Những năm gần đây, cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài phát triển mạnh mẽ, từng bước lớn mạnh, gia tăng vị thế và vai trò ở quốc gia sở tại và có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối với doanh nghiệp, các bộ, ban, ngành, địa phương trong nước.
Khi trái tim ở Tổ quốc
Dù sinh sống và làm việc ở nước ngoài, không ít doanh nhân kiều bào đã trở thành nhịp cầu gắn kết cộng đồng, thúc đẩy đầu tư kinh doanh hoặc sẵn sàng trở về mỗi khi đất nước cần... Trong những tấm gương doanh nhân Việt kiều tiêu biểu ấy có Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nga, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Nga Đỗ Xuân Hoàng.
Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nga Đỗ Xuân Hoàng. (Ảnh: Hội hữu nghị Việt - Nga) |
Ông Đỗ Xuân Hoàng tốt nghiệp đại học năm 1991 tại Liên Xô (cũ) và trở thành tiến sĩ kinh tế Viện Hàn lâm Khoa học Nga năm 1998. Bên cạnh thành công trong hoạt động kinh doanh, ông Đỗ Xuân Hoàng còn tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng.
Ông là thành viên sáng lập Hội người Việt Nam tại Nga và là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với những hoạt động tích cực nhằm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga vào tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen của Thủ tướng tặng ông Đỗ Xuân Hoàng vì những đóng góp quan trọng cho cộng đồng người Việt, cũng như có thành tích nổi bật trong tổ chức triển khai các dự án hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, góp phần đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân giữa hai nước.
Đặc biệt, mới đây, dự án “Đồng lòng Việt Nam” do Hội người Việt Nam tại Nga dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Đỗ Xuân Hoàng phát động đã quyên góp được hơn 10 triệu Ruble (khoảng hơn 3 tỷ đồng Việt Nam) ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 ở quê nhà. Dự án nhận được hướng ứng mạnh mẽ từ 13 nghìn cá nhân và 13 doanh nghiệp tại Nga.
Không chỉ tại Nga, tại nhiều nước châu Âu, cùng với các hoạt động cộng đồng, nhiều doanh nhân kiều bào như ông Hoàng Xuân Bình - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, ông Vũ Văn Long – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức... cũng đã và đang tích cực bắc nhịp cầu nối, đẩy mạnh giao thương kinh tế cho Việt Nam.
Là Chủ tịch Liên hiệp các hội doanh nghiệp người Việt ở châu Âu, doanh nhân Hoàng Mạnh Khê cho biết bản thân ông và các doanh nhân Việt luôn sẵn sàng làm đại lý và đại diện cho hàng hóa Việt Nam tại châu Âu. Sắp tới, Liên hiệp dự định tổ chức diễn đàn doanh nghiệp ở một số nước châu Âu, tạo cơ hội có thể đưa được nhiều hàng hóa chất lượng của Việt Nam hội nhập thị trường ngoài nước.
Khởi nguồn từ khát vọng và nâng cao vị thế người Việt ở nước ngoài, doanh nhân trẻ Hoàng Đình Toàn đã thành lập công ty Tamda Foods vào năm 2008 và hiện trở thành tập đoàn lớn mạnh tại CH Czech. Sự ra đời của Tamda Foods đáp ứng được nhu cầu cung ứng hàng hóa cho hệ thống cửa hàng rộng khắp mọi nơi của người Việt trên đất Czech và trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người Việt tại châu Âu nói chung.
Sát cánh cùng quê hương
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn góp và vốn đăng ký là 4 tỷ USD tại 52 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở các thành phố và trung tâm kinh tế lớn.
Các doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư tại Việt Nam chủ yếu từ các nước như Mỹ, Canada, Australia, Liên bang Nga, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Ba Lan, Thụy Sỹ...
TS. Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu sáng chế tại quê hương. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Điển hình là TS. Nguyễn Thanh Mỹ - người nổi tiếng trong giới khoa học người Việt Nam ở nước ngoài với 280 bằng sáng chế ở Mỹ, Canada và nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, sau hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, ông quyết định trở về Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy công nghệ cao tại Trà Vinh, tạo việc làm cho lao động địa phương (hiện có khoảng 800 nhân viên), xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng góp cho y tế, giáo dục...
Nhiều năm qua, TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), đã phát triển mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp gồm sản xuất phân bón thông minh, mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo, mạng lưới quan trắc nước mặn thông minh, mạng lưới máy bán suất ăn nóng thông minh, thiết bị IoT như ổ khóa, đồng hồ nước thông minh...
Đặc biệt, ông đã sáng lập và đồng sáng lập 9 doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó có 7 doanh nghiệp tại Trà Vinh.
Với chung tâm huyết ấy, tại Nhật Bản, khi dịch Covid-19 hoành hành ở Việt Nam, TS. Trần Ngọc Phúc - Giám đốc Công ty thiết bị y tế Metran cũng đã chuyển giao công nghệ sản xuất máy trợ thở cho quê hương. Thường xuyên về thăm quê hương và mỗi khi quay lại Nhật Bản, bằng uy tín hiện là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, ông luôn làm cầu nối để xin hỗ trợ những thiết bị y tế cho Việt Nam từ các bệnh viện của Nhật Bản.
TS. Trần Ngọc Phúc - Giám đốc Công ty thiết bị y tế Metra (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ sản xuất máy trợ thở cho quê hương. |
Đồng hành lúc gian khó
Có thể thấy rõ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực và ý nghĩa từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, sự tiên phong của các doanh nhân tiêu biểu như ông Johnathan Hạnh Nguyễn (Philippines), ông Phạm Minh Nam (Anh), ông David Dương (Mỹ), bà Trương Thị Thu Hương (Trung Quốc)... đã trở thành nguồn động viên rất lớn cho đất nước trong hoàn cảnh gian khó.
Cùng với đóng góp vật chất, những doanh nhân khác như ông Nguyễn Ngọc Mỹ (Australia), ông Nguyễn Hoài Bắc (Canada)... còn tình nguyện giao cơ sở vật chất tại Việt Nam làm địa điểm cách ly Covid-19, trong khi Quỹ Steve Bùi và những người bạn, doanh nhân Lê Thanh Bình (Ba Lan)... trao tặng nhiều trang thiết bị y tế phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Bên cạnh các cá nhân, BAOOV cũng thực hiện sứ mệnh thu hút các nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài về phát triển kinh tế trong nước, đồng thời góp phần xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài hùng mạnh, có vị thế xứng đáng.
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài Peter Hồng. (Nguồn: TTXVN) |
Đăc biệt, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký BAOOV Peter Hồng đã có thư kêu gọi doanh nhân kiều bào chung tay cùng đất nước chống dịch Covid-19.
Bằng “tình dân tộc, nghĩa đồng bào", cộng đồng doanh nhân kiều bào đã tiên phong, tích cực tham gia hiệu quả những chương trình như “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủng hộ nguồn lực cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19.. được lãnh đạo Đảng và Nhà nước biểu dương và đánh giá cao.
Theo ông Peter Hồng, hoạt động của BAOOV là hướng vào những vấn đề cấp thiết như tìm kiếm và kết nối nguồn cung ứng vaccine, thuốc điều trị, thiết bị y tế phòng, chống dịch, hỗ trợ an sinh cho đồng bào…
Trong đó, chương trình kêu gọi các doanh nhân tập trung khai thác những lợi thế ở nước sở tại để thúc đẩy tiến trình tiếp cận nguồn cung ứng vaccine cho đất nước, góp phần cùng Chính phủ, Bộ Y tế đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, tạo miễn dịch cộng đồng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ tầm nhìn và định hướng phát triển, trong đó một trong những nội dung về quan điểm chỉ đạo nhấn mạnh: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững". |