📞

Doanh nghiệp linh hoạt xoay hướng kinh doanh, thích ứng với dịch Covid-19

Phương Hà 15:21 | 02/06/2021
Đại dịch Covid-19 khiến mọi thứ đảo lộn, nhiều doanh nghiệp (DN) buộc phải thay đổi phương thức kinh doanh để thích ứng với tình hình mới.
Không chỉ DN, mà các địa phương, thậm chí là địa phương trong tâm dịch như Bắc Ninh cũng thay đổi chiến lược sản xuất. (Nguồn: Báo Bắc Ninh)

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh mới, nhiều DN đã tự liên kết trao nhau cơ hội, đặc biệt là DN khởi nghiệp cùng hỗ trợ nhau để tồn tại.

Đẩy mạnh liên kết, số hóa

Điển hình tại Đồng Nai, trong 3 tháng đầu năm, các DN nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh trong nhóm kết nối DN BNI (Business Network International - tổ chức kết nối thương mại lớn nhất dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp thế giới) Đông Nam Bộ, chủ yếu thuộc các ngành dịch vụ, đã có sự chia sẻ và kết nối, trao cơ hội kinh doanh 150 tỷ đồng, trong đó có hơn 50% đến từ Đồng Nai.

Hoạt động liên kết của các nhà kinh doanh trẻ trên địa bàn tỉnh đã mang đến nhiều lợi ích thiết thực, cùng nhau khởi nghiệp.

Cùng với sự liên kết, nhiều DN cũng thay đổi tư duy đầu tư nhiều hơn cho chuyển đổi số. Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ là ví dụ điển hình. Tác động của dịch Covid-19 thời kỳ đầu khiến hầu hết DN chao đảo, do không thể trực tiếp làm việc cùng đối tác. Điều này thôi thúc các DN tìm cách tiếp cận mới.

Theo đó, thay vì chỉ biết đến qua kênh bán hàng trực tiếp, quảng bá hàng qua hội chợ, DN, hiệp hội ngành gỗ đã nhanh chóng chủ động chuyển sang hình thức trực tuyến và đặt ra đề bài số hóa triển lãm.

Các DN thúc đẩy kết nối online mạnh hơn thông qua những kênh bán hàng trực tuyến trên toàn cầu như Alibaba, Amazon... Nhờ có sự tương tác, nhiều DN nhanh chóng gắn kết với nhau, giảm thiểu sự phụ thuộc bên ngoài.

Là ngành có vị trí mũi nhọn trong phát triển kinh tế, song đại dịch Covid-19 hơn một năm qua khiến du lịch “chao đảo”, bị “tụt dốc” nhanh chóng. Nếu trong đợt dịch đầu tiên, không ít DN cố gắng cầm cự bằng cách giảm giờ làm, giảm nhân sự, thì giờ đây, họ đã linh hoạt vận dụng thêm nhiều phương thức mới, hướng chuyển đổi phù hợp để có thể tồn tại.

Theo ông Vũ Văn Tuyên - CEO Travelogy Việt Nam - hiện các ứng dụng công nghệ giúp DN du lịch tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, gia tăng hiệu suất công việc và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các DN với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững.

Cũng như Travelogy Việt, ngày càng nhiều DN tìm kiếm, xây dựng những kênh giao tiếp với khách hàng của mình một cách gần gũi và hiệu quả. Quá trình lưu trữ dữ liệu, kiểm soát chất lượng và hoạt động thanh toán, phục vụ, tương tác với khách hàng cũng được thực hiện hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ.

Trước tình hình này, nhiều DN công nghệ cũng nhanh chóng "bắt trend" đầu tư lớn vào các sản phẩm, ứng dụng, công nghệ phục vụ cho đối tác, khách hàng, Chẳng hạn như Startup Tanca - cung cấp giải pháp quản lý thời gian, nhân sự và làm việc từ xa của Công ty Ứng dụng di động xanh (TP. Hồ Chí Minh), tập trung phát triển những tính năng cần thiết cho các DN và người dùng thời Covid-19 như quản lý công việc từ xa, chấm công qua camera AI...

Giám đốc marketing Công ty Appota - cung cấp các giải pháp và nền tảng cho ngành công nghiệp giải trí số, cũng cho biết, nửa đầu năm 2021, Appota đặt trọng tâm vào các sản phẩm chuyển đổi số như giải pháp quản lý vận hành DN từ xa, dịch vụ ví điện tử không tiền mặt, bán hàng qua mạng...

Thay đổi chiến lược sản xuất

Không chỉ DN, mà các địa phương, thậm chí là địa phương trong tâm dịch như Bắc Ninh cũng thay đổi chiến lược sản xuất, để từng bước khôi phục hoạt động và đảm bảo chống dịch hiệu quả.

Cụ thể, tại Bắc Ninh, bắt đầu từ ngày 2/6, hơn 500 DN đăng ký đi làm trở lại, với số lượng công nhân lao động lên đến hàng chục nghìn người. Các công nhân này sẽ ăn, ở, làm việc luôn tại nhà máy.

Theo ông Vương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh: Tất cả DN phải bố trí xét nghiệm tập trung bằng phương pháp RT-PCR. Công nhân có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ mới được vào nhà máy làm việc. Công nhân vào làm việc phải cam kết ở lại nhà máy, không được đi ra ngoài. Nhà máy tổ chức định kỳ xét nghiệm 10% công nhân.

Ông Len Zhang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Goertek Vina, Bắc Ninh cho biết: "Chúng tôi rất tán thành chủ trương này của tỉnh Bắc Ninh, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nếu không làm như vậy thì sẽ khó đảm bảo được an toàn cho công nhân và ổn định DN. Một mặt, chúng tôi đã bố trí đầy đủ chỗ ở cho công nhân, đồng thời, thực hiện nghiêm việc xét nghiệm đối với các người lao động và chỉ những trường hợp có kết âm tính trong 3 ngày gần nhất mới được trở lại làm việc".

Được biết, trước đây, Công ty Goertek Vina tại khu công nghiệp Quế Võ thường xuyên có 29.000 công nhân. Do ảnh hưởng của Covid-19, số người phải thực hiện cách ly khá cao nên hoạt động bị đình trệ. Theo chủ trương của tỉnh Bắc Ninh, những ngày qua, Goertek Vina đã cho xét nghiệm đối với người lao động để sẵn sàng đi làm trở lại từ ngày 2/6.

Việc triển khai bố trí công nhân lưu trú làm việc tại các nhà máy trên địa bàn nhằm bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ công nhân, duy trì sản xuất; qua đó, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ và triển khai kế hoạch sản xuất của nhà máy, cơ sở sản xuất, đặc biệt trong các khu công nghiệp khi có dịch xảy ra trên diện rộng.

PGS.TS. Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định: Sau hơn một năm chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình của DN và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Chính vì vậy, DN phải tính tới các biện pháp để nâng cao giá trị sản phẩm, chuyển sang sản xuất “tinh”, hạn chế sản xuất “thô”, chuyển sang xuất khẩu chính ngạch hoặc dùng các biện pháp bảo hiểm, đảm bảo hàng hóa... để giảm thiểu thiệt hại khi có rủi ro xảy ra.