Bỏ rơi cả tỷ USD
Logistics là một hoạt động tổng hợp, dây chuyền. Hiệu quả của quá trình này có tầm quan trọng quyết định đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp và thương mại mỗi quốc gia. Sự phát triển dịch vụ logistics có ý nghĩa đảm bảo cho việc vận hành sản xuất, kinh doanh các dịch vụ khác về thời gian và chất lượng. Logistics phát triển tốt sẽ mang lại khả năng tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Với một nền sản xuất phát triển mạnh mẽ, nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao, nếu chỉ tính theo tỷ lệ trên thì phí dịch vụ logistics trên thị trường VN đã có một doanh số khổng lồ và hứa hẹn tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, nguồn lợi lớn từ dịch vụ này đang chảy về túi các đại gia nước ngoài.
Doanh nghiệp trong nước đang thua hoàn toàn trên thị trường này, thậm chí đang làm thuê trong chính nhà mình. Theo tính toán của Cục Hàng hải VN, cho đến nay, VN mới tự đáp ứng được 25% nhu cầu thị trường dịch vụ logistics đang ngày càng phình to. Cụ thể, dịch vụ quan trọng nhất là vận tải biển, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng chuyên chở được 18% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Đây thực sự là một thua thiệt lớn, khi có đến 90% hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hơn 800 doanh nghiệp VN tham gia dịch vụ này, nhưng có thể đếm trên đầu ngón tay số doanh nghiệp đủ sức để tổ chức và điều hành toàn bộ quy trình hoạt động logistics. Các doanh nghiệp VN đa phần đều nhỏ bé, hạn chế về vốn, công nghệ và trình độ nhân lực, có thể vì thế nên chỉ đủ khả năng làm thuê một vài công đoạn trong cả chuỗi dịch vụ mà các doanh nghiệp nước ngoài giành được ngay trên thị trường VN.
Điều đáng nói, theo ông Phạm Mạnh Cường – Phó TGĐ Công ty CP Đại lý Hàng hải VN, trong khi doanh nghiệp “nhà” còn non yếu, chưa có sự liên minh thì lại xuất hiện kiểu kinh doanh chụp giật, manh mún, cạnh tranh theo kiểu hạ giá thành để làm đại lý cho nước ngoài một cách không lành mạnh. Đây là những tiền lệ xấu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh ngành công nghiệp logistics non trẻ của VN. Việc nhiều tên tuổi lớn của thế giới đã xuất hiện ở VN đang gây sức ép rất lớn, khiến doanh nghiệp VN không kết nối được với mạng lưới toàn cầu, chỉ có thể hoạt động như những nhà cung cấp dịch vụ cấp 2, thậm chí là cấp 3, cấp 4 cho các đối tác nước ngoài có mạng điều hành dịch vụ toàn cầu.
Liên kết - tại sao chưa?
Nằm trong khu vực chiến lược ở Đông Nam Á, vị trí địa lý rất thuận lợi cho vận tải quốc tế, lại có bờ biển dài và cảng nước sâu, VN được đánh giá có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, trong xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về chỉ số hiệu quả hoạt động logistics năm nay, VN vẫn đứng thứ 53 thế giới và thứ 5 ở ASEAN. Cái yếu của VN có khá nhiều nguyên nhân, trong đó sự manh mún của các đơn vị làm logistics VN càng cho thấy việc cạnh tranh với các đại gia nước ngoài là vô cùng khó khăn. Vì vậy, vấn đề liên kết đã được đặt ra.
Trong khi sự cạnh tranh của một lĩnh vực được gọi là “hái ra tiền” được dự báo sẽ khốc liệt hơn các ngành khác rất nhiều, thì đây lại chính là điểm yếu nhất của doanh nghiệp VN. Theo các chuyên gia, việc liên kết được cho là giải pháp hiệu quả cho ngành logistics trước những cuộc “xâm lăng” của các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo cam kết khi gia nhập WTO, còn 2 năm nữa VN mới mở cửa hoàn toàn trong lĩnh vực dịch vụ, đến lúc đó các doanh nghiệp có vốn nước ngoài mới được cung cấp 100% dịch vụ logistics tại VN. Nếu nhanh chân, 800 doanh nghiệp “nhà” vẫn còn kịp tận dụng thời gian để bước vào và củng cố vị thế của mình.
Tuệ Minh (tổng hợp)