Tháng Ba, khi miền Bắc vẫn còn ám ảnh bởi thời tiết nồm ẩm, u ám… thì Sài Gòn - như thường lệ, vẫn đầy nắng. Cái duyên tình cờ khiến tôi được tham dự buổi giao lưu với những “nhân vật quan trọng” và được nghe về những nỗi niềm của doanh nhân, doanh nghiệp khi vật lộn trong bối cảnh khó lường của kinh tế thế giới.
TS. Nguyễn Văn Minh (thứ ba, từ trái) TS. Trần Quang Thắng (thứ tư, từ trái) Nigita Hạnh (giữa), ông Nguyễn Bá Cường (thứ hai, từ phải) cùng các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh chụp ảnh kỷ niệm trong Chương trình Triển lãm thương hiệu doanh nghiệp. |
Biết đủ hay mong đủ?
Nhâm nhi ly cà phê đá - thứ đồ uống được người Sài thành ưa chuộng, TS. Trần Quang Thắng, Giám đốc Viện Kinh tế & Quản lý TP. Hồ Chí Minh nói: “Trong một bài viết của mình, tôi từng chia sẻ rằng, người giàu không hẳn hạnh phúc. Họ cũng gặp các rắc rối và bị ám ảnh liên tục về tiền bạc.
Người bình thường dễ hài lòng với ly cà phê nơi quán cóc và tán gẫu chuyện đời, không có tâm trạng hồi hộp phập phồng chi lắm trong khi các doanh nhân phải theo dõi sự nhảy múa của tỷ giá đồng ngoại tệ trong ngày, sự trầm lắng của bất động sản và các biến động lên xuống của thị trường chứng khoán”.
Đồng quan điểm với TS. Trần Quang Thắng, Việt kiều Nigita Hạnh - Ngô Thị Bích Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản cho rằng, đa số những người giàu thường có xu hướng nắm giữ các công việc ở vị trí cao.
Hoài bão của họ lớn hơn những người bình thường. Nếu như đa số chúng ta chỉ so sánh bản thân với những người xung quanh thì những người giàu có cũng so sánh bản thân với những người tương đồng hoặc cao hơn họ về tài chính. Suy nghĩ, quan điểm, hay thậm chí là động lực để họ nỗ lực… khác biệt rất nhiều.
“Có những doanh nhân nói rằng, thành công của họ là có thể hưởng thụ từng giây phút trong công việc, nhưng cũng rất nhiều người lại chọn sống theo triết lý sống của Nguyễn Công Trứ, đó là biết đủ là đủ, thấy nhàn là nhàn” , chị Nigita Hạnh chia sẻ.
Từ những kinh nghiệm của bản thân, anh Nguyễn Bá Cường, Chủ tịch sáng lập, kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Kinh tế và Văn hóa ASEAN tâm sự: “Những người thấm thía nỗi khổ của cái nghèo thường nghĩ rằng dù sao thì giàu cũng tốt. Nhưng thực tế cuộc sống sẽ cho thấy, ai có sức khỏe, người đó chính là người giàu nhất.
Những người sở hữu nhiều tài sản nhưng có khi lại mắc bệnh nan y, kiếm nhiều tiền chẳng biết dùng vào việc gì để hạnh phúc ngoài làm từ thiện. Vì thế, những người khỏe mạnh, không quá quẫn bách về tiền nong, chỉ cần ăn đủ no, mặc đủ ấm, không có quá nhiều tham vọng và cũng không phải liên tục vắt não nghĩ đến chuyện gia tăng tài sản… có lẽ là những người hạnh phúc nhất”.
Soi tiềm năng, nắm cơ hội
Cái nắng vàng rượi mơ màng của buổi chiều Sài Gòn khiến mọi người đều cảm thấy có gì đó hoài cổ. Anh Trần Quang Thắng bảo: “Trước đây, ở miền Nam này, phải kể đến mấy ông như ông Nguyễn Tấn Đời, ông Trương Văn Bền…
Ông Đời từ một nhân viên ngân hàng đã làm nên một “đế chế” về tài chính khi mọi người dân, dù nghèo đến đâu cũng đều sử hữu một món tiền nhỏ trong sổ tiết kiệm với biểu tượng thần tài. Thế rồi, đùng một cái, tỷ phú Đời bị bắt, sự nghiệp của ông sụp đổ vì tham vọng quá lớn và sở trường đặt sai chỗ. Nhưng với những tố chất của một doanh nhân xuất chúng, ông tiếp tục thành công sau khi tới Mỹ định cư.
Dù chẳng bằng cấp, nhưng ông Đời vẫn thành công theo cách người Mỹ gọi là “self-made man”. Trong khi đó, ông Trương Văn Bền thì thành công với thương hiệu chất tẩy rửa đầu tiên ở Việt Nam với nguyên liệu chính từ quả dừa - loại nông sản dồi dào ở đồng bằng Sông Cửu Long. Chỉ một năm sau ngày ra đời, mặt hàng xà bông 72 phần dầu của ông đã gần như “hạ gục” các sản phẩm cùng loại của nước ngoài do giá rẻ, hợp thị hiếu người tiêu dùng và chất lượng cao”.
TS. Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Thế mạnh cũng như tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam chính là nông nghiệp. Nếu chúng ta lấy ngành công nghệ sinh học làm nền tảng và bắt đầu bằng công nghệ sinh học phục vụ cho nông nghiệp thì khi ấy chúng ta sẽ không chỉ có được một nền nông nghiệp hiện đại cho nước nhà mà còn giải quyết được vấn đề bảo vệ môi trường, góp phần to lớn cho bài toán nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Con đường công nghiệp hoá của Việt Nam sẽ ít phải trả giá về môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. Sự tăng trưởng kinh tế theo hướng GDP xanh sẽ hiện thực hơn”.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Minh, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, nền nông nghiệp cũng phải đối mặt với việc các nước phát triển cũng sẽ tự sản xuất lương thực, thực phẩm bằng diện tích đất chỉ bằng 1/100 hay 1/1000 so với chúng ta nhưng với năng suất cao hơn nhiều lần nhờ cách chăm sóc khoa học.
Chính vì thế, những doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này vừa khấp khởi trước tiềm năng nhưng cũng luôn luôn phải nghe ngóng thị trường để có những kế hoạch ứng phó chủ động.
Các FTA sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển thị trường cho Việt Nam. |
Cần bứt phá về nhân lực
Câu chuyện giữa chúng tôi không thể không nhắc đến tình hình kinh tế hậu dịch bệnh Covid-19. Năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch bệnh Covid-19.
Chị Nigita Hạnh nhận định, Chính phủ đã đưa ra nhóm giải pháp giúp phục hồi mạnh nền kinh tế, đồng thời, Việt Nam đã ký 16 FTA, trong đó có những đối tác quan trọng như Anh, Canada, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và Australia.
Hiện Việt Nam đang tiếp tục đàm phán hai FTA với Israel và khối EFTA. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn tất một số hiệp định thế hệ mới mang tính chiến lược như EVFTA, CT - TPP, EAEU - VN FTA. Các FTA sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển thị trường cho Việt Nam, giúp định hướng hoạt động thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác.
TS. Trần Quang Thắng lưu ý rằng, ở một khía cạnh khác, FTA thế hệ mới cũng đặt ra những quy định và tiêu chuẩn gắt gao đối các bên tham gia nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cũng như các giá trị cốt lõi của sự phát triển bền vững. Thực thi đầy đủ các quy định này sẽ giúp nền kinh tế của Việt Nam vận hành hiệu quả và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo TS. Trần Quang Thắng, các quy định của các FTA cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức mới cho Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt như lao động, bảo vệ môi trường và sở hữu trí tuệ.
Phố Sài thành đã lên đèn. Câu chuyện của chúng tôi dường như kéo dài mãi. Mọi người đều tán thành rằng, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với quá nhiều thách thức như hiện nay, việc xây dựng được đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành hệ thống doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao là điều hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, các doanh nhân này cần có tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu làm được điều đó, đội ngũ doanh nhân này sẽ đóng vai trò quyết định trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chia tay những doanh nhân thành đạt khi nắng đã tắt, nhưng trong lòng tôi, những tia nắng bình minh lại như đang chan hòa. Đối với các doanh nhân, hạnh phúc của họ có thể khác nhau, nhưng niềm đam mê với công việc thì chắc chắn có nhiều điểm chung. Dù sóng to, gió lớn, những con thuyền mà họ chèo lái vẫn luôn kiêu hãnh vươn khơi. Đất nước cần nhiều hơn nữa những vị thuyền trưởng bản lĩnh như vậy.