📞

Doanh nghiệp "méo mặt" với tỷ giá USD

14:30 | 25/11/2009
Nhiều hãng giao nhận vận tải từ chối nhận hàng vì không lo nổi nguồn USD thanh toán. Không riêng các nhà nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp khác cũng bắt đầu nhìn thấy ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng khan hiếm đôla.
Thị trường ngoại tệ căng thẳng khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp đình đốn. (Ảnh minh họa: Hoàng Hà)

Ông Nguyễn Tâm, đại diện tại Việt Nam của một hãng giao nhận vận tải quốc tế cho biết: "Chúng tôi báo giá cho khách hàng thuê vận chuyển bằng USD nhưng lại nhận từ khách đồng Việt Nam theo tỷ giá niêm yết ngân hàng. Cầm tiền đồng lại không mua được USD của ngân hàng, công ty không biết lấy gì để trả cho các hãng tàu".

"Đường cùng, chúng tôi phải dùng hai mức giá. Nếu khách hàng trả bằng USD, sẽ được hưởng giá gốc. Ngược lại (trả bằng đồng Việt Nam) sẽ phải trả cao hơn khoảng 10% để công ty mua USD "chợ đen" thanh toán cho đối tác. Như vậy, cả chúng tôi lẫn người xuất khẩu đều chẳng thích thú gì", ông Tâm nói.

Theo một doanh nghiệp xuất khẩu đá xây dựng, chi phí vận tải cho mỗi lô hàng sẽ tăng từ vài chục đến vài trăm đôla nếu thanh toán bằng đồng Việt Nam. Trong khi đó, công ty không phải lúc nào cũng có sẵn USD để thanh toán.

Ông Phan Đình Sơn, Giám đốc Công ty Thiết bị siêu thị và máy tính Bảo An cho biết: "Khi nhập hàng của đối tác nước ngoài, công ty chúng tôi coi như có công nợ bằng USD. Chúng tôi bán cho khách hàng theo tỷ giá vào thời điểm đó, khoảng hơn 18.000 đồng một USD. Nay phải trả nợ cho đối tác nước ngoài thì giá đô la "chợ đen" đã gần 20.000 đồng một USD. Không mua được ngoại tệ từ ngân hàng, công ty tôi thiệt đơn thiệt kép. Cứ mỗi đơn hàng trị giá 1.000 USD tôi mất hơn một triệu đồng".

Sống dở, chết dở vì tỷ giá rõ ràng không phải chuyện riêng của công ty ông Sơn. Một công ty kinh doanh thiết bị tin học tại TP HCM thậm chí đã phải ngừng nhập hàng mới từ khoảng nửa tháng nay do không chịu nổi mức lỗ do chênh lệch tỷ giá.

"Nếu tiếp tục mua ngoại tệ để nhập hàng vào thời điểm này, công ty tôi phải chịu lỗ hơn 10% giá trị mỗi đơn hàng. Không biết làm gì để bù số lỗ đó, tôi ngưng nhập hàng luôn", anh Minh, giám đốc công ty này than thở.

Cũng theo vị giám đốc này, dù lượng hàng trong kho vẫn còn đủ cho hai tháng tới nhưng công ty anh vẫn phải tăng giá, vừa là để bù lỗ, vừa là để kìm bớt lực mua. Giá cao khiến cho lượng bán ra trong hơn hai mươi ngày qua chỉ bằng phân nửa so với tháng 10, dù cuối năm luôn là dịp làm ăn thuận lợi.

Giám đốc một công ty kinh doanh ôtô lại gặp khó khăn khác: "Việc giá đôla tự do cao hơn nhiều so với giá ngân hàng khiến chúng tôi lúng túng không biết dùng giá nào để quy đổi sang đồng Việt Nam cho khách hàng. Tính cao thì khách không chịu mà tính thấp thì mình thiệt", vị giám đốc này cho biết.

Ông cho biết những ngày gần đây tình hình bán hàng rất chậm lý do là vì tỷ giá tăng giảm thất thường và khó dự đoán. Khách hàng có xu hướng "cò kè" hơn, một số người thậm chí còn có tâm lý tranh thủ mang đôla đi bán kiếm lời, thay vì trả ngay tiền cho công ty.

Trao đổi với báo giới, nhiều ngân hàng thương mại khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu trong khả năng ngoại tệ cho phép để thanh toán với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, theo các ngân hàng này, bản thân họ cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn cung ngoại tệ do phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng giữ ngoại tệ trong tài khoản thay vì bán lại cho ngân hàng.

Thực tế này khiến những doanh nghiệp nhập khẩu như công ty của anh Minh phải đặt quan hệ với một số nhà xuất khẩu: "Do quan hệ hợp tác lâu dài, các đơn vị này có thể bán lại USD cho công ty tôi. Tuy nhiên, mức chênh lệch so với giá niêm yết của ngân hàng cùng thường ở mức 5-7%", anh Minh cho biết.

Trong khi đó, trên thị trường tự do tại Hà Nội, tỷ giá giao dịch phổ biến trong buổi chiều 24/11 đã đạt mức 19.750 - 19.850 đồng đổi một USD (mua vào - bán ra) tăng 100 đồng so với 24 giờ trước đó. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng cũng lần đầu tiên chạm mốc 17.030 đồng trong khi mức niêm yết phổ biến tại các ngân hàng thương mại ở mức 17.882 đồng đổi một USD.Theo VnExpress