với lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI, lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu dẫn đầu đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 làm việc với lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI, lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp. (Ảnh: Anh Sơn)

Tham gia buổi làm việc có Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh, lãnh đạo VCCI, cùng lãnh đạo hơn 80 hiệp hội và doanh nghiệp...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong sản xuất kinh doanh vươn xa ra thị trường quốc tế.

Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam đang suy giảm, trong 2 tháng đầu năm 2023 có tới 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có 37.900 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay lại thị trường, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó có sự tăng trưởng trong thời gian tới...

Cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ đồng hành của Bộ Ngoại giao nói chung và của các Đại sứ, Tổng Lãnh sự nói riêng đối với hoạt động doanh nghiệp và của VCCI, ông Phạm Tấn Công mong muốn, tiếp tục nhận được sự hợp tác trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp ngày hội nhập ngày càng sâu rộng vào môi trường quốc tế.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Anh Sơn)

Chủ tịch VCCI mong muốn, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong: xúc tiến thương mại, đầu tư, chắp mối và giới thiệu các đối tác tiềm năng để mở rộng thị trường; hỗ trợ trong dự báo tình hình kinh tế, xã hội các địa bàn và hỗ trợ trong xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam và ở nước ngoài.

Các cơ quan đại diện tiếp tục đồng hành trong các chương trình hội thảo xúc tiến, giới thiệu về môi trường đầu tư Việt Nam tại nước ngoài, phối hợp đưa đoàn doanh nghiệp từ các địa bàn về khảo sát môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam… Cùng với đó là tìm hướng hợp tác mở rộng thị trường xuất khẩu, tập hợp các doanh nghiệp Việt Nam ở nước vào các hiệp hội…

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đánh giá cao buổi gặp mặt, làm việc giữa đoàn Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện với lãnh đạo VCCI và lãnh đạo hiệp hội và doanh nghiệp thành viên.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Bộ Ngoại giao coi nhiệm vụ ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ các địa phương và doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.

Vì vậy, trước khi các Trưởng cơ quan đại diện lên đường nhận nhiệm vụ, Bộ Ngoại giao đã tổ chức cho đoàn các chuyến đi địa phương, làm việc với các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp với mong muốn các địa phương, doanh nghiệp cùng đồng hành, “đặt hàng” cụ thể với Bộ, với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để triển khai nhiệm vụ trên.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định, Bộ Ngoại giao coi nhiệm vụ ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ các địa phương và doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. (Ảnh: Anh Sơn)

Thứ trưởng mong muốn, qua buổi làm việc hôm nay, các Đại sứ sẽ nắm bắt được thông tin về các định hướng phát triển, nhu cầu mở rộng thị trường… của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề ra các giải pháp mà Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện có thể hỗ trợ trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp miền Bắc đã nêu lên một số khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp đương phải đối mặt, cũng như các đề xuất tháo gỡ. Các hiệp hội và doanh nghiệp mong muốn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trở thành địa chỉ tin cậy tiếp nhận, sàng lọc thông tin, cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác sở tại, quốc tế; Tìm kiếm, giới thiệu cho doanh nghiệp các nhà nhập khẩu, hệ thống lưu thông, phân phối các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam tại thị trường sở tại…

Các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 đã thông tin về tình hình địa bàn mình chuẩn bị phụ trách, đặc biệt là các cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam, và trao đổi một số kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa các Cơ quan đại diện của Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp.

Sau buổi làm việc, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp đã gặp gỡ, trao đổi cụ thể các vấn đề cần thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Anh Sơn)