📞

Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên ‘đường ưu tiên’ EVFTA: Tránh tư duy 'bao cấp', viện lý do 'không có tiền'

Gia Thành 08:00 | 31/03/2021
Để tận dụng được "đường ưu tiên" EVFTA, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ và nguồn nhân lực, tuyệt đối tránh tư duy "bao cấp", viện lý do "không có tiền" để ngần ngại đầu tư hay đầu tư công nghệ rẻ, kém cả về chất lượng và hiệu quả.
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu để nắm bắt đầy đủ, chính xác các cam kết của Hiệp định EVFTA. (Nguồn: Gulf News)

Tại Hội nghị bàn tròn "Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa với Hiệp định EVFTA" do Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) góp phần đa dạng hóa thị trường Việt Nam, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định, từ đó giúp đảm bảo an ninh kinh tế của Việt Nam.

70% doanh nghiệp được hưởng lợi ngay lập tức

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho hay, trong gần 2 thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động các nguồn lực vào phát triển kinh tế xã hội, duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu… đóng góp quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề xã hội.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm 97%, đóng góp 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách, và thu hút hơn 5 triệu lao động.Trong mọi hoàn cảnh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn năng động, sáng tạo, nhạy bén, linh hoạt vượt qua khó khăn và thách thức, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội.

"Những sự hỗ trợ từ EVFTA với doanh nghiệp đã thực sự đi vào thực tế. Thống kê cho thấy, có tới 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng lợi ngay lập tức từ khi EVFTA đi vào hiệu lực và 29% doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội trong tương lai tới" - Cựu Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier.

EVFTA đi vào hiệu lực được đánh giá là trợ lực quan trọng giúp thúc đẩy phát triển nền kinh tế không chỉ nhanh mà còn bao trùm và bền vững. Bên cạnh khối doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn lớn, lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được kỳ vọng sẽ tận dụng hiệu quả EVFTA để từng bước lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu thời đại.

Đại sứ phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nhận định, EVFTA có thể hỗ trợ tích cực cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ theo 2 hướng là “tĩnh” và “động”.

Cụ thể, về “tĩnh”, EVFTA tạo ra những điều kiện thuận lợi cho thương mại cũng như tháo gỡ rào cản về pháp lý, tạo động lực để Nhà nước tiến hành cải cách, giảm thuế, giảm quan liêu, giảm thủ tục không cần thiết, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch và dễ dự đoán.

Về “động”, Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới này là cơ hội, cũng như là lời thúc giục doanh nghiệp tích cực tham gia xuất nhập khẩu, tích cực thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng, từ đó từng bước nâng cao năng lực.

Cựu Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier khẳng định, những sự hỗ trợ này đã thực sự đi vào thực tế. Thống kê cho thấy, có tới 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng lợi ngay lập tức từ khi EVFTA đi vào hiệu lực và 29% doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội trong tương lai tới.

Doanh nghiệp vẫn băn khoăn

Phó Tổng cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Thu Thuỷ cho rằng, EVFTA dù tạo ra nhiều cơ hội cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng bản thân các doanh nghiệp này lại có năng lực rất yếu. 65% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ rất thấp. Vốn đăng ký của khu vực doanh nghiệp này loanh quanh trên dưới chục tỷ đồng, doanh thu thấp, trình độ quản trị càng thấp. Cơ cấu xuất khẩu của cả nước trên 70% đến từ các doanh nghiệp FDI, chưa đầy 30% là của doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân.

Vì thế, nếu không tham gia được vào xuất khẩu, vào chuỗi liên kết thì khu vực doanh nghiệp này chưa thực sự vào được "đường cao tốc" EVFTA.

Chia sẻ với TG&VN, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS. Nguyễn Thị Thu Trang nhận định, qua các buổi làm việc với doanh nghiệp vừa và nhỏ, VCCI nhận thấy, vướng mắc đầu tiên của doanh nghiệp là hiểu về cam kết EVFTA, đặc biệt là cam kết về quy tắc xuất xứ, điều kiện để tận dụng ưu đãi thuế quan khi xuất hàng. Tiếp đến là những vấn đề họ gặp phải trong thủ tục nhập khẩu cũng như các giấy tờ cần thiết để được hưởng ưu đãi khi nhập hàng từ EU.

"Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được khá nhiều băn khoăn của doanh nghiệp, lo lắng về chuyện các tiêu chuẩn về lao động, về môi trường liệu có tăng lên, có làm khó doanh nghiệp sau khi EVFTA có hiệu lực hay không.

Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ đang loay hoay không biết làm thế nào để bắt đầu kinh doanh với thị trường EU. Họ nhìn thấy cơ hội thuế quan ở thị trường này qua EVFTA, nhưng lại không có bất kỳ kiến thức nào về các yêu cầu của thị trường EU, cũng không có đầu mối, bạn hàng nào ở EU, không biết về những yêu cầu dán nhãn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… của từng thị trường trong EU", TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME) TS. Nguyễn Văn Thân nhận định, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực sự có thể tận dụng tiềm năng mà EVFTA mang lại, theo ông Thân, bên cạnh sự vào cuộc từ phía Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động và tích cực.

Cụ thể, để xuất khẩu sang EU, làm ăn buôn bán với thị trường EU, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng cũng như độ an toàn của sản phẩm, thay vì sản xuất “rẻ” như trước đây. “Người ta nói, thị trường châu Âu khó tính, nhưng theo tôi, thị trường châu Âu không khó tính chút nào vì đã ký thỏa thuận với nhau rồi, chúng ta chỉ cần thực hiện tốt quy định”, ông Thân nhận xét.

"Chúng ta đang xây một con đường cao tốc là EVFTA và là nền móng để trong tương lai tốt đẹp hơn. Tương lai trên con đường này sẽ có những chiếc xe tải lớn, nhưng ngay bây giờ, chúng ta cần những chiếc xe nhỏ, thậm chí cả xe đạp" - Tham tán Công sứ, Trưởng ban Kinh tế & Thương mại của Phái đoàn EU tại Việt Nam Carsten Schittek.

Để làm được điều này, TS. Nguyễn Văn Thân nhận thấy, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ và nguồn nhân lực, tuyệt đối tránh tư duy “bao cấp”, viện lý do “không có tiền” để ngần ngại đầu tư hay đầu tư công nghệ rẻ, kém cả về chất lượng và hiệu quả.

Mặt khác, một trong những điểm yếu và thể hiện sự kém chủ động của doanh nghiệp nằm ở việc không nắm bắt được thông tin, nội dung hiệp định cũng như chính sách, quy định, hàng lang pháp lý của cả Việt Nam và EU.

"Trong thời đại hiện nay, thông tin và công nghệ chính là sức mạnh. Doanh nghiệp không nắm bắt được thông tin thì không thể nhìn ra cơ hội chứ chưa nói đến chuyện làm thế nào để tận dụng và hưởng lợi", Chủ tịch VINASME nhấn mạnh.

Để không bị "bỏ quên"

Tham tán Công sứ, Trưởng ban Kinh tế & Thương mại của Phái đoàn EU tại Việt Nam Carsten Schittek cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng nhưng hay bị "bỏ quên". EVFTA không có 1 chương riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng lại có những điều khoản trong Hiệp định cho khu vực này.

Hiệp định đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo lợi ích cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Chúng ta đang xây một con đường cao tốc là EVFTA và là nền móng để trong tương lai tốt đẹp hơn. Tương lai trên con đường này sẽ có những chiếc xe tải lớn, nhưng ngay bây giờ, chúng ta cần những chiếc xe nhỏ, thậm chí cả xe đạp đi trên đường đó", ông Carsten Schittek lấy ví dụ.

Tuy nhiên, ông Carsten Schittek chỉ ra rằng, hiện Việt Nam vẫn yêu cầu quá nhiều về thủ tục hành chính, đòi hỏi nhiều giấy tờ, nhiều chứng chỉ, giấy phép, văn bản do cơ quan chính phủ yêu cầu. Nếu một doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều chướng ngại vật như vậy họ sẽ rất nản. Do đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn tiến gần tới các tiêu chuẩn của EU, cần loại bỏ các rào cản, giảm bớt các tiêu chuẩn địa phương không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Đưa ra ý kiến của mình, Đại sứ Giorgio Aliberti khẳng định, Việt Nam cần có cơ chế, công cụ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở lên mạnh mẽ hơn nữa. Có khung pháp lý dễ áp dụng hơn cho khu vực này, tạo ra môi trường cạnh tranh hơn cho các loại hình doanh nghiệp.

"Chính phủ hãy hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ tăng cường năng lực hội nhập, đáp ứng được các quy định của hiệp định như khuôn khổ pháp lý, cấp phép đầu tư - kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, đảm bảo việc ra quyết sách cần thích ứng với thông lệ quốc tế", Đại sứ EU nhấn mạnh.