ASEAN-EU nâng cấp lên Đối tác chiến lược tháng 12/2020. (Nguồn: pattayamail) |
Vị trí trung tâm của ASEAN
ASEAN và EU thiết lập quan hệ đối thoại từ năm 1977, sau đó chính thức thể chế hoá với việc ký Hiệp định Hợp tác ASEAN - Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) vào năm 1980. Hai qbên nâng quan hệ lên Đối tác Tăng cường với việc thông qua Tuyên bố Nuremberg về quan hệ Đối tác Tăng cường ASEAN - EUnăm 2007. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 23 (AEMM) (trực tuyến, tháng 12/2020), hai bên đã nhất trí chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti: "ASEAN và EU là hai điển hình thành công về hợp tác khu vực trên thế giới. Hai bên có nhiều quan điểm tương đồng như tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ hợp tác đa phương... Tiềm năng hợp tác giữa hai bên là rất lớn". |
Sau 45 năm, quan hệ ASEAN - EU đã phát triển năng động, mở rộng bao trùm các lĩnh vực như chính trị-an ninh, kinh tế-thương mại, văn hóa - xã hội và hợp tác phát triển. Hiện hai bên đang phối hợp triển khai Kế hoạch Hành động triển khai Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU giai đoạn 2023-2027.
Về chính trị - an ninh, EU nhấn mạnh ASEAN giữ vị trí trung tâm trong Chiến lược hợp tác của EU tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố năm 2021 và mong muốn thúc đẩy hợp tác sâu rộng với ASEAN.
Cụ thể, EU tham gia các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) ASEAN-EU hàng năm, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), và các cơ chế ASEAN-EU liên quan khác như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU (AEMM) được tổ chức luân phiên 18 tháng/1 lần và Cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN - EU.
EU đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) năm 2012 và là tổ chức khu vực đầu tiên gia nhập Hiệp ước TAC. EU cử Đại sứ chuyên trách và lập Phái đoàn EU tại ASEAN từ năm 2016, thể hiện cam kết và quyết tâm tăng cường và làm sâu sắc quan hệ với ASEAN. Đồng thời, đến nay đã có 25 nước thành viên EU cử Đại sứ tại ASEAN.
EU chú trọng thúc đẩy hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh biển, thông qua việc thường xuyên tổ chức Cuộc họp Tham vấn Quan chức Cao cấp ASEAN - EU về Phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC - EU) và Đối thoại cao cấp ASEAN - EU về Hợp tác an ninh biển (HLD-MS). EU hiện đồng chủ trì các Nhóm giữa kỳ (ISM) về An ninh biển và về Chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, trong khuôn khổ ARF.
Về văn hóa - xã hội, EU hỗ trợ ASEAN thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới, bảo hộ lao động nhập cư, nâng cao chất lượng giáo dục thông qua các chương trình học bổng và hỗ trợ giáo dục sau đại học trong khuôn khổ Chương trình EU hỗ trợ giáo dục đại học tại khu vực ASEAN (SHARE), hợp tác khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai, trong đó có hỗ trợ ASEAN triển khai Hiệp định ASEAN về Ứng phó khẩn cấp và Quản lý thảm họa (AADMER) và tài trợ hoạt động của Trung tâm điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm hoạ (AHA).
Thông qua việc tổ chức các Đối thoại cao cấp ASEAN - EU về Môi trường và Biến đổi khí hậu và về Phát triển bền vững, ASEAN và EU đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhau thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đối tác thương mại hàng đầu của nhau
Kinh tế - thương mại là điểm sáng trong hợp tác giữa hai khu vực. EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của ASEAN.
Theo số liệu của ASEAN, năm 2021, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) của ASEAN với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 268,9 tỷ USD, tăng 18.6% so với năm 2020 và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 (sau Mỹ) của ASEAN với tổng vốn đầu tư đạt 26,5 tỷ USD. Theo số liệu của EU, năm 2021, ASEAN là đối tác thương mại ngoài châu Âu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) của EU.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh: "Thời gian tới, EU cần nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa hợp tác với ASEAN, chú trọng hơn tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như ủng hộ các tầm nhìn, chính sách của ASEAN để hợp tác EU-ASEAN tiến xa hơn về phía trước". |
Trong hợp tác kinh tế, EU hiện hỗ trợ ASEAN thông qua 2 chương trình chủ đạo là Chương trình hỗ trợ ASEAN hội nhập khu vực tăng cường của EU (ARISE Plus) và Đối thoại chính sách khu vực EU-ASEAN nâng cao (E-READI).
Các chương trình này nhằm mục đích tăng trưởng kinh tế toàn diện và hội nhập kinh tế cho khu vực ASEAN, tạo thuận lợi cho đối thoại chính sách về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội, hỗ trợ thực hiện Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tăng cường năng lực đa lĩnh vực cho các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN…
Từ nhiều năm qua, ASEAN và EU đã thảo luận về khả năng thiết lập Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và EU.
Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) - Cao ủy Thương mại EU lần thứ 18 (Phnom Penh, 18/9) đã nhất trí thúc đẩy trao đổi giữa hai bên nhằm xác định các lĩnh vực hợp tác cụ thể cùng quan tâm như phát triển chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, kinh tế số, công nghệ xanh và dịch vụ xanh… và hình thức triển khai phù hợp để xây dựng định hướng phát triển hợp tác kinh tế thương mại mới giữa ASEAN và EU, trong khi vẫn duy trì mục tiêu dài hạn về thiết lập FTA ASEAN-EU.
Tại Hội nghị này, hai bên đã thông qua Chương trình công tác Thương mại và Đầu tư giai đoạn 2022-2023.
ASEAN và EU chú trọng ưu tiên thúc đẩy hợp tác về kết nối, trong đó Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 23 (AEMM-23) (trực tuyến, tháng 12/2020) đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung ASEAN-EU về Kết nối năm 2020.
Về hợp tác phát triển, EU là một trong những đối tác hợp tác phát triển hàng đầu của ASEAN, tập trung hỗ trợ ASEAN hội nhập khu vực, tăng cường kết nối ASEAN thông qua các chương trình hợp tác phát triển khác nhau trên cả ba trụ cột hợp tác của ASEAN, và tăng cường năng lực Ban Thư ký ASEAN.
Các chương trình hợp tác phát triển được EU triển khai với ASEAN đáng chú ý bao gồm Chương trình hỗ trợ ASEAN hội nhập khu vực tăng cường của EU (ARISE Plus); Đối thoại chính sách khu vực EU-ASEAN nâng cao (E-READI) đang được EU triển khai hiệu quả từ năm 2018 đến nay, với tổng ngân sách 61 triệu Euro.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, EU cung cấp tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều chương trình, dự án hợp tác chung, trong đó có Chương trình EU hỗ trợ giáo dục đại học tại khu vực ASEAN (SHARE) (giai đoạn 2014-2019), Chương trình Nhập cư và Quản lý biên giới ASEAN-EU giai đoạn II (2014-2018)…
Về phối hợp ứng phó Covid-19 và hỗ trợ phục hồi sau đại dịch, EU là một trong những đối tác đầu tiên, tích cực thúc đẩy hợp tác với ASEAN trong ứng phó Covid-19 ngay từ khi dịch bệnh bùng phát.
Hai bên đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU về Covid-19 ngày 20/3/2020, nhất trí đẩy mạnh hợp tác thông qua các cơ chế của ASEAN cũng như phối hợp với các Đối tác khác để phòng chống, kiểm soát và đẩy lùi đại dịch.
EU cam kết triển khai gói hỗ trợ “Team Europe” trị giá 800 triệu Euro hỗ trợ khu vực ASEAN ứng phó Covid-19 và giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch; bổ sung thêm “Chương trình hỗ trợ Đông Nam Á sẵn sàng ứng phó đại dịch” trị giá 20 triệu Euro nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực y tế và điều phối ứng phó dịch bệnh tại khu vực; đồng thời tổ chức các cuộc đối thoại giữa các chuyên gia y tế ASEAN - EU về ứng phó Covid-19.
Đại diện lãnh đạo ASEAN và EU công bố Sách Xanh 2022 kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác tháng 5 vừa qua. (Nguồn: asean.org) |
Định hướng chặng đường phát triển mới
Năm 2022 kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-EU (1977-2022). Nhân dịp này, ASEAN đã nhất trí với đề xuất của EU tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU vào ngày 14/12 tại Brussels, Bỉ.
Đây là lần đầu tiên ASEAN và EU phối hợp tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ hai bên tại EU, với sự tham gia của Lãnh đạo Cấp cao các nước thành viên ASEAN và EU, kể từ khi thiết lập Quan hệ Đối thoại vào năm 1977, và nhất là sau khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2020.
Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans: “Nếu đếm số lần ASEAN được nhắc đến trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU, chắc hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên. Thực sự, ASEAN là trọng tâm trong cách tiếp cận của EU đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. |
Hiện ASEAN và EU đang phối hợp chặt chẽ hoàn tất các công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao kỷ niệm. Tại Hội nghị, dự kiến các Lãnh đạo Cấp cao hai bên sẽ cùng nhìn lại, đánh giá tổng thể chặng đường quan hệ đối tác trong 45 năm qua và đề ra những định hướng quan trọng phát triển quan hệ ASEAN - EU trong thời gian tới, đồng thời dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Kết thúc Hội nghị, các Lãnh đạo Cấp cao hai bên dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - EU, phản ánh các kết quả của Hội nghị, nhấn mạnh các thành quả quan trọng đạt được trong 45 năm quan hệ ASEAN - EU và khẳng định các định hướng thúc đẩy quan hệ hai bên phát triển trong thời gian tới.
Chia sẻ với báo chí về Hội nghị cấp cao lần này, Đại sứ Igor Driesmans, Trưởng Phái đoàn EU tại ASEAN cho rằng việc 27 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ cùng với hai chủ tịch thể chế của EU gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN là điều “mang tính lịch sử”, chưa từng xảy ra trước đây.
Đại sứ Igor Driesmans khẳng định rằng cuộc họp có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ củng cố thêm mối quan hệ song phương EU-ASEAN, mà còn gửi một thông điệp cam kết hợp tác cùng nhau tới phần còn lại của thế giới. Trong thời điểm địa chính trị căng thẳng và bất ổn như hiện nay, Hội nghị cho thấy EU và ASEAN cùng nhau lựa chọn hợp tác nhiều hơn thay vì gia tăng cạnh tranh.
Liên quan đến chương trình nghị sự của Hội nghị, Đại sứ Igor Driesmans tiết lộ rằng một số khoản đầu tư lớn từ EU vào ASEAN dự kiến sẽ được các nhà lãnh đạo công bố. Những khoản đầu tư này sẽ giúp ích cho sự phát triển bền vững của ASEAN về năng lượng sạch, chuyển đổi kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng bền vững...
Nhận định về vai trò của ASEAN, Đại sứ Igor Driesmans cho rằng một ASEAN mạnh mẽ là điều cốt yếu. ASEAN mạnh mẽ tốt cho EU, vì nó giúp ổn định những căng thẳng địa chính trị khác nhau đang tồn tại.
"Chúng ta cần cấu trúc an ninh đó và mỏ neo thể chế đó trong khu vực. Và tất nhiên, một ASEAN mạnh mẽ cũng tốt cho chính người dân trong khu vực, cho sự thịnh vượng của ASEAN với tư cách là đối tác thương mại của EU. Đó là lý do EU đã đầu tư rất nhiều vào mối quan hệ đối tác này”, Đại sứ Igor Driesmans nhấn mạnh.
Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU. Đồng thời, là một thành viên tích cực, của động trong ASEAN, Việt Nam nỗ lực hết mình đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU. Thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên đã đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển.
Đại sứ Igor Driesmans nhấn mạnh rằng Việt Nam không chỉ là một đối tác song phương lớn, mà còn là đối tác quan trọng của EU trong hợp tác với ASEAN.