Giáo dục chính quy, giáo dục gia đình (tuy không phải tất cả) của chúng ta dường như đang nằm trọn vẹn trong những phê bình của nhà bác học này.
Einstein không phải... con ngoan trò giỏi
Nếu đưa những quy định về học sinh giỏi đang áp dụng hiện nay trong hệ thống nhà trường, chiếu theo những lề lối, thói quen suy nghĩ và hành động của phần lớn những người làm giáo dục và các phụ huynh, Einstein không thể đạt diện con ngoan, trò giỏi.
Einstein tự nhận mình khi còn nhỏ như một trẻ chậm phát triển, đi học phổ thông được kể là một học trò hư, bị đuổi học vì giáo viên cho rằng sự có mặt của Einstein phá vỡ sự tôn nghiêm của lớp học, bị thầy giáo gửi gắm một câu: “Einstein - cậu sẽ chẳng làm nên chuyện gì đâu”.
Thiên tài Einstein. (Nguồn: Washingtonpost) |
Ông đã bỏ học ở tuổi 15 để mong thoát khỏi sự áp đặt của nền giáo dục Đức đương thời và bắt đầu cuộc sống tự lập. Sau này khi ông vào được đại học và cũng không khá hơn vì ông thường xuyên bỏ học, bị các giáo sư cho là một sinh viên lười biếng.
Xem ra, hệ thống giáo dục của ta hiện nay không khác giáo dục của Đức vào thế kỷ 19 là mấy. Tôi nhận thấy cũng là lối giáo dục áp đặt, đồng loạt, từ đó đẩy học sinh thành những con “ngựa thồ” bị động. Nhiệm vụ nặng nhọc của các cháu là phải "thồ" hết những gì người lớn đã thiết kế sẵn trong chương trình và sách giáo khoa. Từ đó, trẻ đi thi, bất chấp sự duy biệt ở từng trẻ, bất chấp thực tế là mỗi trẻ có một típ học, mỗi nhịp độ phát triển, mỗi loại hình thông minh, mỗi khuynh hướng và đặc điểm tâm thể lý khác nhau…
Có thể nói, cá tính mạnh, sự tò mò, lòng đam mê và tinh thần tự học đã làm nên thành tựu của Einstein. Thành tựu của Einstein được làm nên trước hết là nhờ vào cá tính của mình. Tự ông phát huy tính chủ thể nơi bản thân, tự ông khai phóng mình bằng cách tự học, sẵn sàng lội ngược dòng với tất cả, từ chính trị, xã hội cho đến khoa học nhiều khi trong cô đơn. Đến nỗi người ta nói: “Ở Berlin có hai loại vật lý gia. Một bên là Einstein, bên kia là tất cả những người còn lại”.
“Bộ óc thế kỷ” Einstein - người làm nên cuộc cách mạng trong vật lý đã để lại cho hậu thế nhiều bài học về triết học và giáo dục. Ông cho rằng, mình không thông minh hơn người, thậm chí ông là đứa trẻ chậm phát triển. Với ông, sự thông minh không quan trọng, quan trọng là sự tò mò và lòng đam mê.
Khi người ta hỏi vì sao ông đã tìm ra thuyết tương đối, ông trả lời: “Người lớn bình thường hầu như không suy nghĩ về những vấn đề về thời gian và không gian. Anh ta nghĩ rằng mình đã làm điều đó từ nhỏ rồi. Tôi ngược lại, phát triển chậm về mặt trí tuệ đến nỗi tôi bắt đầu ngạc nhiên về không gian và thời gian khi tôi đã lớn rồi. Một cách tự nhiên, tôi đã thâm nhập vào toàn bộ vấn đề sâu hơn những đứa trẻ có năng khiếu phát triển bình thường khác”.
Einstein phê bình lối giáo dục áp đặt
Đúc rút từ kinh nghiệm bản thân, Einstein lên án những nền giáo dục nhồi nhét kiến thức một chiều với chủ đích giáo dục những con người công cụ, trở thành những con người lệ thuộc. Ông chống lại sự áp đặt, gây sợ hãi, chuyên chính, học thuộc lòng trong nhà trường. Với ông, kiến thức không quan trọng, vì kiến thức có thể tìm kiếm trong sách vở, nhất là thời nay, có thể tìm kiếm dễ dàng trên internet. Với ông, quan trọng nhất là dạy phương pháp tư duy cho trẻ. Nhà trường, nhất là ở trường đại học phải là nơi tập luyện tư duy.
Chương trình giáo dục của chúng ta đang tạo áp lực cho trẻ? (Nguồn: vtv) |
Mục tiêu của giáo dục phải tạo ra con người tự chủ và trách nhiệm. Ông nói mục đích của nhà trường là “phải để người trẻ phát triển lên trong một tinh thần mà những nguyên tắc này trở thành tự nhiên như không khí người đó thở. Chỉ có dạy thôi thì không đạt được gì cả”.
May thay, Einstein có gia đình ở bên. Bố mẹ ông có tư tưởng giáo dục con một cách phóng khoáng và tôn trọng con. Khi bỏ học ở tuổi 15, ông bắt đầu một cuộc sống tự lập, hành trang của ông là một cây đàn vĩ cầm.
Qua tấm gương của Einstein, người ta càng thấy rõ vai trò của tự do, nhất là tự do tư tưởng, tự do học thuật trong sự phát triển của một cá nhân cũng như một đất nước. Không chỉ là nhà bác học vĩ đại, ông còn là một trí thức dấn thân, một nhà đấu tranh bền bỉ cho hòa bình, chống lại chiến tranh, bom nguyên tử. Ông mong muốn giải phóng con người khỏi mọi rào cản từ chính trị, vắn hóa, truyền thống, ý thực hệ…
Cũng giống Montessori (nhà giáo dục nổi tiếng người Italy), ông đề cao con người cá nhân, chống lại lối giáo dục đồng loạt, tiêu chuẩn hóa. “Một xã hội của những cá nhân được tiêu chuẩn hóa không có sắc thái và mục tiêu riêng sẽ là một xã hội nghèo nàn mất khả năng phát triển”.
Nhìn vào hiện trạng giáo dục nước ta, soi mình trước tư tưởng và cuộc đời của nhà bác học, chúng ta không thể không giật mình. Liệu hệ thống giáo dục hiện này, với những tiêu chuẩn, thói quen áp đặt đồng loạt, thành tích, thi cử, điểm số có “đất” cho những thiên tài như Einstein phát triển và cống hiến hay không?