“Biết rồi", nhưng...
Không thể phủ nhận, doanh nghiệp đang ngày càng nhận thức được vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ, bằng chứng là số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp đang tăng lên. Năm 1995, số đơn yêu cầu bảo hộ là hơn 5.600, đến năm 2009 tăng lên gần 29.000, cùng với đó số lượng văn bằng bảo hộ được cấp cũng tăng hơn 4 lần. Nhiều doanh nghiệp còn nộp đơn yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Việt Hùng - Cục trưởng Cục SHTT, hoạt động SHTT trong các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và chưa có nhiều cải thiện đáng kể. Số lượng đơn, văn bằng bảo hộ, đặc biệt là sáng chế, giải pháp hữu ích còn rất ít so với tiềm năng. Số doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp chỉ chiếm khoảng 25% số doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích cấp cho người Việt Nam chỉ chiếm hơn 10% tổng số bằng sáng chế, giải pháp hữu ích cấp ra.
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, SHTT chính là một công cụ cạnh tranh vô cùng hữu hiệu, nhiều lúc đã trở thành tài sản chính của doanh nghiệp, tạo nên giá trị doanh nghiệp. Đáng buồn thay, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, dù biết, nhưng lại chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của hoạt động SHTT, và trên thực tế, không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh "mất bò mới lo làm chuồng".
Trên thị trường, đâu đâu cũng có thể bắt gặp các nhãn hiệu kiểu như TOMOT bên cạnh "đại gia" OMO, hay Lavile bên cạnh nhãn hàng nổi tiếng La Vie. Cũng không hiếm những sản phẩm có chung một công dụng, có nhãn mác y hệt, chỉ thay đổi vài chi tiết nhỏ nhưng vẫn được bày bán công khai. Nhiều vụ vi phạm SHTT đã và đang gây tranh cãi, qua đó cho thấy dường như SHTT vẫn còn là một thứ xa xỉ với nhiều người và là một thứ mới mẻ với các cơ quan chức năng. Đơn cử vụ việc gây xôn xao dư luận gần đây là nhãn hiệu "DFM" của Công ty TNHH ôtô Đông Phong bị một công ty khác có nhãn hiệu "DVM" cách điệu tương tự, làm công ty này bị thiệt hại không nhỏ về uy tín và thu nhập. Vụ việc này đã được Cục SHTT giải quyết và xác định đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Bên cạnh đó, những vụ vi phạm SHTT chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính, thiếu tính răn đe đã tạo tiền lệ xấu, khiến nhiều doanh nghiệp trở nên "nhờn thuốc".
Ngoài ra, phần đông doanh nghiệp vẫn mang tâm lý "ngại đưa ra tòa", một phần vì tốn kém thời gian và công sức, một phần vì ngại rầy rà. Điều này cũng khó trách, bởi các vụ xét xử về vi phạm SHTT vẫn chưa được đánh giá đúng như sự nghiêm trọng của nó đối với phát triển nền kinh tế.
Nhận định về hoạt động SHTT trong doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực kinh phí, nhân lực hạn chế, chủ yếu sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu thô và gia công xuất khẩu. Do vậy, các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ còn thấp, hệ thống thông tin, nhất là thông tin về SHTT chưa đáp ứng, cơ chế hỗ trợ đăng ký, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp còn hạn hẹp.
Doanh nghiệp cần chủ động
Cục SHTT hiện đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về SHTT, hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp. Nhiều chương trình phổ biến kiến thức về SHTT như "Chắp cánh thương hiệu", "Trí tuệ Việt", "SHTT với doanh nghiệp",... phát trên sóng phát thanh, truyền hình đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khán thính giả.
Tuy nhiên, tự tìm hiểu và tự nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền SHTT, tự nâng cao khả năng cạnh tranh là việc các doanh nghiệp nên chủ động vào cuộc. Bởi chính những người hoạt động nghiên cứu - triển khai SHTT còn phải nhận xét rằng, hiện nay hệ thống đảm bảo thực thi quyền SHTT còn chồng chéo, phức tạp, phối hợp giữa các cơ quan chưa thông suốt.
Diễn Tú