Hang động Prohodna là một trong những điểm đến hút khách bậc nhất ở Bulgaria, hình thành từ hai lỗ hổng lớn cân xứng hình quả hạnh nhân khổng lồ nằm trên trần hang. (Ảnh: Unusualplaces) |
Động Prohodna là một trong những điểm đến hút khách bậc nhất ở Bulgaria. Đây vốn là hang động karst nằm trong hẻm núi Iskar gần làng Karlukovo thuộc thành phố Lukovit, tỉnh Lovech.
Nơi đây được ví như kỳ quan thiên nhiên tạo nên cảnh tượng bí ẩn. Đó là khoảnh khắc những tia sáng chiếu qua lỗ hổng đối xứng trên trần hang động như cặp mắt khổng lồ đang dõi theo từ trên xuống.
Hang còn có tên gọi là "Đôi mắt của Chúa" bởi ánh sáng tràn qua hai lỗ hổng khiến chúng như đôi mắt mở to đang phát sáng. Theo các chuyên gia, hai lỗ này được hình thành do quá trình xói mòn của tự nhiên. Hang có chiều dài khoảng 262m, chiều cao 42,5 đến 45m, qua đó trở thành một trong những hang động dài nhất tại Bulgaria.
Cảnh tượng trở nên kỳ bí hơn khi đêm xuống. (Ảnh: Travel) |
Ánh trăng chiếu rọi qua lỗ hổng lớn khiến "cặp mắt" khổng lồ càng thêm bí ẩn. (Ảnh: Unusualplaces) |
Đến nay nơi này thu hút rất đông du khách mê cảm giác mạnh. (Ảnh: Travel) |
Sự kỳ diệu bí ẩn của "cặp mắt" được "biến hóa" khôn lường. Khi trời mưa, nước trôi xuống những khoảng rỗng tạo nên cảnh tượng như đôi mắt đang khóc. Khi đêm xuống, từ trong hang nhìn lên, ánh trăng rọi qua lỗ hổng cũng tạo thành cảnh tượng huyền ảo. Đôi khi, người ta còn gọi hang Prohodna là "Đôi mắt của quỷ".
Ở góc độ lịch sử, hang Prohodna còn được biết tới là nơi sinh sống của con người thuộc các nền văn minh tiền sử. Tuy nhiên điều này vẫn đang được giới chuyên gia nghiên cứu xem xét liệu trong hang có từng được người xưa sử dụng phục vụ các nghi lễ cổ hay không.
Hiện nay, hang động là điểm đến hấp dẫn với người yêu thiên nhiên và mê cảm giác mạnh. Khi bước vào hang qua 2 lối chính - lối vào lớn cao 45m và lối vào nhỏ cao 35m, người chơi có thể thử sức mình với bộ môn thể thao mạo hiểm bungee jumping (nhảy lao đầu từ trên cao xuống với đai thắt an toàn).
Ngoài ra, nơi này còn có hành trình đi bộ đường dài và leo núi được chia thành những tuyến đường với mức độ khó khác nhau.