Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo của một số Ban Đảng và Ủy ban Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo cùng dự.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ mục tiêu của đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tinh giản biên chế, không ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động và cuối cùng là nâng cao chất lượng dịch vụ công. |
Hiện cả nước có khoảng 55.000 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thuộc các khối Đảng, đoàn thể, trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ, truyền thông-báo chí, kinh tế, văn hóa-thể thao-du lịch, tài nguyên-môi trường, lao động- thương binh- xã hội với 2,1 triệu viên chức.
Trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan tới đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng các đơn vị này được tự chủ, tự định đoạt trong các lĩnh vực tài chính, tổ chức-nhân sự, chuyên môn. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL được coi là văn bản pháp luật khung. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành các Nghị quyết giao quyền tự chủ cho các đơn vị trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học công nghệ. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 22 về chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần.
Xuất phát từ thực trạng lực lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước rất đông và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và người dân nên việc đổi mới hoạt động ĐVSNCL nhằm cắt giảm lực lượng lao động gắn với đổi mới cơ cấu thu-chi ngân sách nhà nước và mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ công, phục vụ cho xã hội, người dân tốt hơn.
Đánh giá về hoạt động này, các thành viên Ban Chỉ đạo cho biết việc đổi mới cơ chế tự chủ về tài chính được thực hiện khá hiệu quả trong các lĩnh vực y tế, giáo dục đại học. Tuy nhiên nhiều lĩnh vực khác triển khai còn chậm.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Tùng cho biết qua theo dõi, có địa phương chuyển ĐVSNCL sang công ty cổ phần hóa khi chưa có đủ các điều kiện tự chủ về tài chính. Tại Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị nghiên cứu cơ bản thì sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, đơn vị nghiên cứu ứng dụng thì Bộ có chủ trương xã hội hóa.
Một số ý kiến đề cập kinh nghiệm quốc tế về vận hành các dịch vụ công trong nền kinh tế thị trường, theo đó, Nhà nước phải có vai trò điều tiết các dịch vụ công, nhất là các dịch vụ liên quan tới y tế, giáo dục, an sinh xã hội, không nên để cho thị trường chi phối hoàn toàn việc cung cấp dịch vụ công.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải thay đổi nhận thức của xã hội về tự chủ ĐVSNCL. “Không phải tự chủ là phải tự mình phải lo tiền, không có Nhà nước hỗ trợ nữa mà là khuyến khích và bắt buộc các ĐVSNCL tiến tới hạch toán như DN, tự chủ thu, chi. Nhà nước vẫn sử dụng ngân sách để đầu tư cho hoạt động sự nghiệp nhưng sẽ thay đổi phương thức cấp phát sang đặt hàng dịch vụ công”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tiếp tục giải quyết bằng được tự chủ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. “Tới năm 2020, chỉ cấp ngân sách bằng năm 2017, tức là mỗi năm đã giảm chi được 7% cho ngành giáo dục rồi để khuyến khích các trường thực hiện tự chủ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng góp ý với Bộ Nội vụ có thể sắp xếp lại biên chế trong trường phổ thông khi hiện nay đang có 40.000 nhân viên y tế nên cần sắp xếp các nhân viên y tế này sang đội ngũ nhân viên y tế cơ sở cho phù hợp với chương trình tự chủ trong y tế cơ sở. Bên cạnh đó, nhân viên kế toán của các trường (cũng có khoảng 40.000 người) trong một đơn vị cấp xã cũng có thể rút gọn lại 1 kế toán để làm chung.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đổi mới cơ chế hoạt động ĐVSNCL là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế từ nay tới năm 2020, cần phải được tăng cường truyền thông-tuyên truyền về ý nghĩa, tạo đồng thuận xã hội. Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ mục tiêu của đổi mới ĐVSNCL nhằm tinh giản biên chế, không ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động và cuối cùng là nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Nội vụ xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo trong nhiệm kỳ và từng năm, đồng thời đề nghị các bộ, ngành và địa phương chủ động thực hiện các giải pháp đổi mới ĐVSNCL thuộc lĩnh vực quản lý, không chờ đợi quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL. “Nhưng đổi mới gì thì cũng phải tập trung đổi mới cơ cấu thu chi ngân sách, chuyển từ cơ chế phí sang giá dịch vụ công sẽ thúc đẩy các đổi mới về tổ chức-nhân sự và chuyên môn của ĐVSNCL”.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục xây dựng các Nghị định về đổi mới cơ chế hoạt động ĐVSNCL đối với các lĩnh vực dịch vụ công đặc thù.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chết tài chính, tổ chức lại hệ thống các ĐVSNCL để trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 thảo luận. Hiện nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện dự thảo Đề án và xin ý kiến các bộ, ban, ngành.
Chỉ đạo việc xây dựng Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Nội vụ bám sát các chủ trương của Đảng qua các thời kỳ về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của ĐVSNCL. Trong quá trình xây dựng Đề án cần kết hợp chặt chẽ với các nghiên cứu về xã hội hóa dịch vụ công, tham khảo các báo cáo giám sát hoạt động ĐVSNCL của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đồng thời lập kế hoạch khảo sát tại một số lĩnh vực cung cấp dịch vụ công.