Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (thứ năm từ trái), các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Tổng thư ký ASEAN tại AMM-56. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đối ngoại cấp cao
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 234 Quốc khánh Pháp (14/7/1789-14/7/2023), ngày 14/7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi điện mừng tới Tổng thống Emmanuel Macron, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện mừng tới Thủ tướng Elisabeth Borne, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi điện mừng tới Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher và Chủ tịch Hạ viện Yael Braun-Pivet. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện mừng tới Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Catherine Colonna.
Tiếp Đại sứ Pháp Nicolas Warnery tới chào nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác ngày 10/7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn và tin tưởng, dù trên bất cứ cương vị nào, Đại sứ sẽ tiếp tục dành những tình cảm tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam, là cầu nối thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Ngày 14/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Ban chỉ đạo COP26) chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban chỉ đạo.
Tiếp ông Jim Pillen, Thống đốc bang Nebraska, Hoa Kỳ đang có chuyến thăm Việt Nam ngày 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, trong đó hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân là một trụ cột.
Ngày 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) Ivan Petrov đang thăm và tham dự Hội nghị thường niên khu vực châu Á-Thái Bình Dương của FIATA được tổ chức tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Liên đoàn quan tâm, ủng hộ và cùng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam để tổ chức thành công Đại hội thường niên FIATA vào năm 2025.
Tiếp ông Hagiuda Koichi, Hạ Nghị sĩ Quốc hội, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP) ngày 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường quan hệ giữa hai Đảng cầm quyền, hai Chính phủ. Cùng ngày, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai tiếp ông Hagiuda Koichi.
Ngày 10/7, tiếp ông Shiota Koichi, Thống đốc tỉnh Kagoshima, Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự nỗ lực, tình cảm hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Kagoshima và các địa phương Việt Nam sẽ trở thành điểm sáng mới, là điển hình cho quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.
Tiếp bà Alice Carr, Giám đốc điều hành chính sách công của GFANZ - Liên minh Tài chính vì mục tiêu đưa mức khí thải ròng về 0 (Net Zero) gày 13/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn cùng với chính phủ các nước, GFANZ chủ động tham gia dẫn dắt quá trình thực hiện Net Zero, Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các Hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia từ ngày 11-14/7. Đây là loạt hoạt động có quy mô lớn nhất hàng năm của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Tại Hội nghị AMM-56, nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò trung tâm của ASEAN, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, các đối tác cần tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN “cả bằng lời nói và hành động”, cùng ASEAN xây dựng lòng tin, thu hẹp khác biệt, cùng thúc đẩy đối thoại và hợp tác thực tâm. Trong quan hệ với các đối tác, ASEAN cần duy trì cách tiếp cận cân bằng, cùng các đối tác tham vấn trên các vấn đề cùng quan tâm, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, quy trình và thủ tục của ASEAN.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã dự các Hội nghị liên quan: Hội nghị ASEAN+1 và Hội nghị ASEAN+3; Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 30; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Cấp cao Đông Á (EAS) và ASEAN-Hoa Kỳ...
Trong khuôn khổ AMM 56, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội kiến với Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị; gặp Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn; tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Lào, Australia, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Papua New Guinea, Thổ Nhĩ Kỳ... để thảo luận về các khía cạnh hợp tác song phương và trong khuôn khổ ASEAN.
Ngoại giao song phương
Phát biểu khai mạc Lễ hội Việt Nam-Nhật Bản TP. Đà Nẵng năm 2023 ngày 13/7 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng hoan nghênh việc thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ hội, đánh giá đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, góp phần gia tăng chia sẻ và thấu hiểu giữa người dân hai nước, cũng như làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế và trên các lĩnh vực.
Ngày 10/7, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Đại sứ Phạm Quang Hiệu tiếp ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch Đảng Công minh và một số thành viên cấp cao của Đảng đến thăm và làm việc. Hai bên đã trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, trong đó có quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Công minh - đối tác của Đảng Dân chủ tự do (LDP) trong liên minh cầm quyền.
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, làm Trưởng đoàn thăm và làm việc tại Trung Quốc từ 10-11/7.
Ngoại giao đa phương
Ngày 14/7 tại trụ sở LHQ ở Geneva, Thụy Sỹ, Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ đã kết thúc Khóa họp thường kỳ lần thứ 53, với 30 Nghị quyết được thông qua, trong đó có Nghị quyết về biến đổi khí hậu (BĐKH) và quyền con người do Việt Nam cùng Bangladesh và Philipines soạn thảo và đề xuất. Nghị quyết nêu bật ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH đối với sinh kế và quyền con người, nhấn mạnh yêu cầu hợp tác quốc tế để khắc phục những ảnh hưởng này.
Từ ngày 10-13/7, đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang làm Trưởng đoàn đã tham dự Khóa họp lần thứ 64 Đại hội đồng thành viên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Geneva, Thụy Sỹ.
Tin Người phát ngôn
Ngày 15/7, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam nhân dịp 7 năm Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông đưa ra Phán quyết cuối cùng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:
Chủ trương nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông giữa các Bên liên quan cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đóng góp cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông.
Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS.
Các hoạt động khác
Ngày 13/7, Tổng Biên tập Báo Thế giới & Việt Nam và Chủ tịch kiêm chủ bút The Korea Times tiến hành ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) nhằm tăng cường chia sẻ thông tin giữa hai bên. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng tham dự và chứng kiến buổi lễ ký kết.
Ngày 11/7, tại Vụ Biên phiên dịch đối ngoại, Bộ Ngoại giao diễn ra lễ khai giảng Khóa học kỹ năng phiên dịch tiếp xúc đối ngoại dành cho cán bộ ngoại vụ địa phương. Vụ trưởng Vụ Biên phiên dịch đối ngoại Dương Hoài Nam phát biểu khai mạc Khóa học.
Ngày 11/7, Đối thoại Biển lần thứ 11 với chủ đề "Hoạt động phức hợp: Thúc đẩy hay cản trở trật tự trên biển" do Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam (KAS) đồng tổ chức đã diễn ra tại Hải Phòng.
Ngày 10/7, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trao quyết định điều động và bổ nhiệm cho 4 lãnh đạo cấp Vụ.
| Đối ngoại trong tuần: Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng đạt nhiều kết quả quan trọng, thực chất; Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sỹ thăm Việt Nam Báo Thế giới & Việt Nam điểm lại một số hoạt động đối ngoại nổi bật của Việt Nam trong tuần từ ngày 26/6-2/7. |
| Đối ngoại trong tuần: Đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế; Việt Nam coi trọng hợp tác với ESCAP Báo Thế giới & Việt Nam điểm lại một số hoạt động đối ngoại nổi bật của Việt Nam trong tuần từ ngày 3-9/7. |
| Kịp thời khắc phục bất cập của Luật Xuất nhập cảnh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, sáng nay, 27/5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền ... |
| Vai trò của báo chí đối ngoại trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Báo chí nói chung và lực lượng báo chí đối ngoại đóng vai trò quan trọng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc bảo ... |
| Đồng chí Vũ Khoan với Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế Sáng ngày 21/6, khi đang ngồi trò chuyện, Đại sứ Vũ Đăng Dũng đột ngột thông báo Bác Vũ Khoan đã qua đời. Một nỗi ... |