📞

Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga: Tìm cơ hội trong gian khó

TRỌNG VŨ 08:00 | 09/04/2022
Chia sẻ với TG&VN, ông Lê Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga tin tưởng về sức mạnh của người Việt trong việc đón nhận thời cơ, cũng như vượt qua khủng hoảng...
Các thành viên của Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga. (Ảnh: Hiệp hội cung cấp)

Ông có thể cho biết sự phát triển của Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Nga từ khi thành lập năm 2008 cho đến nay?

Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga hiện có hơn 40 hội viên là các doanh nghiệp do người Việt Nam làm chủ, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: bất động sản, sản xuất chế biến, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, du lịch, thương mại, logistics… Hoạt động trên khắp các vùng miền thuộc lãnh thổ Liên bang Nga, Hiệp hội được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện tham gia và bình đẳng giữa các thành viên.

Các mục đích hoạt động của chúng tôi gồm:

Thứ nhất, liên kết các nhà doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trên lãnh thổ Liên bang Nga, nhằm xây dựng và nâng cao vị thế cho giới doanh nghiệp Việt Nam; làm cầu nối, đầu mối xúc tiến và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư giữa hai nước.

Thứ hai, hỗ trợ toàn diện và bênh vực lợi ích hợp pháp của các nhà doanh nghiệp Việt Nam mọi ngành nghề và quy mô trên thị trường Nga, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động, hợp tác và kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với pháp luật sở tại.

Thứ ba, tăng cường thu hút doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, doanh nghiệp Nga và nước ngoài đầu tư vào nền kinh tế hai nước.

Thứ tư, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường hàng hóa, đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng, đóng góp cho kinh tế Nga và Việt Nam.

Đâu là thách thức mà các doanh nghiệp Việt tại Nga đang phải đối mặt trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các lệnh cấm vận của phương Tây áp đặt đối với nền kinh tế và tài chính Nga?

Những năm qua, doanh nghiệp Việt tại Nga phải đối mặt với vô số khó khăn. Với xu hướng phát triển và định hướng của chính quyền sở tại, mô hình kinh doanh chợ (nơi tập trung số đông tiểu thương người Việt kinh doanh) không còn chỗ đứng, dần thay vào đó là các mô hình kinh doanh văn minh, hiện đại hơn.

Điều này đòi hỏi doanh nghiệp và bà con tiểu thương có hoạt động kinh doanh tại Nga phải dần hoàn thiện hoạt động kinh doanh của mình theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, đầu tư có chiều sâu...

Trước các lệnh cấm vận của phương Tây áp đặt đối với nền kinh tế và tài chính Nga, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các tuyến logistics bị đình trệ… nhiều doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đồng Ruble biến động mạnh, vật giá leo thang… cũng khiến sức mua của thị trường giảm sút, nguy cơ lạm phát rất lớn. Hiện các kênh thanh toán bị hạn chế do một số ngân hàng Liên bang Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT. Các đối tác thương mại và các nhà đầu tư từ hàng loạt các nước phương Tây cũng bỏ thị trường Nga.

Du lịch lữ hành và nghỉ dưỡng của Nga sẽ giảm sâu do khó khăn từ cấm vận và hạn chế các tuyến bay dân dụng.

Chiều 2/3, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã tổ chức cuộc gặp với đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga để thảo luận, bàn biện pháp ứng phó với các lệnh cấm vận phương Tây áp đặt đối với nền kinh tế và tài chính Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine. Trong ảnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga Lê Trường Sơn phát biểu.

Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức hội nghị với đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga để thảo luận, bàn biện pháp ứng phó với những thách thức này. Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật từ hội nghị này?

Có thể nói đây là việc làm vô cùng ý nghĩa và kịp thời, thể hiện sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam cũng như của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Nga.

Qua hội nghị, Đại sứ quán ghi nhận cụ thể tình hình hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp. Đặc biệt là nắm bắt được những khó khăn mà chúng tôi đã và đang gặp phải, cùng nhau thảo luận, đưa ra những nhận định về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, cơ hội trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nga trong giai đoạn tới.

Trước mắt, đối với hợp tác thương mại song phương, chúng ta cần giải cứu các nút thắt vấn đề kênh thanh toán giữa doanh nghiệp hai nước và tuyến vận tải hàng hóa không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.

Người ta thường nói trong khó khăn vẫn tìm thấy cơ hội, Hội sẽ làm gì để biến nguy thành cơ và vượt qua khủng hoảng để tiếp tục phát triển lớn mạnh?

Nhìn chung người Việt Nam chúng ta rất thành công trong việc nắm bắt thời cơ, điển hình là cộng đồng Việt Nam sinh sống và làm việc từ thời Liên Xô đã trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, từ việc Liên Xô sụp đổ, rồi đến việc Nga bị ảnh hưởng cấm vận của các nước phương Tây… Thế nhưng, chúng tôi đều vượt qua và luôn là một trong những cộng đồng gắn bó và thành công nhất tại Nga.

Về cơ hội, đối với thị trường dễ tính với mật độ 140 triệu dân, việc thay đổi cơ cấu thị phần từ đứt gãy các chuỗi cung ứng và thay đổi thành phần các đối tượng nắm giữ đang diễn ra đột ngột, tạo nên những khoảng trống ở rất nhiều lĩnh vực thị trường và phân khúc hàng hóa.

Song song với đó, chính phủ Nga cũng theo đuổi chính sách khuyến khích và hỗ trợ sản xuất kinh doanh với những quyết sách cụ thể, hiệu quả. Đối với doanh nghiệp và hàng hóa xuất xứ Việt Nam thì đây là cánh cửa mở rộng để đẩy mạnh hợp tác thương mại.

(thực hiện)