Tàu chiến Australia diễn tập tiếp dầu trên Biển Đông ngày 17/4. (Nguồn: Hải quân Australia) |
Trang tin của Viện Quan hệ quốc tế Australia ngày 27/6 đăng bài viết của Giáo sư Luật Sascha-Dominik Dov Bachmann thuộc Đại học Canberra, nêu ra khả năng Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, đồng thời dự đoán về các tác động kinh tế, chiến lược và an ninh quốc gia đối với Australia. TG&VN lược dịch bài phân tích.
Tầm quan trọng chiến lược
Biển Đông, cửa ngõ hàng hải của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế toàn cầu.
Vùng biển này kết nối Ấn Độ Dương với Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương, với giá trị vận tải biển hằng năm khoảng 5 nghìn tỷ AUD (3,5 nghìn tỷ USD). Biển Đông giàu khí đốt tự nhiên và dầu mỏ, những mặt hàng quan trọng đối với Trung Quốc và do đó có tầm quan trọng chiến lược.
Thời gian qua, Trung Quốc nỗ lực tuyên bố chủ quyền (phi pháp) đối với vùng biển này bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này. Trung Quốc cũng sử dụng lực lượng quân sự trên thực tế và thường xuyên đe dọa vũ lực đối với tàu quân sự tham gia các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.
Philippines đã thành công trong việc kiện Trung Quốc ra trước Tòa Trọng tài thường trực về hành vi xâm phạm bất hợp pháp của Bắc Kinh đối với Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Tòa án đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách Biển Đông bành trướng của Bắc Kinh do các yêu sách này không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc đã bắt đầu vũ khí hóa các đảo (cả tự nhiên và nhân tạo) ở Biển Đông với các hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), một động thái đe dọa hàng hải toàn cầu và an ninh của các quốc gia có chung biên giới. Ngoài ra, Trung Quốc đang sử dụng một lực lượng dân quân hàng hải được tổ chức tốt để quấy rối các tàu khác ở Biển Đông.
Tham vọng của Trung Quốc trong khu vực gây ra mối đe dọa thực sự đối với chủ quyền và an ninh quốc gia của các nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Dựa vào luật pháp và duy trì luật pháp
Australia, với tư cách là một lục địa-hải đảo, có lợi ích sống còn trong việc giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông. Nền kinh tế và tương tác quốc tế của Australia phụ thuộc rất nhiều vào dòng vận chuyển tự do toàn cầu. Bất kỳ hạn chế nào của quyền tự do hàng hải hoặc nguyên tắc tự do trên biển đều có hậu quả tiêu cực trực tiếp đối với cả nền kinh tế và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia.
Hơn thế nữa, Australia có nghĩa vụ cam kết duy trì pháp quyền như một vấn đề nguyên tắc và sống còn.
Chính phủ mới của Australia dường như đang tìm kiếm điểm trung gian trong quan điểm về Biển Đông với chính quyền tiền nhiệm.
Giám đốc Viện Lowy, Michael Fullilove phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí quốc gia rằng: “Australia cần hợp tác với đồng minh toàn cầu, sử dụng các thể chế quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu và tăng cường kết nối với châu Á và Thái Bình Dương. Chúng ta nên hướng tới việc khôi phục sự cân bằng trong các chính sách quốc tế; cân bằng giữa ngoại giao và quốc phòng, cân bằng giữa lời nói và việc làm, giữa liên minh cũ và mới; mạnh mẽ về vấn đề khí hậu và Trung Quốc”.
Việc Australia tiếp tục ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về Biển Đông, bao gồm việc thúc đẩy hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, Hợp tác Hàng hải ASEAN-Mỹ, đóng góp tích cực vào sáng kiến hàng hải mới của nhóm Bộ tứ và hỗ trợ tích cực về mặt ngoại giao đối với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính là một phần của cách tiếp cận đa phương và đa bên đối với hòa bình, ổn định trong khu vực. Đây cũng là chìa khóa cho sự can dự mang tính xây dựng trong tương lai ở khu vực này.
Cách tiếp cận ngoại giao mới của tân Ngoại trưởng Australia Penny Wong với các đối tác trong khu vực và việc Australia coi biến đổi khí hậu là mối quan tâm chung là những tín hiệu tích cực và đúng hướng cho một chiến lược Thái Bình Dương của Australia dựa trên sự hòa đồng, các giá trị được chia sẻ và cam kết.
Để chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực cũng đòi hỏi phải xem xét lại các phụ thuộc chiến lược của Australia vào Trung Quốc, cũng như cách xử lý ảnh hưởng nước ngoài tại Australia. Việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh cũng có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn những nguy cơ từ Trung Quốc ở Biển Đông và trên thế giới.
| Trung Quốc có động thái mới ở biên giới với Ấn Độ Truyền thông Ấn Độ đưa tin, Không quân Trung Quốc triển khai hơn gấp đôi số máy bay chiến đấu tại căn cứ chính của ... |
| Tướng Mỹ: Trung Quốc có hành vi ‘báo động’ tại biên giới với Ấn Độ Tư lệnh Lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương, Tướng Charles A. Flynn nhận định Trung Quốc đang ‘gây bất ổn, làm xói mòn’ an ... |