📞

Đối phó ra sao với “cơn sóng thần bạc đầu”?

07:30 | 28/10/2017
Chia sẻ với báo TG&VN, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng, nếu nước ta không tận dụng được “cơ hội dân số vàng”, sẽ rất khó để đối phó với tình trạng già hóa dân số.
Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội).

Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các nước châu Á, đặc biệt là những nước có thu nhập trung bình không thể chuẩn bị đủ để đối phó với tình trạng già hóa dân số. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Điều này rất chính xác và Việt Nam hiện cũng đang đứng trước tình trạng “chưa giàu đã già”. Nếu nước ta không tận dụng được “cơ hội dân số vàng” sẽ rất khó để đối phó với tình trạng già hóa dân số.

Hiện nay, Hàn Quốc đang tích cực thực hiện giải pháp “Cân bằng giới tính khi sinh”. Trung Quốc đang chuyển từ mô hình dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Nhật Bản đang chuyển hướng từ chăm sóc người cao tuổi ở trung tâm trở lại chăm sóc tại gia đình. Singapore thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí cho người cao tuổi mua nhà chung cư và hỗ trợ con cái mua nhà gần với nơi bố mẹ ở để chăm sóc cha mẹ. Nhìn chung, các nước đang phấn đấu tận dụng cơ hội “dân số vàng” để phát triển bền vững.

Châu Á đứng đầu thế giới về tốc độ già hóa dân số đến mức có những so sánh “nhóm dân số cao tuổi như những con sóng thần màu bạc quét qua”. Già hóa dân số sẽ có những thách thức và cơ hội gì cho nước ta, thưa ông?

Dân số của Việt Nam vào năm 2016 có khoảng 93 triệu người. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,4 tuổi (tuổi thọ của nam là 70,8 và nữ là 76,1). Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa khi số người từ 60 tuổi trở lên chiếm đến 10,2% tổng dân số. Theo dự báo, nước ta sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 (với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1% và năm 2050 tỷ lệ này là khoảng 26% dân số).

Có thể nói, già hóa dân số khẳng định được những tiến bộ vượt bậc trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Nhưng thực trạng này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cần phải khắc phục. Trong đó, tiêu biểu như trung bình mỗi người cao tuổi phải chịu 15,3 năm bị bệnh tật trong cuộc đời mình. Con số này cao hơn hẳn so với nhiều quốc gia đã phát triển.

Người cao tuổi Việt Nam một mặt phải đối phó với các bệnh lây nhiễm, mặt khác phải đương đầu với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh mãn tính và thoái hóa. Theo một nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, trung bình một người già sống tại cộng đồng mắc ba bệnh mãn tính. Các bệnh nhân khi phải nhập viện thường mắc năm, sáu bệnh. Thực tế cũng cho thấy, chi phí điều trị trung bình cho một người cao tuổi cao gấp bảy đến tám lần chi phí điều trị cho một đứa trẻ. Độ tuổi càng cao, rủi ro về bệnh tật càng tăng hoặc số ngày nằm viện càng cao. Thách thức này, đòi hỏi các phương thức tiếp cận mới về y tế, tuổi nghỉ hưu và lương hưu, môi trường xã hội và hòa đồng giữa các thế hệ.

Vậy khi chúng ta đang còn thiếu nguồn lực để đối phó với thách thức già hóa dân số, theo ông cần có những giải pháp gì để ứng phó trước mắt với “cơn sóng thần bạc đầu” này?

Theo tôi, vấn đề mấu chốt của công tác dân số phải gắn việc nâng cao chất lượng dân số, duy trì mức sinh thay thế để đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Thứ nhất, cần tăng cường công tác y tế dự phòng, đặc biệt là phòng, chống các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi tại cộng đồng.

Thứ hai, ưu tiên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cung ứng dịch vụ y tế cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thực hiện thành công già hóa khỏe mạnh.

Thứ ba, tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội cả cộng đồng và gia đình theo điều kiện cụ thể và tâm nguyện của đối tượng, phù hợp với tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước.

Thứ tư, sử dụng hiệu quả lợi thế “dân số vàng” để nhóm dân số cao tuổi sẽ có thu nhập cao hơn trong tương lai.

Thứ năm, đảm bảo nhân lực và nguồn tài chính cho công tác người cao tuổi và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng.

Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp liên ngành và hội nhập quốc tế trong việc thích ứng với già hóa dân số theo hướng luật hoá và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia với nhau.

Nếu thay đổi chính sách dân số theo hướng “nới” mức sinh, theo ông, có xảy ra tình trạng bùng nổ dân số trở lại?

Chúng ta nên hiểu chính sách dân số theo hướng “nới” mức sinh là quy định mức sinh hợp lý, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới là “nới” mức sinh nhưng không để bùng nổ dân số trở lại và phải bảo đảm cơ cấu nguồn nhân lực cho phát triển bền vững.

Đồng thời, chính sách này nhằm mục đích tránh tình trạng mức sinh giảm xuống mức thấp nhất như một số nước đã gặp phải. Do vậy, có thể thấy, đây là thời điểm cần có sự chuyển hướng chính sách từ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số - Phát triển để đáp ứng những yêu cầu của tình hình mới.

Từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới trong việc thực hiện thành công chính sách dân số, chúng ta có thể học được gì, thưa ông?

Có thể nói, chất lượng dân số và sự phát triển có mối quan hệ biện chứng, có tác động qua lại, bởi dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Tôi cho rằng, chúng ta cần quan tâm đến việc thực hiện chuyển đổi chính sách dân số, tức là điều chỉnh số lượng sang chú trọng nâng cao chất lượng dân số. Thay vì tập trung chủ yếu vào kế hoạch hóa gia đình, hướng đến mục tiêu giảm sinh, nên chuyển sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số.

Đồng thời, nước ta nên chuyển từ cách tiếp cận một chiều, giải quyết tình trạng gia tăng quy mô dân số quá nhanh sang tiếp cận tổng thể, đa chiều và điều chỉnh các yếu tố dân số và chính sách phát triển trong mối quan hệ chặt chẽ.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)