Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. (Ảnh NVCC) |
Hiểu biết về AEC còn hạn chế
Sau hơn một năm AEC thành lập, bà đánh giá thế nào về khả năng tận dụng cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam từ thị trường này?
Tôi thấy phần lớn các doanh nghiệp chưa cảm nhận được “sức nóng” từ việc tham gia AEC. Dường như sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội đầu tư, cơ hội kinh doanh từ AEC chưa nhiều. Sự sốt sắng dường như ít hơn khi nhìn thấy cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác.
Có thể nói, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng ta mới chững lại mối quan tâm về TPP. Trước đó, mọi mối quan tâm của doanh nghiệp đều dồn cho TPP mà chưa có sự quan tâm thích đáng cho AEC. Kết quả là, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên ASEAN khác năm 2016 không tăng, thậm chí còn giảm tới 9% so với năm 2015, trong khi chúng ta vẫn tiếp tục nhập siêu từ các nước này.
Trong khi đầu tư của Việt Nam sang các nước ASEAN chưa thấy sự tăng trưởng rõ rệt, đầu tư của ASEAN vào Việt Nam lại tăng mạnh. Như vậy, xét theo mối quan hệ hai chiều, chiều Việt Nam tiếp nhận vẫn đang bị chi phối, còn chiều Việt Nam tận dụng cơ hội đầu tư, kinh doanh vẫn khá khiêm tốn. Sự khiêm tốn này có lẽ một phần bởi doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu biết đầy đủ về thị trường ASEAN để nắm bắt cơ hội. Mặt khác, nó cũng phản ánh thực lực của doanh nghiệp Việt còn yếu, chưa dám mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2016, số doanh nghiệp Việt biết rõ về AEC chỉ hơn 16%. Đây là một tỷ lệ khá thấp, qua đó để thấy hiểu biết của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Số biết rõ về AEC có lẽ chỉ là một số ít doanh nghiệp thực sự muốn tham gia và cạnh tranh tại thị trường ASEAN.
Theo bà, các doanh nghiệp Việt Nam thờ ơ với AEC là do chưa hiểu rõ hay vì chưa thấy được sức hấp dẫn từ thị trường này?
Tôi nghĩ cả hai. Tâm lý chưa coi trọng thị trường ASEAN vẫn còn phổ biến trong các doanh nghiệp. Cứ nói đến xuất khẩu là họ mơ tưởng đến cơ hội xuất sang Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản. Ngay cả việc tiếp nhận đầu tư cũng vậy, họ chú ý đến những nhà đầu tư ở các nước có trình độ phát triển cao hơn, có công nghệ, kỹ năng quản trị tốt hơn...
Hay như tư duy về cạnh tranh của các Bộ, ngành cũng có vấn đề. Một số quan chức nói rằng cạnh tranh là tốt nhưng chưa đưa ra được giải pháp để sự cạnh tranh đó mang lại lợi ích cho Việt Nam. Nhiều khi trách nhiệm cải thiện năng lực cạnh tranh bị đẩy cho doanh nghiệp. Trong khi Nhà nước chưa có công cụ để phát triển nền tảng cạnh tranh.
Ngoài ra, có một nghịch lý là trong khi chúng ta khá nghiêm túc thực hiện cam kết đối với bên ngoài về mở cửa thị trường nhưng lại không có các công cụ bảo hộ cần thiết cho doanh nghiệp trong nước. Vấn đề này rất được coi trọng ở các nước khác.
Ví dụ, về tám lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển trong AEC, nếu như Thái Lan đưa ra những yêu cầu rất chính đáng như lao động nước ngoài phải hiểu luật Thái, nói được tiếng Thái để phục vụ cho người Thái, Việt Nam lại không đưa ra yêu cầu tương tự, không đòi hỏi gì cả. Điều này có thể khiến lao động Việt không vào được thị trường Thái Lan, nhưng người Thái lại dễ dàng vào Việt Nam để cung cấp các dịch vụ của họ.
Sau hơn một năm AEC được thành lập, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN không tăng mà lại có xu hướng giảm. |
Hay hàng rào kỹ thuật với các sản phẩm cũng vậy. Gần như chúng ta buông, không kiểm tra chất lượng hàng của các nơi khác. Chúng ta kiểm tra, thanh tra ngặt nghèo doanh nghiệp trong nước nhưng lại buông lỏng kiểm tra hàng hóa từ bên ngoài. Liệu chúng ta có thể chắc chắn họ có hệ thống kiểm định hàng hóa tốt để đảm bảo chất lượng hàng hóa như khi họ xuất khẩu sang Nhật Bản, EU và Mỹ hay không?
Trong khi chúng ta mở rộng, cho phép tự do hóa thương mại thì trong nước chúng ta lại không có tự do hóa tương ứng cho các doanh nghiệp. Những cam kết về tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vẫn chưa phát huy hiệu quả, gỡ chỗ nọ lại vướng chỗ kia. Số các văn bản hành chính gây khó cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều. Tôi nghĩ đó cũng có thể là lý do khiến doanh nghiệp Việt không mấy “mặn mà” với AEC.
Tận dụng cơ hội AEC
Vậy các nước khác trong ASEAN đã tận dụng cơ hội từ AEC như thế nào?
Có thể lấy trường hợp của Thái Lan để thấy được sự quan tâm của các nước đối với AEC. Sự đổ bộ ào ạt của các nhà bán lẻ Thái Lan vừa qua đã cho thấy sự hào hứng, quyết liệt của người Thái trong việc tận dụng cơ hội từ AEC tại thị trường Việt. Họ thâu tóm chuỗi siêu thị Metro, Big C, liên kết mua lại một phần của Nguyễn Kim, mua cổ phần của Vinamilk...
Nếu quan sát những người phụ trách kinh tế, phụ trách thương mại của Thái Lan tại Việt Nam, có thể thấy, dù công tác ở vùng miền nào, họ đều rất chịu khó, sử dụng được tiếng Việt, xáp vào với doanh nghiệp, tiếp xúc với các địa phương, lặn lội đến từng cửa hàng để xem người tiêu dùng Việt cần gì, nhìn nhận như thế nào về hàng Thái, so sánh hàng Thái với hàng Việt, chỗ nào mà hàng Thái có thể thuyết phục được người tiêu dùng Việt, chỗ nào có thể mở được các cửa hàng Thái Lan... Tôi nghĩ, sở dĩ hàng Thái có thể vào Việt Nam thành công như vậy chính là nhờ công sức của đội ngũ này. Một đội ngũ rất tận tụy phục vụ cho lợi ích của người dân và nền kinh tế nước họ.
Các chương trình xúc tiến của họ cũng vậy. Họ làm đến nơi đến chốn, từ việc đưa hàng sang, chiến dịch truyền thông, đến chiến dịch tiếp cận với người tiêu dùng và đưa ra những điều rất thiết thực.
Không chỉ riêng Thái Lan, hàng hóa của các nước khác cũng đang gia tăng mật độ thâm nhập thị trường Việt Nam. Những nước như Malaysia, Philippines, Singapore... cũng đang có những chính sách riêng để thúc đẩy giao lưu kinh tế với Việt Nam sau khi nhìn thấy những cơ hội tiềm năng từ thị trường nội địa của chúng ta.
Bà có lời khuyên nào dành cho doanh nghiệp Việt?
Trước hết, tôi rất thiết tha mong muốn doanh nghiệp Việt hãy tìm kiếm cơ hội nhiều hơn từ thị trường trong nước, quan sát xem người nước ngoài tìm cơ hội tại nước mình như thế nào. Thị trường 90 triệu dân là một thị trường lớn, quan trọng cho đông đảo doanh nghiệp Việt Nam. Vậy tại sao các nước ASEAN với sự bất đồng về ngôn ngữ, không hiểu thị trường Việt Nam bằng chúng ta mà họ lại thành công?
Thứ hai là có những gì khó, khó ở chỗ nào, các doanh nghiệp cần phải cùng nhau lên tiếng với Nhà nước để yêu cầu sự hỗ trợ.
Có thể nói, để có được những thay đổi trong môi trường kinh doanh vừa qua, ngoài những nỗ lực của Chính phủ còn phải kể đến sức ép rất mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải cùng Chính phủ nỗ lực thúc đẩy để cải thiện môi trường kinh doanh hơn.
Xin cảm ơn bà!