Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tháng 5/2023. (Nguồn: quochoi.vn) |
Tôi nói ngay “Vui quá, nhưng tôi đề nghị anh báo cáo và thu xếp để anh Trọng dành thời gian này cho người khác hoặc cho việc khác đi. Tôi biết anh Trọng không có nhiều thời gian. Đó là lòng thành của tôi mà”. Đồng chí Thư ký nói lại “Anh là người Tết này được anh Trọng đến thăm đấy. Đây là sự quan tâm và ưu tiên của anh Trọng cho công tác đối ngoại”.
Năm 2007 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII, anh Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Năm ấy, tôi cũng được nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, dù đã có 2 khóa X và XI là Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nhưng không chuyên trách, vì vậy nhiệm vụ này vẫn là rất mới đối với tôi.
Tuy nhiên, trên lĩnh vực công tác đối ngoại, đối với chúng tôi, anh Trọng không có gì xa lạ. Nhiều năm làm việc ở Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, tôi có nhiều dịp được làm việc với anh Trọng trong công tác đối ngoại. Ấy là từ khi anh làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản hay khi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong nhiều hoạt động đối ngoại, nhất là khi đón các đoàn quốc tế vào nghiên cứu kinh nghiệm của Cách mạng Việt Nam.
Chúng tôi thường kiến nghị mời anh Trọng hội đàm, thông báo tình hình và kinh nghiệm của Việt Nam với bạn. Những nội dung thông báo, trao đổi, đối thoại của Anh được bạn bè quốc tế đánh giá cao, bởi tính khái quát sâu sắc, khúc chiết và dễ hiểu. Khách thú vị vì sự uyên bác, tinh tế toát lên từ phong cách giản dị, mộc mạc của Anh.
Được sự lãnh đạo và chỉ đạo của Anh, chúng tôi tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng một cách thuận lợi. Anh nhắc chúng tôi trong mỗi hoạt động đối ngoại đều cần thấm sâu và vận dụng sáng tạo bản sắc ngoại giao Hồ Chí Minh. Chúng ta thuận lợi vì đã có kim chỉ nam, nhưng cũng khó khăn nếu mình dễ dãi, giáo điều, đường mòn, lối cũ.
Anh Trọng rất quan tâm đến nghiên cứu tổng kết, kế thừa phát huy thành tựu và kinh nghiệm của các khóa trước, phát huy ưu thế của đối ngoại Quốc hội. Là vừa mang tính ngoại giao nhà nước, vừa mang tính đối ngoại nhân dân, hai vai nhịp nhàng trong tổng thể ba trụ cột đối ngoại là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
Theo chỉ đạo của Anh, Ủy ban Đối ngoại đã nhanh chóng xây dựng định hướng chương trình đối ngoại toàn khóa của Quốc hội, xây dựng chương trình kế hoạch hằng năm, 6 tháng, chuẩn bị kỹ nội dung các hoạt động đối ngoại lớn và được Anh cho ý kiến rất nhanh chóng.
Ủy ban Đối ngoại đã chủ động phối hợp tốt với các ngành, nhất là với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, xây dựng chương trình chung tổng thể, phân vai rõ ràng, thông tin kịp thời, phối hợp nhịp nhàng trong tổ chức các hoạt động đối ngoại lớn, nhất là tổ chức các hội nghị quốc tế, các chuyến công tác của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tránh song hành, chồng chéo. Tính chuyên nghiệp của bộ máy cũng như chất lượng và hiệu quả công tác ngày càng được nâng lên.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Anh, ngoài nhiệm vụ thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại chung, góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ đất nước, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam, đối ngoại Quốc hội cần đi sâu hơn nữa phục vụ các mặt công tác của Quốc hội; nhất là công tác lập pháp, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam; tăng cường công tác giám sát, nhất là giám sát việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, tránh ký nhiều mà thực hiện ít, thực hiện thiếu hiệu quả.
Hoạt động đối ngoại đa phương của Quốc hội được mở rộng. Các tổ chức nghị viện quốc tế như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA), Diễn đàn Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) rất coi trọng thành viên tích cực là Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam tham gia Ban Chấp hành IPU, Tổng Thư ký của tổ chức này hằng năm đến Việt Nam một, hai lần để phối hợp công tác, vận động Việt Nam đăng cai hội nghị quốc tế, coi trọng các sáng kiến của Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực hợp tác phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường,… tăng cường đối thoại về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo,… làm cho bạn bè quốc tế hiểu Việt Nam hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV.(Nguồn VOV) |
Các hoạt động đối ngoại của các tổ chức nghị sĩ hữu nghị, nữ nghị sĩ, nghị sĩ trẻ,… sôi nổi hơn, hầu hết các đại biểu của Quốc hội đều có điều kiện tham gia. Hoạt động đối ngoại nghị viện song phương ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, tin cậy, với các nước láng giếng có chung biên giới, các nước trong khu vực, các nước lớn và các nước bạn bè truyền thống,… góp phần chủ động đưa hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng.
Anh Trọng rất quan tâm đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong các chuyến đi công tác, một trong các hoạt động đầu tiên của Anh là gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Anh lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con, quan tâm chủ trương chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam hướng về quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ tiếp theo, xây dựng địa vị pháp lý của người Việt, chấp hành tốt luật pháp và hòa nhập vào cuộc sống của nước sở tại. Những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của Anh với bà con để lại những ấn tượng sâu đậm về một nhà lãnh đạo minh triết mà giản dị, tự nhiên. Trước thái độ điềm đạm, thân tình, người được làm việc với Anh cảm thấy được khuyến khích, tự tin hơn.
Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đã đánh giá: Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đạt nhiều kết quả tốt, góp phần nâng cao vị thế của đất nước và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế. Đối ngoại song phương được tăng cường, tạo sự chuyển biến tích cực trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước trong khu vực và thế giới; củng cố phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước ASEAN, Đông Bắc Á; đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ, Nghị viện Châu Âu, Nghị viện nhiều nước thuộc Liên minh Châu Âu, đưa các mối quan hệ này đi vào thực chất, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Tăng cường các hoạt động đối ngoại đa phương trên các diễn đàn khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào các diễn đàn, chủ động đề xuất các sáng kiến, những khuyến nghị nhằm thúc đẩy hợp tác có hiệu quả của các tổ chức này; một số sáng kiến được nghị viện các nước tán thành và đưa vào nghị quyết của Đại hội đồng, nhất là Quốc hội nước ta đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch và tổ chức thành công tốt đẹp Đại hội đồng Liên Nghị viện Đông Nam Á 31, được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới nhiệm kỳ 2010-2011; đảm nhận cương vị chủ tịch nhóm ASEAN+3,… đã đánh dấu sự trưởng thành mạnh mẽ của ngoại giao nghị viện Việt Nam, góp phần thiết thực vào tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thượng nghị sỹ John McCain và Thượng nghị sỹ Sheldon Whitehouse sang thăm và làm việc tại Việt Nam, ngày 8/8/2014. (Nguồn: TTXVN) |
Đầu năm 2011, năm cuối của Khóa Quốc hội XII, anh Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trở về với bản sắc Ngoại giao cây tre Việt Nam, sinh ra từ nông thôn Việt Nam, cuộc sống của chúng tôi như sinh ra từ tre vậy. Hầu như không có bất kỳ vật dụng nào thiếu tre, từ nhà cửa, cái nôi, gường ghế, rổ rá,… cho đến que tăm. Con người hòa quyện với tre và thấm đẫm tình tre, mang hồn cốt của tre, rất giống cây tre.
Đối với người đề xuất bản sắc Ngoại giao cây tre Việt Nam, gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, tôi cảm nhận sâu sắc đây không phải là sáng kiến bột phát, ngẫu hứng, mà là tinh hoa được chưng cất ra từ một quá trình tôi luyện lâu dài cả lý luận và thực tiễn, đậm tình quê hương đất nước, con người Việt Nam. Tôi thấy người giống cây tre hơn cả - Vẻ đẹp của cây tre Việt Nam mộc mạc, không sơn phết - là anh Trọng.
Gần đây, có lần gặp Anh, Anh hỏi “Son vẫn ở chỗ mà Tết năm nào mình đã đến đấy chứ”. Lâu lắm rồi mà Anh vẫn còn nhớ, lạ thật.