📞

Doanh nghiệp ngành Công Thương: Loay hoay với cổ phần hóa

19:00 | 08/01/2016
Số lượng cổ phần bán ra ít ỏi, tiêu chí cổ phần hóa (CPH) còn nặng nề, chưa hiểu mục đích CPH... là các nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong ngành Công Thương chưa triển khai cổ phần hóa thành công.

Mục tiêu của CPH không đơn thuần là bán hay thu hồi vốn, quan trọng là nâng hiệu quả doanh nghiệp.

Nhận định trên vừa được đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu, CPH, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Thiếu hấp dẫn vì bán nhỏ giọt

Theo Bộ Công Thương, tính đến tháng 12/2015, Bộ đã hoàn thành công tác cổ phần hóa và chuyển đổi tám DNNN thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp bao gồm: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam; Công ty TNHH MTV Giao nhận kho vận ngoại thương; Công ty TNHH MTV Điện máy; Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến thương mại; Công ty TNHH MTV Viện máy và Dụng cụ công nghiệp IMI; Công ty TNHH MTV Caric; Công ty TNHH MTV Cơ khí Duyên hải.

Như vậy, trong giai đoạn 2011–2015, Bộ Công Thương hoàn thành công tác sắp xếp, cổ phần hóa 15 doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Trong đó, số doanh nghiệp cổ phần hóa có nhà đầu tư chiến lược có năm doanh nghiệp, chủ yếu là các tập đoàn và các tổng công ty.

Đánh giá về công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc Bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, nhìn chung kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp vẫn chưa được như mong muốn. Đáng chú ý, với việc nhiều DNNN bán ra lượng cổ phần quá ít ỏi như hiện nay, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài đều không mặn mà với việc mua cổ phần vì có mua hết lượng cổ phần bán ra cũng khó nắm quyền kiểm soát. “Cổ phần hóa doanh nghiệp mà vốn Nhà nước vẫn chiếm tới 94-95% thì không có nhiều ý nghĩa lắm”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.

Ông Phan Đăng Tuất, Phó Trưởng ban thường trực Ban Đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho rằng, việc nắm giữ dưới 51% cổ phần tại các DNNN không thể khiến nhà đầu tư nước ngoài yên tâm bởi tỷ lệ ấy không giúp nhà đầu tư nắm quyền kiểm soát.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đề xuất phương án CPH nên phê duyệt bán trên 51% để nhà đầu tư thấy tính nhất quán về chủ trương của Nhà nước là không nắm giữ hay chi phối cổ phần tại doanh nghiệp đó.

Ngoài ra, tiêu chí CPH vẫn còn quá nặng nề như doanh nghiệp phải có số tài sản như thế này,  có bao nhiêu năm hoạt động không bị lỗ... “Cần xác định tiêu chí đơn giản đi, thậm chí hạ bớt xuống thì mới CPH nhanh được”, ông Tuất thẳng thắn nói.

Về CPH những ngành nghề kinh doanh chính, ông Tuất cũng tỏ ra lo lắng khi nhiều ngành nghề kinh doanh chính biến mất sau cổ phần hóa, thậm chí nhiều doanh nghiệp bị mua lại vì lợi thế đất đai sau đó chuyển đổi mục đích kinh doanh. “Lúc đó sản phẩm truyền thống sẽ vĩnh viễn ra đi, thị trường sẽ được lấp đầy bằng một sản phẩm khác. Khi đó chúng ta sẽ bị mất đi một sản phẩm đã duy trì và có thương hiệu nhiều năm trên thị trường", ông Tuất cảnh báo.

Cổ phần hóa để nâng hiệu quả doanh nghiệp

Chia sẻ kinh nghiệm về CPH, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường lại đồng tình với mô hình CPH doanh nghiệp từ dưới lên, từ công ty con rồi mới tới công ty mẹ. “Mục tiêu cuối cùng của CPH là doanh nghiệp phải năng động hơn, linh hoạt hơn nhưng con không đệ trình thì mẹ làm sao biết để thay đổi? Cổ phần hóa từ công ty con trước rồi dần tới công ty mẹ tuy có thể lâu hơn nhưng sẽ hiệu quả hơn”, ông Trường nói.

Ông Võ Thanh Hà, tân Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lại có cách nhìn khác về CPH. Mục đích chính của CPH là để huy động vốn, nâng cao năng lực quản trị, trình độ sản xuất… với Sabeco lại không phải vì mục đích đấy. “Chúng tôi đang hoạt động có lãi, nộp ngân sách nhà nước đầy đủ thì có nhất thiết phải CPH không?”, ông Hà nêu câu hỏi.

Ông Nguyễn Trọng Dũng lý giải, mục tiêu của CPH không đơn thuần là bán hay thu hồi vốn, quan trọng là nâng hiệu quả doanh nghiệp. Bán chỉ là một phương thức, CPH là giải pháp cơ bản nhất trong tái cơ cấu các DNNN, thực sự đem lại hiệu quả cho các DNNN.

Ông Dũng đưa ra trường hợp CPH thành công của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương: “Sữa là một mặt hàng rất quan trọng, phục vụ sức khỏe cho người già, trẻ em và những người bệnh. Đây là sản phẩm mang tính chất an sinh xã hội nhưng tại sao vẫn CPH? Và CPH đã thay đổi công ty này như thế nào? Ai cũng nhìn thấy, họ vốn đã rất mạnh nay lại càng mạnh hơn sau khi được CPH”.

Trao đổi về giải pháp CPH thời gian tới, ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng, có rất nhiều giải pháp nhưng để thành công lại phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu doanh nghiệp. Chỉ có thể làm tốt CPH khi gắn trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp với kết quả CPH. Yếu tố thành công sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý chí, quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp.