📞

Doanh nghiệp 'sếu đầu đàn' là yếu tố then chốt đưa Quảng Ninh 'cất cánh'

Vân Chi 19:12 | 08/03/2024
Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ 7, khóa VII chiều 8/3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định, tỉnh xác định sự đóng góp, quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam “các sếu đầu đàn” là một trong những yếu tố then chốt quyết định.

Theo ông Huy, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh và VCCI ký Bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2022 – 2025; đồng thời tổ chức hiệu quả Nghị quyết số 02 hằng năm của Chính phủ, Nghị quyết số 05 ngày 09/4/2021 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành VCCI lần thứ 7, khóa VII. (Ảnh: Vân Chi)

Trong những năm qua, nhất là trong những năm gần đây, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt trên 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023). Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11,03%, gấp đôi bình quân chung cả nước, đứng thứ 3 Việt Nam, đứng đầu trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2023 ước đạt trên 315.800 tỷ đồng, đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc (chỉ sau thành phố Hà Nội và thành phố Hải Phòng), đóng góp 10,1% vào tổng quy mô nền kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng. GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc. Là một trong 18 tỉnh, thành phố đóng góp cho ngân sách quốc gia.

Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; đặc biệt có hệ thống đường bộ cao tốc, với 176 km kết nối từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; hệ thống cảng biển quốc tế, cảng thủy nội địa, gắn với tổ chức lại không gian phát triển, tạo tiền đề thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, liên vùng và hội nhập quốc tế; kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; “Lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp; lấy thành thị dẫn dắt nông thôn”; phát triển tư duy mới về mô hình tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực” theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hội nghị Ban Chấp hành VCCI lần thứ 7, khóa VII. (Ảnh: Vân Chi)

Ông Huy thông tin, Quảng Ninh là địa phương có số lượng và quy mô Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) lớn nhất cả nước với 2 khu kinh tế ven biển (230.436 ha), 3 khu kinh tế cửa khẩu (144.735 ha), 23 KCN (18.842,56 ha), phân bố trên 10/13 địa phương với tổng diện tích trên 394.013 ha, Quảng Ninh hứa hẹn một vùng đất tiềm năng với các doanh nghiệp.

Các KKT, KCN của Quảng Ninh được kết nối với nhau bằng hệ thống đường cao tốc tạo thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển, giao thương hàng hóa. Các khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu của Quảng Ninh đều được Chính phủ cho phép hưởng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 183 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 15 tỷ USD.

Quảng Ninh còn là một địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh thuộc diện cao nhất cả nước, với 4 thành phố, 2 thị xã trực thuộc tỉnh, tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2023 ước đạt 69,46%. Phát triển khá cân đối giữa các vùng miền, tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hoá, xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống và chất lượng sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền. Tập trung xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đứng vị trí quán quân 6 năm liên tiếp (từ năm 2017 - 2022) về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); duy trì 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); 4 năm dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), 2 năm dẫn đầu chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

“Để đạt được những kết quả quan trọng đó, thời gian vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, tích cực, hiệu quả của VCCI, nhất là trong việc phối hợp triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 giữa UBND tỉnh Quảng Ninh và VCCI”, ông Huy nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị Ban chấp hành VCCI lần thứ 7, khóa VII. (Ảnh: Vân Chi)

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đặt mục tiêu hướng đến năm 2030 trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh xác định sự đóng góp, quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam “các sếu đầu đàn” là một trong những yếu tố then chốt quyết định. Do vậy, tỉnh Quảng Ninh rất mong nhận được sự quan tâm, nghiên cứu đầu tư hợp tác của các Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong việc đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả.

Tỉnh Quảng Ninh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển hơn nữa khi đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh; cam kết đồng hành, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư; cùng trăn trở, trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, vào cuộc thực chất, hiệu quả đối với từng khó khăn, vướng mắc với mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở.

Tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai một cách hiệu quả nhất Quy hoạch tỉnh, quy hoạch các địa phương; chuẩn bị mặt bằng sạch; quỹ đất tái định cư; đảm bảo nguồn cung điện, nước và viễn thông theo yêu cầu; xây dựng các chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc cải thiện nhà ở và cơ sở văn hóa để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp vào tỉnh; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người lao động và người dân.