Chuyên gia cho rằng, khó xảy ra xung đột vũ trang giữa Ấn Độ và Trung Quốc. (Nguồn: The Quint) |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên một lần nữa nhấn mạnh, nước này không đáng bị chỉ trích về vụ đụng độ này và nói rằng, tình hình ở biên giới về tổng thể là ổn định và có thể kiểm soát được.
Theo các nhà phân tích, khó có khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang lớn hơn giữa Ấn Độ và Trung Quốc, bất chấp căng thẳng leo thang sau các vụ đụng độ khiến cả hai bên phải hứng chịu thương vong lần đầu tiên sau hơn 40 năm này.
Ông Harsh V Pant, người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Tổ chức nghiên cứu nhà quan sát (ORF) ở New Delhi cho rằng, cuộc đụng độ này rất bất ngờ bởi hai bên đang đàm phán nghiêm túc về việc rút quân. Ông nói với CNBC: "Rõ ràng đang có một cuộc khủng hoảng trên biên giới, nhưng hai bên đang cố gắng giải quyết tình hình và dường như tại một thời điểm, trong vài ngày qua, quá trình rút quân đã bắt đầu".
Trong khi đó, bà Kelsey Broderick, chuyên gia phân tích về Trung Quốc tại Eurasia Group khẳng định, với việc hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận 6/6, rất khó để thúc đẩy những biện pháp giảm thiểu căng thẳng đã được nhất trí từ trước.
Tuy nhiên, cuộc đụng độ hôm 15/6 dù gây thương vong lớn nhưng không bùng phát thành cuộc xung đột lớn hơn, đó là một tín hiệu tích cực rằng các cấp cao hơn của hai nước không muốn thổi bùng bất cứ một kiểu chiến tranh nào.
Bà Broderick cho rằng, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có thể nối lại các động thái giảm thiểu căng thẳng, nhưng quá trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn. Và nếu đàm phán ở cấp quân sự và ngoại giao thất bại, một cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi sẽ có thể ngăn xung đột lan rộng.