📞

'Độc chiêu' giúp Singapore tự tin vượt 'bão' Covid-19

Phương Nga 13:15 | 15/07/2021
Nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi quan trọng giúp Singapore đảm bảo an ninh lương thực, tự tin vượt "bão" Covid-19.
Singapore đã phân bổ tới 107 triệu USD cho các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) liên quan đến thực phẩm tới năm 2025. (Nguồn: Getty)

Đó là một buổi tối ấm áp ở nhà hàng ven sông 1880 của Singapore, nơi những thực khách sành điệu đang thưởng thức nhiều món ăn có tên gọi hấp dẫn như Forest FloorFlopped Future. Tuy nhiên, nổi bật nhất trong những trang menu đầy màu sắc là hai “ngôi sao” của buổi tiệc, có tên gọi giản dị hơn, đó là gà bánh quế và bánh kẹp gà.

Cả hai món ăn đều được làm từ những miếng gà áp chảo chắc thịt và có thể được tách ra thành từng miếng nhẹ nhàng với chỉ một lần chạm nĩa. Điều đặc biệt của món ăn này, đó là đây không phải món thịt gia cầm bình thường mà được tạo ra từ thịt gà nuôi cấy, là hình thức tách lấy tế bào gốc từ lông gà sau đó nuôi dưỡng trong các phòng thí nghiệm sinh học.

Thực khách dùng bữa tại nhà hàng 1800 ngày hôm ấy là một trong số những người đầu tiên được thưởng thức món ăn đặc biệt này.

Kaimana Chee - đầu bếp của công ty khởi nghiệp thực phẩm Eat Just có trụ sở tại San Francisco, công ty đã tạo ra món gà này, là “tác giả” của bữa ăn đêm đó.

"Vũ khí" bảo vệ khả năng tiếp cận lương thực

Việc tiêu thụ các loại thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm lâu nay thường đối mặt với rất nhiều quy định, do đó, việc để các cơ quan lập pháp và người dân hoàn toàn cởi mở với khái niệm này sẽ mất nhiều năm.

Tuy nhiên, đầu bếp Chee, 43 tuổi, đã tìm ra sứ mệnh của mình tại Eat Just, đó là chế biến những món ăn truyền cảm hứng để "gieo mầm cho một thế hệ mới".

Tháng 12/2020, Cơ quan Thực phẩm Singapore đã phê duyệt thịt gà nuôi cấy tế bào của hãng Eat Just, biến nước này trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới bắt đầu bán thịt động vật được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Trái với sự kinh ngạc của đầu bếp Chee, nhiều nhà quan sát trong ngành tỏ ra bình thản hơn.

Chuyên gia Mirte Gosker đến từ tổ chức phi lợi nhuận Good Food Institute khu vực châu Á-Thái Bình Dương (GFI APAC) cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà Singapore là thị trường cho phép nuôi trồng và tiêu thụ thịt nuôi cấy đầu tiên trên thế giới. Thời gian qua, chính phủ nước này đã đầu tư vào các nguồn lực cần thiết để tạo một hệ sinh thái đổi mới trong lĩnh vực thực phẩm".

Sự đột phá của Singapore trong việc chấp nhận thịt nuôi cấy và các loại protein thay thế khác (ví dụ như thực vật, côn trùng, tảo và nấm) - là một phần trong những nỗ lực tổng thể nhằm tăng cường khả năng cung cấp thực phẩm của nước này.

Singapore là quốc gia tiên phong của châu Á tham gia vào cuộc chiến bảo vệ khả năng tiếp cận lương thực.

Các ước tính của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy có đến hơn 350 triệu người châu Á đang bị thiếu dinh dưỡng, trong khi có khoảng 1 tỷ người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức vừa hoặc nghiêm trọng, khi họ phải đối mặt với sự không chắc chắn hoặc thực sự không có lương thực trong nhiều ngày, trong năm 2019.

Thách thức trở nên cấp bách hơn kể từ khi đại dịch Covid-19 tấn công khu vực này, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và khiến các chính phủ nhận ra những ảnh hưởng đáng báo động của một cuộc khủng hoảng đối với nguồn cung thực phẩm.

Trong bối cảnh đó, cách tiếp cận mà Singapore đã thực hiện là đa dạng hóa nguồn cung. Hiện đảo quốc này nhập khẩu thực phẩm từ hơn 170 quốc gia và khu vực, nhiều hơn khoảng 30 quốc gia so với hồi năm 2004.

Singapore cũng đang phấn đấu để tự chủ hơn. Vào tháng 3/2019, nước này đã công bố mục tiêu "30-30", tức là đến năm 2030 tự sản xuất được 30% nhu cầu dinh dưỡng địa phương, tăng từ mức chỉ 10%.

Paul Teng, một chuyên gia về an ninh lương thực tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore (NTU), cho biết: “Sự đàn hồi là khả năng chống chọi với những xáo trộn về nguồn cung thực phẩm”.

Chuyên gia này nhận định, Singapore đang thực hiện một bước đi khác biệt nhưng tinh tế và rất quan trọng. Đảo quốc giàu có này được xếp hạng khá cao về an ninh lương thực – đứng thứ 19 trên bảng xếp hạng toàn cầu năm 2020 của Economist Intelligence Unit, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể yên tâm.

Lâu nay, chiến lược của chính phủ là nếu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng và đất nước có đủ phương tiện để mua thực phẩm, thì an ninh lương thực sẽ luôn được đảm bảo bởi vì trên thị trường luôn có người bán. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu chuỗi cung ứng và sản xuất thực phẩm không bị gián đoạn.

Xu hướng giá tăng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến Malaysia ngừng xuất khẩu cá vào năm 2014, trong khi một số sự kiện khác cũng làm nổi bật những lỗ hổng. Điển hình là đại dịch Covid-19.

Melvin Chow, Giám đốc cấp cao của Cơ quan Quản lý và Phát triển Cơ sở Hạ tầng Thực phẩm của Cơ quan Thực phẩm Singapore, cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã gây ra một số gián đoạn trên toàn cầu, trong đó một vài quốc gia cấm xuất khẩu một số mặt hàng thực phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước trong bối cảnh phong tỏa nền kinh tế”.

Tận dụng công nghệ phát triển các giải pháp sáng tạo

Ông Melvin Chow nói thêm việc tăng sản lượng theo chiến lược “30-30” sẽ tạo ra một bước đệm nhằm làm giảm tác động của sự gián đoạn bên ngoài. Tuy nhiên, tạo ra lương thực không phải là điều dễ làm tại Singapore, một quốc gia diện tích nhỏ bé nhưng lại có mật độ dân số cao thứ ba thế giới và chỉ 1% diện tích đất dành cho nông nghiệp.

Ông Chow cho biết, Singapore luôn khéo léo trong việc giải quyết các hạn chế về không gian và nguồn lực và do đó, nước này muốn "tận dụng khả năng khoa học và công nghệ để phát triển các giải pháp sáng tạo".

Bernice Tay, Giám đốc mảng sản xuất thực phẩm thuộc Cơ quan Phát triển Doanh nghiệp Singapore (Enterprise Singapore), cho biết đây là nơi Eat Just và các công ty khởi nghiệp tương tự ra đời. "Với cùng một lượng thực phẩm đầu ra, hình thức khai thác protein từ thực vật và tế bào đòi hỏi ít không gian và nguồn lực hơn”, Giám đốc Bernice Tay nói.

Với mong muốn thúc đẩy ngành công nghệ thực phẩm, Chính phủ Singapore đã phân bổ tới 144 triệu SGD (khoảng 107 triệu USD) cho các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) liên quan đến thực phẩm tới năm 2025.

Enterprise Singapore cũng đã hợp tác với một số công ty toàn cầu, bao gồm cả Big Idea Ventures với nguồn quỹ lên tới 50 triệu USD để phát triển một số loại protein thay thế thịt tự nhiên.

Vào tháng 4/2021, Singapore đã ra mắt Trung tâm An toàn Thực phẩm Sẵn sàng cho Tương lai để nghiên cứu về tính an toàn của các loại thực phẩm mới và hỗ trợ nghiên cứu của các công ty.

Đến tháng Chín, NTU sẽ bắt đầu mở một khóa học kéo dài một kỳ cho sinh viên đại học, trong đó tập trung vào khoa học và các hoạt động kinh doanh, sản xuất protein thay thế, phối hợp với GFI APAC.

Andre Menezes - đồng sáng lập Next Gen một công ty có trụ sở tại Singapore - đã giới thiệu sản phẩm đùi gà làm từ đậu nành vào tháng Ba vừa qua. Đến nay, sản phẩm này đã được phân phối tại hơn 45 nhà hàng địa phương.

Với nông nghiệp công nghệ cao, Singapore tự tin "sống chung" với Covid-19. (Nguồn: AFP)

Nhà sáng lập này gọi Singapore là một "hệ sinh thái hoàn chỉnh trong một hòn đảo rất nhỏ và tập trung", đồng thời cho hay Singapore bắt đầu tự định vị mình là Thung lũng Silicon của ngành công nghệ thực phẩm.

Vào tháng Hai, Next Gen đã huy động được 10 triệu USD tiền tài trợ từ một nhóm các nhà đầu tư, bao gồm Temasek International thuộc sở hữu nhà nước của Singapore. Đây là khoản tiền lớn nhất từ trước đến nay của một liên doanh công nghệ thực phẩm dựa trên thực vật. Công ty này vào tháng Sáu đã mở rộng sang Hong Kong (Trung Quốc) và thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.

Hơn 15 công ty tương tự Eat Just và Next Gen đã thành lập cửa hàng tại Singapore trong hai năm qua. Những công ty này bao gồm các công ty quốc tế, như nhà sản xuất sữa Perfect Day, Shiok Meats và Gaia Foods.

Một trụ cột khác trong mục tiêu “30-30” của Singapore là nông nghiệp đô thị nhà kính công nghệ cao (tận dụng không gian đô thị để dựng nông trại). Có đến 31 trang trại như vậy đã tồn tại, trong đó 28 trang trại trồng rau và 3 trang trại nuôi cá.

Thực tế là các nông trại nhà kính "có khả năng chống chịu một số tác động của biến đổi khí hậu", ông Chow nói. Trong khi đó, các công nghệ thông minh cho phép sản xuất nhiều hơn, với năng suất cao hơn từ 10 đến 15 lần trên mỗi hecta đất so với các trang trại trồng rau và cá truyền thống.

Aileen Supriyadi, một chuyên gia phân tích nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, cho biết: “Người tiêu dùng ngày càng không hài lòng với thực phẩm họ đang ăn. Đặc biệt, với việc đại dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi gần đây ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi trong khu vực, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm".

Dù vậy, thịt nuôi cấy cũng vấp phải sự hoài nghi. Trong một cuộc khảo sát của công ty khảo sát YouGov Omnibus trên 1.068 người Singapore vào tháng 12/2020, 42% số người được hỏi cho biết họ sẽ không ăn những loại thịt như vậy. Một cuộc khảo sát của tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor vào năm 2020 cho thấy 36,5% người tiêu dùng châu Á-Thái Bình Dương ưa thích các sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, so với 33,3% ở châu Âu và 28,4% ở Bắc Mỹ.

Một số chuyên gia cho rằng những gì Singapore đang làm có thể là hướng đi mới cho các nước châu Á khác. Khái niệm trang trại nhà kính không phải là mới, chuyên gia Teng của NTU cho biết đến nay đã có hơn 400 trang trại tương tự trên khắp châu Á. Những mô hình trang trại nhỏ gọn cho năng suất cao đặc biệt hữu ích ở "các thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao với sức mua lớn, nơi chi phí bất động sản cao".

Giám đốc Yeo cho rằng "thách thức lớn" của các trang trại nhà kính là chi phí cơ sở vật chất và thiết bị phức tạp. Singapore đã cung cấp nhiều khoản tài trợ hào phóng trong những năm qua, bao gồm một quỹ trị giá 60 triệu SGD được thành lập vào tháng Tư để giúp những người nông dân mong muốn tiết kiệm chi phí xây dựng ban đầu.

Tuy nhiên, ít có quốc gia Đông Nam Á nào có tiềm lực tài chính mạnh mẽ như Singapore. Ngoài ra, khi nhắc đến các loại protein thay thế, giá bán cao là một trở ngại lớn khác.

(theo Nikkei Asia)