📞

Đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ để Hà Nội trở thành 'thành phố thông minh'

Nguyễn Quỳnh Anh 20:22 | 28/11/2024
Baoquocte.vn. Hà Nội cần đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.
Hà Nội ứng dụng khoa học công nghệ phát triển thành phố thông minh. (Ảnh: Ngô Minh Châu)

Chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số

Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới xây dựng Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Quy hoạch này được xây dựng trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Có thể nói, cuộc cách mạng số đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Do đó, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định: số 950/QĐ-TTg, ngày 1/8/2018, Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030; số 749/QĐ-TTg ngày, 3/6/2020, Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số", "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là khâu đột phá chiến lược.

Phát biểu trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để nghe báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của Thành phố năm 2024 và kế hoạch năm 2025, giai đoạn 2025 – 2030 (ngày 27/11), Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, với vai trò là Thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn tiên phong, gương mẫu trong triển khai các nghị quyết của Trung ương để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, lan tỏa đến từng người dân.

Không chỉ gương mẫu đi đầu trong việc đưa Nghị quyết của T.Ư vào cuộc sống, Hà Nội còn đóng vai trò là cực tăng trưởng kinh tế của cả nước, là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước. Từ thực tiễn triển khai với tinh thần đổi mới, sáng tạo của Thủ đô Hà Nội, các địa phương sẽ thực hiện và nhân rộng trên cả nước.

Tổng Bí thư mong muốn, cùng với việc triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Hà Nội sẽ tiếp tục tiên phong, gương mẫu trong việc triển khai các chủ trương lớn của T.Ư với những thay đổi mạnh mẽ để đưa đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, với những bước phát triển vượt bậc.

Trong Nghị quyết được thông qua tại Đại hội, Đảng bộ TP. Hà Nội đặt ra mục tiêu rất cụ thể: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Lựa chọn xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, bảo đảm các yếu tố phát triển nhanh, bền vững, mang lại sự tiện ích, an toàn cho công dân dựa trên ứng dụng những công nghệ chính là chìa khóa bảo đảm cho Hà Nội hiện thực hóa thành công một mục tiêu: Tất cả vì sự phát triển của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đến nay, việc triển khai chuyển đổi số của Hà Nội bước đầu đạt một số kết quả, Chính quyền số từng bước được triển khai. Việc xây dựng hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh bảo đảm các điều kiện phục vụ nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác.

Kinh tế số, xã hội số của Thủ đô phát triển khá mạnh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án số 06 trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh một số kết quả ban đầu, quá trình triển khai chuyển đổi số của Hà Nội còn một số hạn chế như dữ liệu số chưa được hoàn thiện và khai thác hiệu quả, việc phân tích dữ liệu thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành chưa được triển khai; ứng dụng công nghệ thông tin trong một số cơ quan của thành phố chưa được như kỳ vọng.

Cùng với đó, việc xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số, xã hội số còn hạn chế. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu; chuyển đổi số trong hầu hết các ngành, lĩnh vực còn chậm so với nhu cầu của xã hội và nhiệm vụ của thành phố.

Để Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. (Ảnh: MH)

Xây dựng đô thị thông minh là tất yếu

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cuộc cách mạng số, Hà Nội xác định, việc xây dựng một đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết. Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bền vững.

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng: "Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước, đem đến hạnh phúc cho người dân".

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội cho hay, để tận dụng các cơ hội trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, khắc phục các tồn tại, hạn chế, việc xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần tích hợp các nội dung về chuyển đổi số. Chú trọng xây dựng TP. Hà Nội thông minh bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, bám sát đề cương định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt.

Đồng thời, chú trọng quan điểm chỉ đạo về việc chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh, phải bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp tình hình của Thủ đô, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số trong tương lai.

Có thể nói, chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để chuyển đổi số, xây dựng Thủ đô thông minh.

Dựa trên nền tảng dữ liệu số và công nghệ số sẽ phát huy sức mạnh của toàn xã hội, phát huy tiềm năng văn hóa, con người và vị thế của Thủ đô. Bên cạnh đó, hướng đến mục tiêu đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Ban hành và triển khai kế hoạch chuyển đổi số gắn với chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong ngành, lĩnh vực, địa phương.

Bên cạnh đó, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp quy thuộc phạm vi, thẩm quyền gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với quy hoạch Thủ đô. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quản lý phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh, thành phố thông minh.

Ngoài ra, tăng cường triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý về chuyển đổi số, về an ninh, an toàn thông tin mạng và tính riêng tư trên mạng cho người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước của thành phố.

Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức trong toàn xã hội phục vụ quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh của Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Hà Nội nên thử nghiệm triển khai hiệu quả một số dịch vụ đô thị thông minh tại một số quận, huyện của thành phố, gắn liền phát triển dịch vụ đô thị thông minh với phát triển chính quyền số, nhằm mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số.