Nhỏ Bình thường Lớn

Doanh nhân kiều bào Thái Lan: Tự tin khoe Việt Nam với bạn bè quốc tế

Bất ngờ là cảm xúc đầu tiên của doanh nhân Đỗ Xuân Phúc - kiều bào Thái Lan khi về Việt Nam tham dự chương trình “Kết nối doanh nhân kiều bào Thái Lan với địa phương” kéo dài từ ngày 3-11/7.

Chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức tại 6 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang (Phú Quốc), TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang và Hà Nội.

Doanh nhân kiều bào Thái Lan: Tự tin khoe Việt Nam với bạn bè quốc tế
Doanh nhân kiều bào Đỗ Xuân Phúc tại Hồ Tây, Hà Nội. Ông Phúc hiện đang là chủ doanh nghiệp Ps Spare Part Limited Partnership chuyên kinh doanh động cơ, máy móc ô tô, đầu máy xe lửa... (Ảnh: NVCC)

Ấn tượng đảo ngọc Phú Quốc

Dù đã về quê hương, đầu tư dự án sân golf tại tỉnh Lâm Đồng từ năm 2008, nhưng trong chuyến công tác lần này, ông Đỗ Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam mang đến cho ông nhiều bất ngờ.

Ngày 3/7, khi máy bay dừng lại, trước mắt ông Phúc là Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ông Phúc ngạc nhiên thốt lên rằng: “Tại một thành phố nhỏ bé lại có một nhà ga quốc tế nhộn nhịp, sạch đẹp như vậy”.

Đặc biệt, thành phố Phú Quốc, Kiên Giang đã để lại ấn tượng mạnh với ông Phúc. Hơn 10 năm trước, ông Phúc đã tìm hiểu về mảnh đất này và thấy rằng dù Phú Quốc sở hữu những bãi biển đẹp, hoang sơ nhưng du khách đến nơi đây vẫn chỉ để ngắm cảnh, tắm biển, ăn hải sản rồi về.

Tuy nhiên, trong chuyến công tác vừa qua, ông Phúc nhận thấy, Phú Quốc đã có sự đổi thay thần tốc. “Cuộc cách mạng" về hạ tầng dường như đã “đổ bộ” về hòn đảo xinh đẹp ấy.

Ông Đỗ Xuân Phúc chia sẻ: “Nơi đây có các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như cảng biển quốc tế An Thới, trục giao thông Bắc-Nam hay dự án mở rộng nhà ga Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc và đường cáp điện ngầm xuyên biển…

Tôi cho rằng, hệ thống đường giao thông trên đảo đang phát triển nhanh chóng, cạnh đó là các tuyến vận chuyển hành khách từ đất liền ra đảo bằng cả đường hàng không lẫn hàng hải rất thuận tiện.

Không chỉ thế, các thương hiệu nổi tiếng thế giới như InterContinental, Hyatt, Movenpick, Pullman, Novotel, JW Marriott, Melia... đều đã có mặt tại Phú Quốc. Điều đó không chỉ chứng tỏ tiềm năng lĩnh vực du lịch của hòn đảo này mà còn định vị thương hiệu nghỉ dưỡng biển hạng sang.

Theo quan điểm của tôi, Phú Quốc sẽ là thành phố phát triển rất nhanh trong những năm tới”.

Vì vậy, ông Phúc tiết lộ, ông đang quan tâm đến các khu công nghiệp tại Phú Quốc và dự định sẽ “rót vốn” đầu tư vào một số khu công nghiệp sau chuyến thăm này.

Dọc bờ biển phía tây đảo Phú Quốc hầu như đã kín các resort, khách sạn
Dọc bờ biển phía Tây đảo Phú Quốc hầu như đã kín các resort, khách sạn. (Nguồn: Zing)

Tự hào Việt Nam

Khi được hỏi về tình cảm dành cho Việt Nam, ông Đỗ Xuân Phúc cho rằng, tình yêu quê hương là thiêng liêng và không điều gì có thể thay thế được.

Ông chia sẻ: “Bạn bè tôi vẫn thường hỏi, có điều gì tại quốc gia này khiến tôi lưu luyến, muốn tiếp tục đầu tư? Và tôi luôn tự tin khoe với bạn bè tại Thái Lan và các quốc gia khác về sự thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, kết nối đô thị với các vùng quê hẻo lánh…”

Trước khi đại dịch Covid-19 “gõ cửa”, trong 10 năm liên tiếp, kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt và vượt bậc. Tăng trưởng kinh tế đều đặn và cao hơn nhiều nước trong vùng. Đây là niềm tự hào không chỉ của Chính phủ, toàn dân mà còn của bà con kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Đặc biệt, theo ông Đỗ Xuân Phúc, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng đã có sự thay đổi vượt bậc.

“Việc kiên trì giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế, áp dụng những chính sách đầu tư thông thoáng, cải thiện môi trường kinh doanh liên tục trong những năm gần đây đã giúp Việt Nam ngày càng hội nhập hiệu quả và trở nên hấp dẫn hơn trong mắt cộng đồng nhà đầu tư quốc tế”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, nhiều bà con kiều bào tại nước ngoài vẫn chưa nhìn nhận hết tiềm năng rộng mở của Việt Nam.

Ông thông tin, chỉ tính riêng tại Thái Lan, có khoảng 1.000 doanh nghiệp kiều bào. Rất nhiều doanh nghiệp rất thành công, hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, logistics, dịch vụ, xây dựng, nhà hàng, khách sạn...

Một số doanh nghiệp kiều bào đã và đang mở rộng kinh doanh sang thị trường Việt Nam, tuy nhiên, con số đó vẫn còn khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khác của Thái Lan.

Do đó, thời gian tới, kiều bào Đỗ Xuân Phúc nhận thấy, Chính phủ Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cần thường xuyên tổ chức các sự kiện quảng bá Việt Nam, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp kiều bào các nước. Hoạt động này sẽ giúp kiều bào hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và có thể quyết định "hạ cánh" tại quê hương mình.

Doanh nhân kiều bào Thái Lan-Lào kết nối, trao đổi hợp tác

Doanh nhân kiều bào Thái Lan-Lào kết nối, trao đổi hợp tác

Từ ngày 13-16/6, dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Hiệp ...

Bàn chuyện xúc tiến đầu tư và thương mại về Việt Nam cho doanh nhân kiều bào

Bàn chuyện xúc tiến đầu tư và thương mại về Việt Nam cho doanh nhân kiều bào

Chiều 4/3, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại ...