Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang đậm bản sắc và nức tiếng gần xa. (Nguồn: Dân trí) |
Không biết từ bao giờ, ở vùng quê lúa Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã xuất hiện câu ca mang âm hưởng phấn chấn, tươi vui: "Dù ai đi Tây về Đông/Mồng 2 tháng 9 cũng mong về nhà/Về nhà xem hội quê ta/Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay".
Nhiều người vẫn nói rằng, Lệ Thủy là nơi ăn Tết Độc lập lớn nhất cả nước, vui Tết Độc lập phải tính bằng tháng. Bởi dịp này, cả vùng đất Lệ Thủy trở nên náo nhiệt với hàng loạt các hoạt động văn hóa, thể thao. Đặc biệt là đua, bơi thuyền truyền thống - món ăn tinh thần đã ngấm vào máu của người Lệ Thủy.
Ngay từ đầu tháng 8, khi dưới sông có tiếng gõ mõ thì bầu không khí lễ hội bắt đầu bao trùm. Ở các làng quê, người dân "thức ngày, thức đêm" để chuẩn bị cho lễ hội. Nhà văn hóa thôn, xóm, các trục đường đèn thắp sáng đêm để trai tráng tập đua bơi, đánh vòng loại bóng chuyền, bóng đá, văn nghệ…
Ông Nguyễn Văn Đề, trú xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy chia sẻ, người dân ở đây tự hào mỗi năm có 2 cái Tết lớn là Tết Nguyên đán và Tết Độc lập. Tết Độc lập là dịp để con em cùng hướng về quê hương xứ sở, tưởng nhớ công lao của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người đi trước đã hy sinh để giành độc lập cho dân tộc.
Là một trong những người bơi lâu năm của làng Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, anh Nguyễn Văn Thắng cho biết, bơi đua là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau nên rất khó đoán trước được kết quả. Nhưng đã là trai bơi của làng, một khi lên đò bơi, tay cầm mái chèo thì luôn quyết tâm, làm hết sức mình để mang vinh quang về cho làng.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái, người có nhiều năm nghiên cứu lịch sử, văn hóa về Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang giải thích, lễ hội có gốc gác từ văn hóa tâm linh gắn với cư dân nông nghiệp.
Sơ khai là lễ "cầu đảo" với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, vụ mùa bội thu… Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang được tổ chức để mừng Tết Độc lập của dân tộc.
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết, trong dịp Quốc khánh 2/9, tại địa phương này diễn ra nhiều hoạt đồng như: Dâng hương tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; giải bóng chuyền nam, nữ; chương trình văn nghệ với chủ đề Kiến Giang khúc hát tự hào; hội chợ thương mại…
Đặc biệt sáng 2/9, trên sông Kiến Giang diễn ra Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống. Lễ hội năm nay có 24 thuyền bơi nam và 10 thuyền đua nữ , tranh tài trên đường đua dài 24km (đối với nam) và 18km (đối với nữ).
Lễ hội đã thấm sâu vào tiềm thức, máu thịt của người dân Lệ Thủy, thu hút sự tham gia của hàng vạn người dân địa phương và khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Đây là cơ hội để địa phương định hướng, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Lệ Thủy - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.