Các đại biểu dự Hội thảo doanh nghiệp Việt-Séc. (Ảnh: Vietnam+) |
Hai đối tác chính của Thương vụ Việt Nam tại Séc và Phòng Kinh tế Séc tại Hội thảo là Tổ chức Hỗ trợ của EU đối với thị trường Việt Nam (Euro-Việt Nam Business Networking, EVBN) và Văn phòng Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Séc.
Đối tượng mà cuộc hội thảo nhằm đến là các doanh nghiệp Séc có mối quan tâm và tiềm năng đầu tư vào Việt Nam hoặc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hoàng Thùy Dương đã đến dự và phát biểu chào mừng hội thảo.
Bài phát biểu nêu rõ: “Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đang phát triển mạnh, 5 năm gần đây tăng gần gấp đôi về giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều, năm 2013 vừa qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Séc đạt 546 triệu USD, cán cân thương mại hai nước tiếp tục được cải thiện cân bằng hơn so với trước."
Nhưng kết quả hợp tác đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, Cộng hòa Séc mới có hơn 30 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn còn nhỏ, tập trung vào một số ít ngành như thủy tinh pha lê, bia, thiết bị điện, chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng, khai khoáng...
Tại cuộc hội thảo, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Séc Nguyễn Thăng Long đã đọc tham luận với tiêu đề "Việt Nam - cơ hội đầu tư và thương mại.”
Theo Tham tán Nguyễn Thăng Long, Cộng hòa Séc có thế mạnh của nền công nghiệp hóa hướng xuất khẩu, với nhiều ngành công nghiệp có uy tín trên thế giới.
Việt Nam quan tâm đến việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, sản phẩm công nghệ cao của Cộng hòa Séc, cũng như dụng cụ phụ tùng, nguyên phụ liệu và các mặt hàng dùng cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và chế biến hàng xuất khẩu đồng thời Việt Nam luôn đón đợi các nhà đầu tư và các doanh nghiệp Séc sang Việt Nam tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác, xây dựng các liên kết liên doanh để sản xuất, cung cấp sản phẩm tại Việt Nam hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam và Séc, Tham tán Nguyễn Thăng Long nhấn mạnh: "Hai nước, hai Chính phủ và hai bộ công thương quan thể hiện quyết tâm rất cao để tăng cường đầu tư công nghệm phát triển thương mại-xuất nhập khẩu. Để tăng hơn nữa lượng đầu tư của các nhà đầu tư Séc vào Việt Nam thì phía Séc đang chuẩn bị một số dự án để thương thảo với phía Việt Nam. Hy vọng trong thời gian tới các cuộc thương thảo sẽ sớm đem lại kết quả mong đợi.”
Cũng tại cuộc hội thảo, bà Jana Ackermann, đại diện EVBN, đã trình bày tham luận "Các hoạt động để hỗ trợ các công ty tại Séc trong tiếp cận thị trường Việt Nam.”
Cuối cùng, đại điện BIDV tại Séc giới thiệu hoạt động của Văn phòng BIDV tại Séc.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp EU tại Việt Nam, bà Jana Ackermann, đại diện EVBN, nói: "Tôi cho rằng cơ hội đầu tư vào Việt Nam là rất lớn. Việt Nam là đất nước có tiềm năng lớn với một thị trường rộng mở và đông dân. Tại đây có thể đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Tuy còn một số khó khăn đối với các nhà đầu tư, song nhìn chung cơ hội để đầu tư vào Việt Nam là khả quan”./.