📞

Doanh nghiệp BĐS: Nâng cao năng lực để “kịp nhịp” thị trường

21:55 | 17/05/2018
Giai đoạn 2018 - 2020, theo dự báo và yêu cầu phát triển, thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu, thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực để vượt qua khó khăn, bắt kịp với xu thế thị trường.

Đó là nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại "Diễn đàn BĐS 2018: Cơ hội từ chính sách" được tổ chức chiều 17/5, tại Hà Nội.

Sự kiện do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của VCCI nhằm giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về những cơ hội cho thị trường BĐS từ những điều chỉnh chính sách mới nhất.

Các diễn giả cũng nêu ý kiến, để cải thiện thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường BĐS cần minh bạch hơn, thông tin về quy hoạch, quỹ đất cần được công bố công khai, rộng rãi và kịp thời. (Ảnh: TL)

Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo VCCI, đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Xây dựng, Tổng cục Thuế, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia BĐS, nhà nghiên cứu, đại diện giới doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhà đầu tư cùng đông đảo giới truyền thông.

Tại các phiên thảo luận, các diễn giả đã tập trung vào vấn đề: Các chính sách mới tác động đến thị trường BĐS năm 2018; Thuế nhà ở những những tác động tới tổ chức, cas nhân tham gia thị trường BĐS; Tài chính BĐS Việt Nam - Thực trạng và giải pháp; Doanh nghiệp chủ động tăng năng lực bằng cách nào... Các bài tham luận đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ và góp ý tham gia của nhiều đại biểu.

Cơ hội và thách thức luôn song hành

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, năm 2018 đã đi được gần nửa thời gian, thị trường BĐS đã có những chuyển biến mạnh mẽ nhờ lợi thế hàng loạt cơ sở hạ tầng đột phá, nhiều tuyến đường kết nối thuận tiện với khu trung tâm, những dự án "đắp chiếu" nhiều năm cũng sẽ được các nhà đầu tư khởi động lại, hầu hết các doanh nghiệp, các nhà đầu tư BĐS đã vượt qua thời kỳ khó khăn và đang bước vào một giai đoạn phát triển mới.

“Có thể nhận thấy tồn kho BĐS ở tất cả các phân khúc đều giảm liên tục trong khoảng 3 năm trở lại đây với con số tồn kho còn khoảng hơn 20.000 tỷ đồng, giảm gần 80% so với thời điểm năm 2015. Đặc biệt, trong nửa đầu 2018, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, cùng với số lượng dự án xếp hàng thi công và chờ cấp phép nhiều. Đây cũng là tín hiệu tốt đối với thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: TL)

Cũng theo Chủ tịch VCCI, năm 2018 được dự báo sẽ là năm thị trường BĐS tiếp tục có sự tăng trưởng và phát triển ổn định. Để bảo đảm cho sự phát triển ổn định của thị trường BĐS, Chính phủ đã có những công cụ đồng bộ để quản lý và giám sát. Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là đã và đang có những thay đổi về chính sách giúp thị trường BĐS Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2018 - 2020, theo dự báo và yêu cầu phát triển, thị trường BĐS tiếp tục có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Cũng có cái nhìn lạc quan về thị trường, phát biểu tại sự kiện, với tư cách là đơn vị tư vấn BĐS quốc tế, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, thị trường BĐS Việt Nam đang rất thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài bởi cơ sở kinh tế vĩ mô vững chắc, nguồn cầu thị trường đầu tư nước ngoài với thị trường BĐS Việt Nam rất dồi dào.

Tuy nhiên, nhận định tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, thị trường BĐS năm 2018 cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về quan hệ cung - cầu; tiếp cận quỹ đất đầu tư; thủ tục hành chính; thiếu vốn; nhưng trước hết là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, tài chính BĐS (được hiểu là hệ thống cơ chế, chính sách, thị trường về thuế, phí, nguồn vốn, sản phẩm phát sinh tài chính...) là những yếu tố cần thiết để thị trường BĐS phát triển lành mạnh. Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng tài chính BĐS lại chính là khâu yếu của thị trường hiện nay.

Mặc dù khẳng định thị trường BĐS có nhiều triển vọng phát triển nhờ vào hệ thống chính sách cơ bản, tác động tích cực của các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước, TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế trong tài chính BĐS. Đó là Quỹ tiết kiệm nhà ở không phát triển được, chủ yếu do thiếu vốn mồi, cơ chế, cách làm chưa phù hợp với thị trường; Hệ thống các định chế tài chính chưa đa dạng, chưa có hoặc chưa phát triển các quỹ tín thác đầu tư, cơ quan cho vay thế chấp nhà ở…

“Đó là những rào cả khiến cho thị trường tài chính nhà ở chưa thể phát triển”, ông Cấn Văn Lực nhận định.

Cần những nỗ lực từ cả doanh nghiệp và Nhà nước

Tại sự kiện, những vấn đề được đặt ra cũng khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp quan tâm như: doanh nghiệp tự chủ nguồn vốn bằng cách nào? xu hướng toàn cầu hóa trong hoạt động kinh doanh BĐS hay xây dựng lòng tin với khách hàng...

Những vấn đề được nêu ra tại diễn đàn thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư. (Ảnh: TL)

Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT KOSY Group nhận định, doanh nghiệp cần tập trung vào nhóm các giải pháp chủ động, tự tạo lợi thế so sánh như: Xây dựng và phát triển các giá trị doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin nơi đối tác, khách hàng và cán bộ nhân viên bằng uy tín và thái độ nghiêm túc, trung thực. Doanh nghiệp cũng có thể chọn phân khúc thị trường phù hợp với chiến lược và thế mạnh của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Cường, bên cạnh các yếu tố trên, các doanh nghiệp có thể nâng cao được năng lực vốn của mình bằng nhiều phương thức như: tăng vốn điều lệ để nâng quy mô và tiềm năng phát triển trong tương lai; huy động vốn ứng trước từ khách hàng; phát hành trái phiếu; huy động vốn trên thị trường chứng khoán; hợp tác, liên doanh, liên kết, chuyển nhượng.

TS. Cấn Văn Lực trả lời phỏng vấn bên lề sự kiện. (Ảnh: TL)

Đồng hành với việc doanh nghiệp chủ động tìm ra giải pháp vượt khó, ông Cường cũng kiến nghị nhà nước cần nghiên cứu đưa ra các chính sách phù hợp hơn để thúc đẩy, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực vốn để phát triển.

Còn TS. Cấn Văn Lực thì kiến nghị, "cần thiết phải có một quỹ tiết kiệm nhà ở chung giống như các nước như Thái Lan, Singapore đã làm thành công". Bên cạnh đó, ông Cấn Văn Lực cũng chỉ ra phải phát triển thị trường vốn tạo nguồn vốn trung dài hạn và cân đối cấu trúc thị trường tài chính; tạo vốn mồi tại các quỹ tiết kiệm nhà ở, chương trình nhà ở xã hội, tăng cường vai trò của Hiệp hội ngành nghề.

“Đặc biệt trong đó chú trọng định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực BĐS mục tiêu như cơ sở hạ tầng thiết yếu, hạ tầng giao thông; triển khai tốt Nghị định về hình thức đầu tư PPP”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Các diễn giả cũng nêu ý kiến, để cải thiện thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường BĐS cần minh bạch hơn, thông tin về quy hoạch, quỹ đất cần được công bố công khai, rộng rãi và kịp thời.