Đại sứ Australia Robyn Mudie và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại lễ công bố các Báo cáo khoa học công Nghệ và đổi mới sáng tạo, ngày 3/11. (Nguồn: ĐSQ Australia tại Việt Nam) |
Báo cáo “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam'' được xây dựng theo đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ, là sản phẩm của Chương trình Hỗ trợ phân tích và tư vấn của Ngân hàng Thế giới về nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo Việt Nam. Báo cáo do Chương trình Đối tác chiến lược Giai đoạn II giữa Chính phủ Australia và Nhóm Ngân hàng Thế giới (ABP2) tài trợ.
Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng
Báo cáo nghiên cứu khung phát triển và chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện tại, phân tích những điểm nghẽn cản trở các doanh nghiệp đổi mới và đề xuất một lộ trình cải cách toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng theo hướng đổi mới sáng tạo.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định, Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, có nhiều cách tiếp cận khác nhau để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và báo cáo này đưa ra những ý tưởng có thể phù hợp cho Việt Nam.
Báo cáo khuyến nghị, Việt Nam cần tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy năng lực và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp.
Quan tâm xây dựng năng lực để tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại nhất nên là ưu tiên hàng đầu. Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng của lực lượng lao động - cả chất lượng và số lượng - cũng sẽ rất quan trọng để khai thác toàn bộ sức mạnh của đổi mới sáng tạo.
Những phát hiện và khuyến nghị này phù hợp với báo cáo cấp khu vực do Ngân hàng Thế giới thực hiện trước đó với tiêu đề “Đổi mới sáng tạo ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á - Yêu cầu cấp thiết".
Báo cáo cho rằng, việc áp dụng đổi mới sáng tạo sâu rộng hơn nữa có thể giúp các quốc gia vượt qua các thách thức mới để tiếp tục phát triển, kể cả các yếu tố xung đột địa chính trị toàn cầu, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và sự sụt giảm về tăng trưởng năng suất.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đòi hỏi một chương trình cải cách toàn diện. Ngoài việc định hướng lại các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho phù hợp hơn với năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp, các quốc gia cần tăng cường các yếu tố bổ trợ quan trọng cho đổi mới sáng tạo như kỹ năng của người lao động và khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án đổi mới sáng tạo.
Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Tác động của việc tiếp nhận công nghệ cũng được định lượng rõ ràng trong báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế" do CSIRO, cơ quan khoa học quốc gia Australia và các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng thực hiện.
Được tài trợ bởi Chương trình Aus4Innovation, báo cáo cung cấp các công cụ để đánh giá hiện trạng và tác động của tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Bằng cách áp dụng các mô hình kinh tế vào cơ sở dữ liệu rộng lớn về việc tiếp nhận công nghệ của các doanh nghiệp tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố công nghệ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016-2019.
Đại Sứ Australia Robyn Mudie phát biểu. (Nguồn: ĐSQ Australia tại Việt Nam) |
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie, chia sẻ: "Australia đã và đang hỗ trợ Việt Nam đưa ra các quyết sách dựa trên cơ sở thực chứng trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và báo cáo này là một mốc quan trọng nữa trong quan hệ đối tác của Australia. Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Australia và Việt Nam đã thực hiện báo cáo này trong một năm rưỡi, thu thập và phân tích dữ liệu trong giai đoạn gần 20 năm qua để phát triển hai mô hình kinh tế hiện đại nhằm lượng hóa mức độ đóng góp của tiến bộ công nghệ vào tăng trưởng kinh tế. Australia hy vọng Bộ Khoa học và Công nghệ có thể vận dụng hai mô hình này trong hoạch định các chính sách về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia trong dài hạn".
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, các báo cáo đã chỉ rõ vai trò đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Việt Nam và con đường để Việt Nam tiến về phía trước, không ngừng hoàn thiện và nâng cao năng lực hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình sáng tạo, truyền bá, ứng dụng tri thức và công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và 2045. Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Australia và WB trong các nỗ lực này và mong muốn có thêm các sáng kiến hợp tác tiếp theo để đưa các khuyến nghị, công cụ hữu ích này vào thực tiễn", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
| Na Uy: Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là việc ‘trong tầm tay’ của Việt Nam Ngày 28/10, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Løchen cùng Tham tán Thương mại Arne-Kjetil Lian hội kiến Bộ trưởng Bộ Công thương ... |
| Nỗ lực đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của thế giới Ngày 16/10, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã diễn ra Lễ thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt ... |