Với sự tham gia của 13 Đại sứ, Phó Đại sứ các nước ASEM tại Việt Nam, hầu hết các Tổng lãnh sự các nước thành viên ASEM tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, UBND TP. Hồ Chí Minh, VCCI, hơn 200 doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng Việt Nam cùng đại diện của nhiều cơ quan tài chính, thương mại, đầu tư và doanh nghiệp quốc tế, Tọa đàm cho thấy một mối quan tâm chung thiết yếu: Làm thế nào để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Trong 5 phiên thảo luận, các đại biểu đã thảo luận và chia sẻ quan điểm, nhận định về nhiều vấn đề có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Với vị thế là hai khu vực kinh tế quan trọng của thế giới, châu Á và châu Âu cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác thúc đẩy thương mại và đầu tư, nhằm giảm thiểu và xóa bỏ các hàng rào thương mại phi thuế quan, thúc đẩy đầu tư hai chiều giữa hai châu lục thông qua Chương trình Hành động Xúc tiến Đầu tư (IPAP), xây dựng các chương trình nhằm khuếch trương đầu tư giữa các nước thành viên, đồng thời tăng cường cải thiện cơ chế chính sách và quy định về đầu tư trong khu vực. Đồng thời, chú trọng đẩy nhanh tiến độ đàm phán các hiệp định đầu tư song phương giữa các nước Á - Âu và các đối tác lớn.
Ông Nam Shik Shin, đại diện cho Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA), đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy quan hệ đầu tư Á - Âu. Ông cho rằng, các doanh nghiệp châu Âu tăng cường chuyển giao công nghệ cho đối tác châu Á để họ tự phát triển các ngành công nghiệp hoặc nâng cao năng lực sản xuất, các nước châu Á cần tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư châu Âu dễ dàng thành lập doanh nghiệp và hoạt động. Đặc biệt, Đại sứ Anh Mark Kent lưu ý rằng châu Á cần có sự hiện diện nhiều hơn trong các thiết chế quốc tế bởi cuộc khủng hoảng hiện tại có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế và tầm quan trọng dài hạn của khu vực. Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Jitendra Mishra cũng cho rằng châu Á cần đi đầu trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Tọa đàm cũng là điều kiện để nước chủ nhà giới thiệu tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc bình ổn và duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, ông Nakanishi Hirota, Cố vấn đầu tư cao cấp thuộc Văn phòng TP. Hồ Chí Minh của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), cho biết, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài có số vốn thực hiện cao nhất tại Việt Nam, đạt 5,09 tỉ USD trong vòng 10 năm (1998-2008).Đại sứ Hungary Laszlo Vizi cho rằng Việt Nam thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế vì quốc gia này có mức tăng trưởng kinh tế năng động, có nhiều cơ hội kinh doanh, môi trường đầu tư hấp dẫn, giới lãnh đạo thân thiện với giới doanh nghiệp, môi trường trong nước ổn định.
Xuân Hồng