📞

Doanh nghiệp Việt Nam - Belarus thúc đẩy thương mại hai chiều

20:52 | 25/06/2016
Ngày 21/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Belarus đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam- Belarus sau khi phê chuẩn Hiệp định Liên minh kinh tế Á – Âu”.

Tham gia Hội thảo có trên 70 đại biểu, đại diện cho Bộ Ngoại giao, Phòng thương mại & công nghiệp cùng 40 doanh nghiệp Belarus trên nhiều lĩnh vực như thương mại, ngân hàng, bán lẻ, máy móc.

Tập đoàn Tâm - Tâm của người Việt có trụ sở tại Moscow (LB Nga), chuyên về xuất khẩu hàng thủy sản, nông sản Việt Nam sang thị trường SNG và một số doanh nghiệp của Cộng đồng Việt Nam tại Minsk cũng có mặt tại cuộc Hội thảo.

Đại sứ Lê Ánh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Belarus Lê Ánh khẳng định: Quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam và Belarus được thể hiện qua chuyến thăm đầu tiên ra nước ngoài của Tổng thống Belarus A.Lukashenko sau khi đắc cử chính là đến Việt Nam. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Bởi vậy, cuộc hội thảo này với sự có mặt của nhiều doanh nhân sẽ góp phần thúc đẩy thương mại hai chiều hơn nữa, trong bối cảnh Tổng thống LB Nga, Kazakhstan và Belarus mới đây đã phê chuẩn Hiệp định Liên minh Kinh tế Á - Âu với Việt Nam. 

Ông Dmitri Sudas, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á – Australia và châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Belarus hoan nghênh sáng kiến tổ chức cuộc Hội thảo này của Đại sứ quán và cho rằng Chính phủ Belarus đang quan tâm sâu sắc đến phát triển kinh tế - thương mại với thị trường ASEAN có 600 triệu dân, trong đó Việt Nam với hơn 90 triệu người tiêu dùng.

Ông Sudas nhấn mạnh, cần phải có những bước đi cụ thể giữa các doanh nghiệp hai nước trên nhiều lĩnh vực, về phía Belarus là máy móc, công nghệ kể cả dân dụng lẫn quốc phòng trong khi đó Việt Nam với các sản phẩm nông sản nhiệt đới. Ngoài ra, ngay sau khi Hiệp định LMKT có hiệu lực, thuế suất của trên 60% mặt hàng bằng 0% (trong đó có nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam  như tôm cá đông lạnh, nông sản, hoa quả...), sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các thành viên của Liên minh. 

Phó Vụ trưởng Vụ châu Á-Australia và châu Đại dương phát biểu.

“Chúng ta nói nhiều về quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước chưa biến thành mối quan hệ kinh tế-thương mại tương xứng, vì vậy sự kết nối doanh nghiệp trực tiếp như cuộc Hội thảo này rất bổ ích”, ông Alexandr Navestrenko, Phó giám đốc đối ngoại của Phòng TM&CN Belarus nói.

Ông Navestrenko cũng bày tỏ băn khoăn liệu các doanh nghiệp Việt Nam, như Tâm - Tâm đã thành công ở LB Nga, có vượt qua trở ngại về khoảng cách để đến với Belarus hay các doanh nghiệp Belarus có mạnh dạn tiến vào một thị trường mới với nhiều khác biệt về văn hóa, môi trường kinh doanh. 

Hội thảo trở nên sinh động hơn khi các doanh nghiệp đi thẳng vào vấn đề làm thế nào để thành công tại thị trường Nga, Belarus hay Việt Nam. Bỏ qua những lời hay ý đẹp về tiềm năng hợp tác các nước SNG với Việt Nam, ông Alex Kuznhesov – Giám đốc điều hành tập đoàn Tâm - Tâm tại Moscow trình bày không có gì ngoài sự năng động tìm kiếm khách hàng và chất lượng sản phẩm.

Chính sự quản lý chặt chẽ về chất lượng hàng hóa từ nơi sản xuất, vận chuyển đến khâu bán hàng, đặc biệt với các sản phẩm như tôm, cá đông lạnh, nông sản sẽ quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp trên thương trường. Tâm - Tâm luôn thực hiện chiến lược như vậy trong 15 năm qua và giờ đây chiếm đến 60 % thị phần hàng thủy sản của Việt Nam  xuất sang Nga cũng như các mặt hàng chuối khô, hạt điều, cà phê.

Còn ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch của Tập đoàn này cho rằng đây chính thời điểm kinh tế khó khăn của Belarus, Nga hiện nay là thời cơ cho hàng Việt Nam giá cả phải chăng và chất lượng đảm bảo thâm nhập vào.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Vấn đề được doanh nghiệp Belarus quan tâm nhất trong Hội thảo là làm thế nào kiểm soát chất lượng hành hóa xuất tại Việt Nam. Ông Nhikolai Polakov, Giám đốc Công ty Dobrada - đối tác nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam vào thị trường Belarus, cho biết: Dobrada có những quy định rất chặt chẽ với các đối tác, đặc biệt về mặt pháp lý, để tránh những thiệt hại đối với người tiêu dùng cũng như công ty nhập khẩu. Tất cả các đối tác đều có giấy chứng nhận về an toàn, môi trường do các tổ chức giám định quốc tế cấp. Ngoài ra là sự kiểm soát thường xuyên của Công ty tại tận nơi sản xuất lúa gạo.

Hội thảo diễn ra sôi động với nhiều câu hỏi đặt ra cho Đại sứ Lê Ánh, đại diễn Bộ Ngoại giao và Phòng Thương mại và Công nghiệp Belarus cũng như các nhà nhập khẩu Nga, Belarus và tập đoàn Tâm - Tâm và tiếp tục với các trao đổi kinh doanh cụ thể trong buổi ăn trưa. Các đại biểu đều cho rằng cuộc Hội thảo này rất phù hợp về thời điểm tổ chức cũng như nội dung phong phú và có ý nghĩa thiết thực cho việc tăng cường quan hệ thương mại giữa các thành viên trong Liên minh Kinh tế Á - Âu.