Mỹ đang chiếm ưu thế trong cuộc đổi ngôi giữa các nhà cung cấp năng lượng toàn cầu. |
Tại buổi công bố Báo cáo này, chuyên gia hàng đầu của BP Spencer Dale nhận định, thế giới đang chứng kiến một cuộc đổi ngôi giữa các nhà cung cấp năng lượng toàn cầu, trong đó có tác động mạnh mẽ nhất của “cách mạng” dầu đá phiến ở Mỹ. Chính cuộc "cách mạng" này là nguyên nhân chính khiến sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng đột biến, giúp Mỹ qua mặt Saudi Arabia và Nga, trở thành quốc gia sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới. Thực tế này cho phép Mỹ giờ đây bớt phụ thuộc hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu, một yếu tố từng gây tổn hại đối với sự cân bằng trong cán cân thương mại và nền kinh tế Mỹ.
Theo Báo cáo, sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ trong năm 2014 đã tăng nhanh nhất thế giới, đạt mức kỷ lục 1,6 triệu thùng/ngày. Trong cả năm 2014, nước Mỹ đã sản xuất 1.250 triệu tấn dầu mỏ, trong khi Nga đạt mức 1.062 triệu tấn. Sản lượng khai thác khí đốt của Mỹ cũng tăng đột biến, chiếm gần 80% mức tăng của toàn thế giới. Với mức tăng này, Mỹ đã vượt qua Nga, trở thành nước sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới.
Việc Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới không phải là điều quá bất ngờ, bởi điều này đã được dự báo từ trước đó. Song, sự kiện này đã tới sớm hơn một năm so với dự tính. Trong bối cảnh bùng nổ khai thác dầu đá phiến ở Mỹ, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) từng đưa ra dự báo, đến năm 2015, Mỹ mới vượt qua Saudi Arabia và Nga và trên đường trở thành quốc gia tự túc về năng lượng trong hai thập niên tới.
Tuy nhiên, cùng với việc thay đổi bản đồ năng lượng thế giới, “cuộc cách mạng" dầu đá phiến cũng góp phần gây ra những quan ngại khi nó có những tác động trái chiều đến kinh tế và địa chính trị ở quy mô toàn cầu.
Kinh tế thế giới từng được cảnh báo sẽ bị giáng một đòn mạnh nếu giá dầu tiếp tục sụt giảm xuống mức 40USD/thùng do tác động của cuộc chiến giá dầu giữa Mỹ và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Theo báo cáo, tình trạng bùng nổ khai thác dầu thô và khí đốt tại Mỹ và việc OPEC duy trì sản lượng khai thác để giữ thị phần, trong thời điểm nhu cầu tiêu thụ dầu khí toàn cầu năm ngoái giảm, đã khiến giá dầu mỏ thế giới giảm mạnh liên tiếp - có thời điểm giảm tới 40%. Cùng với đó là kinh tế một loạt nước xuất khẩu dầu lao đao vì tình trạng giá dầu chao đảo kéo dài.
Về lâu dài, khi có nhiều lựa chọn về nguồn nhiên liệu, các quốc gia OPEC, đặc biệt là khu vực Trung Đông sẽ không thể thao túng được giá dầu thô trên thế giới như trước. Từ đó có thể thay đổi mối quan hệ quyền lực giữa các nước đóng vai trò địa chính trị lớn của thế giới và có thể nảy sinh những vấn đề không mong muốn, như cuộc chiến giá dầu giữa Mỹ và các nước OPEC mới đây, hay mối quan hệ dựa trên nhu cầu năng lượng trong nhiều thập kỷ qua giữa quốc gia “khát” dầu hàng đầu thế giới và các quốc gia khu vực Trung Đông chắc chắn sẽ thay đổi.
Giới chuyên gia cũng lo ngại cho tương lai của việc cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường, khi các chính phủ và doanh nghiệp đều lựa chọn loại nhiên liệu hóa thạch có giá thành rẻ hơn để thay thế nguồn nhiên liệu bền vững như nhiên liệu gió và mặt trời.
Minh Châu (tổng hợp)