📞

Doanh nhân Nguyễn Văn Kính hiện thực hóa 'giấc mơ' ghi tên Việt Nam trên bản đồ hoa lan thế giới

13:54 | 08/05/2024
Cùng “giấc mơ” đưa hoa lan “Made in Vietnam” lên bản đồ hoa lan toàn cầu, doanh nhân Nguyễn Văn Kính có sáng kiến đưa các loài hoa lan gốc bản địa, được chính bàn tay và trí tuệ người Việt tạo ra thành món quà tặng bạn bè quốc tế ấn tượng và nhiều ý nghĩa.

Gặp gỡ “Ông Hoàng hoa lan” Nguyễn Văn Kính - nhà sáng lập Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu vào đúng những ngày Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức một trong những sự kiện đa phương lớn nhất trong năm - Diễn đàn Tương lai ASEAN (ASEAN Future Forum). Dành nhiều thời gian quan tâm tới các sự kiện đối ngoại của nước nhà, ông Kính tâm sự, sự kiện quốc tế tại Việt Nam - với góc nhìn của một doanh nhân lão luyện, chính là nơi quảng bá tốt nhất những sản phẩm độc đáo của quốc gia. Vì vậy, ông mong ước một ngày nào đó được giới thiệu tới bạn bè thế giới một món quà đặc biệt là những giống phong lan bản địa, do chính bàn tay của người Việt tạo phôi và nuôi trồng.

“Vũ khí kỳ diệu” kiến tạo và kéo dài những ấn tượng đẹp

Ông Kính cho rằng, quà tặng là một phần không thể thiếu trong quan hệ bang giao. Có thể gọi là “độc chiêu” để đạt được những mục tiêu mà các phương thức khác khó có thể thực hiện được. Quà tặng tới bạn bè quốc tế chính là cách thể hiện thái độ, biểu lộ tình cảm, là thông điệp ngoại giao và văn hóa. Món quà mang đầy đủ ý nghĩa, truyền tải đúng thông điệp sẽ tạo hiệu quả đối ngoại cao nhất.

Theo doanh nhân Nguyễn Văn Kính, những cây phong lan 100% “Made in Vietnam” xứng đáng nằm trong danh sách đề cử quà tặng ngoại giao.

Là người “ngoại đạo”, nhưng có thời gian dài lăn lộn trên thương trường, làm ăn và tiếp xúc với nhiều đối tác quốc tế, ông Kính cho rằng, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, ngoại giao đã đi đầu, đóng vai trò tiên phong, mở đường và thúc đẩy các quan hệ hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Món quà tặng ngoại giao lúc này cũng trở thành một thứ không thể thiếu, đó là một thứ “vũ khí kỳ diệu”, kiến tạo và kéo dài những ấn tượng đẹp. Mang theo thông điệp chân thành của người trao, món quà đủ ý nghĩa sẽ góp phần không nhỏ cho một mối quan hệ bền chặt trong tương lai, với những hợp tác lâu dài và những thành công mới.

Theo doanh nhân Nguyễn Văn Kính, những cây phong lan 100% “Made in Vietnam” xứng đáng nằm trong danh sách đề cử quà tặng ngoại giao. Ông phân tích, từ xa xưa, hoa lan rừng (hoa lan bản địa) là loại hoa cao sang, chỉ dành cho các bậc vương giả. Đặc biệt, lan hồ điệp rất quý hiếm, có sức quyến rũ lạ thường, nên được săn lùng để làm quà biếu tặng, như món quà tinh thần vô cùng tao nhã và quý giá.

Trong bức tranh muôn màu của thiên nhiên, hoa phong lan được tôn là “nữ hoàng của các loại hoa”, không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp duyên dáng, kiêu sa, sắc màu thanh khiết mà còn bởi những ý nghĩa tinh tế mà nó mang lại, khiến con người ta bị mê hoặc.

Từ giấc mơ hoa lan đến… nông nghiệp công nghệ cao

Kể lại câu chuyện của cuộc đời nhiều duyên nợ với loài hoa lan, ông Kính tâm sự, mọi sự khởi đầu đều như “một mối lương duyên” ràng buộc với cuộc đời ông và sự gợi ý của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn khi doanh nghiệp của ông tiến hành giải phóng mặt bằng cho một dự án đô thị. Cùng chứng kiến cảnh nông dân mất sinh kế khi không còn bờ xôi ruộng mật, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn khuyên ông Kính “hãy làm nông nghiệp công nghệ cao”.

Vật lộn với nghề trồng hoa, với đủ mùi thất bại, nhưng sự đam mê khiến ông Kính chưa bao giờ nghĩ tới bỏ cuộc. Ông lại cho rằng, chính những thất bại đã cho ông cái nhìn rất sâu về nghề hoa nói riêng và nông nghiệp công nghệ cao nói chung, để tự tìm cho mình một lối tiên phong.

Bên trong một cơ sở nuôi trồng hoa lan của Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu.

Từ những trải nghiệm đắt giá ”theo đúng nghĩa đen”, ông Kính cho rằng, cây phong lan bản địa và trọng tâm là lan hồ điệp sẽ không chỉ mang đến một tương lai khác cho ông, mà còn đủ sức giúp bà con nông dân thay đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả rất cao.

Bài toán nông nghiệp công nghệ cao được doanh nhân Nguyễn Văn Kính đặt ra là - nông nghiệp công nghệ cao không cần nhiều quỹ đất, 2.000m2 có thể lãi 2 - 3 tỉ đồng mỗi năm. Nếu đầu tư nửa vời sẽ mất hết vốn, nhưng nếu dám đầu tư đủ tầm thì rủi ro rất ít và rất lãi.

Phân tích về thị trường, ông Kính cho biết, lan hồ điệp là loại hoa cao cấp không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà giá trị kinh tế rất cao. Sản phẩm này hiện có sức tiêu thụ lớn trên thị trường toàn cầu, giá bán lại cao giúp mang lại nguồn lợi kinh tế khá tốt. Mỗi năm thế giới tiêu thụ khoảng 1 – 1,2 tỷ giò lan hồ điệp, với quy mô khoảng 10 tỷ USD - con số đó đủ tạo ra một thị trường của chỉ riêng lan hồ điệp.

Còn tại Việt Nam, nhu cầu lan hồ điệp mới chỉ khoảng 30 triệu giò mỗi năm. Nhưng mới đó đã đủ tạo ra một thị trường sôi động quy mô cỡ… 6.000 tỷ đồng, còn gia tăng qua từng năm. Hiện nông dân và các nhà sản xuất Việt Nam mới chỉ đáp ứng được dưới 20% nhu cầu thị trường lan hồ điệp trong nước, còn lại phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Trong nhiều năm, các doanh nghiệp, nhà vườn Việt Nam cũng phụ thuộc khá lớn vào kinh nghiệm, kỹ thuật và thậm chí cả phôi giống nhập khẩu.

Về hiệu quả kinh tế, doanh nhân Nguyễn Văn Kính phân tích, lan hồ điệp có thể đứng đầu trong số những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Nếu mỗi ha đất nông nghiệp cho thu nhập bình quân 100 - 150 triệu đồng/năm, thì 1 ha trồng lan hồ điệp cho thu nhập ròng từ 5 - 10 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, dù nhìn thấy được hiệu quả kinh tế rất cao và ổn định, việc nuôi trồng lan hồ điệp đòi hỏi vốn rất lớn, công nghệ hiện đại

Trở lại với câu chuyện của doanh nhân nghìn tỷ Nguyễn Văn Kính, ánh mắt rạng rỡ, tràn đầy vẻ tự hào, ông giới thiệu về khu nghiên cứu và phát triển hoa lan tại huyện Đan Phượng, Hà Nội – một hình mẫu của mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại. Khu nghiên cứu và phát triển được quy hoạch gọn gàng, khoa học thành các khu phức hợp, mỗi khu có các phòng nuôi cấy mô, phòng lab tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt như phòng mổ bệnh viện, nhà kính có thể tùy ý điều chỉnh chính xác nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm - nơi nuôi trồng hàng chục loại lan hồ điệp màu sắc rực rỡ.

Cây giống phải trải qua 18 tháng nuôi trồng trong khu nhà kính với chế độ chăm sóc theo tiêu chuẩn.

Phòng nuôi cấy mô hoa lan rộng được xây dựng như một phòng nghiên cứu lớn. Cây giống phải trải qua 18 tháng nuôi trồng trong khu nhà kính với chế độ chăm sóc theo tiêu chuẩn. Ông Kính hóm hỉnh, “cây cũng có giờ ngủ, giờ nghỉ đầy đủ”, vì vậy, theo quy trình công nghệ cao, đến việc chiếu sáng cho cây cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định từ thời gian đến cường độ.

Khu nuôi trồng tự nhiên sử dụng công nghệ nước ngoài nhưng được điều chỉnh để phù hợp điều kiện Việt Nam. Ngoài lớp kính, có 3 lớp lưới, lớp nilon để có thể điều chỉnh nhiệt độ duy trì ổn định. Nhờ khống chế hoàn toàn được nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, các nhà nghiên cứu của công ty Toàn Cầu hiện có thể “bảo” các cây lan hồ điệp ra đúng ngày, đúng số lượng bông “tuyệt đối không sai chút nào”.

“Tôi muốn đây sẽ là mô hình mẫu về nông nghiệp công nghệ cao, thay đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng cho nông dân theo đường hướng Chính phủ đã đặt ra. Công ty sẽ tạo tour cho bà con nông dân tới tham quan, thậm chí có thể thực hành. Đưa hoa lan do người Việt phát triển vươn tầm thế giới là giấc mơ lớn của chúng tôi”, ông Kính chia sẻ.

Hiện không chỉ là mô hình trồng hoa lan công nghệ cao thuộc loại lớn nhất châu Á, Công ty Toàn Cầu hiện có đủ năng lực để chủ động sản xuất hoa lan hồ điệp chất lượng cao theo quy mô và phương thức công nghiệp, có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng về số lượng, chất lượng và cả thời gian hoa nở. Lan hồ điệp của ông Kính được nuôi cấy tại khu trang trại bề thế của công ty Toàn Cầu được đánh giá là loại “nhất Việt Nam”, “chất” hơn cả lan nhập ngoại.

Ròng rã suốt gần 20 năm qua, ông Kính lăn lóc với nuôi trồng hoa lan công nghệ cao, như bị… “bỏ bùa”, song vốn chỉ là điều kiện cần, quyết tâm và sáng tạo mới là điều kiện đủ để ông tự tin vào khả năng của lan hồ điệp “Made in Vietnam” trong cạnh tranh với lan nhập ngoại và xuất khẩu.