TIN LIÊN QUAN | |
Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore: Mối quan hệ gắn bó lâu đời | |
Triển lãm tranh kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore |
Đúng 45 năm về trước, ngày 01/8/1973, Việt Nam và Singapore đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhưng mối giao lưu của hai dân tộc còn sớm hơn thế rất nhiều. Ngay từ thế kỷ 19, thương nhân hai nước đã có nhiều hoạt động giao thương; Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng sống tại Singapore đầu những năm 1930. Ngày nay, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trang trọng tại khuôn viên Công viên Văn minh Châu Á bên cạnh những vĩ nhân thời đại khác. Trải qua gần nửa thế kỷ phát triển, với nhiều thăng trầm lịch sử và biến thiên thời cuộc, được sự vun đắp của các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam - Singapore đã và đang phát triển ngày càng tốt đẹp.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Gần nửa thế kỷ vun đắp quan hệ
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết tháng 1/1973, Singapore là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong thời gian đầu, quan hệ hai nước phát triển thuận lợi, đánh dấu bằng chuyến thăm chính thức Singapore của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (01/1978) và Tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ Việt Nam – Singapore. Bước sang những năm đầu thập niên 1990, cùng với chuyển biến chung của cục diện quốc tế và khu vực và chủ trương đổi mới, mở cửa của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Singapore đã được cải thiện nhanh chóng, nhất là kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, cùng sánh vai Singapore trong đại gia đình ASEAN. Kể từ đó đến nay, Singapore luôn là người bạn đồng hành tin cậy, là đối tác gần gũi trong khu vực, song hành trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong tiến trình Việt Nam đổi mới kinh tế, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã luôn là người bạn cố tri, thấu hiểu và sẻ chia sâu sắc, đưa ra những lời khuyên chân thành, những bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam. Từ các cơ chế hợp tác ban đầu như Hội đồng hợp tác Việt Nam – Singapore (5/1993), Nhóm điều phối chỉ đạo việc hợp tác kinh tế giữa hai nước (4/1994), Đội đặc nhiệm giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng, chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á (1997-1998), đến nay hai bên đã thiết lập được nền tảng vững vàng, toàn diện cho hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Quan hệ chính trị tin cậy, gắn bó là tiền đề quan trọng. Hai nước đã ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21” nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Singapore (3/2004). 9 năm sau, Singapore trở thành một trong những nước ASEAN đầu tiên lập quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long (2013), mở ra kỷ nguyên mới - hợp tác cùng có lợi, tôn trọng và đặc biệt tin cậy giữa hai nước. Các cơ chế hợp tác mới cũng được xác lập và duy trì thường xuyên, hiệu quả như Kết nối hai nền kinh tế, Tham khảo chính trị, Đối thoại quốc phòng…; hàng trăm thỏa thuận, hiệp định song phương và đa phương được ký kết, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho quan hệ hai nước ngày càng phát triển, đi vào thực chất.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan tại Hà Nội, tháng 10/2016. (ảnh Tuấn Anh) |
Liên kết sâu sắc về kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Singapore. Ngay sau khi Việt Nam mở cửa, thoát khỏi bao vây cấm vận, Singapore là một trong những nước tiên phong tiếp cận thị trường Việt Nam. Với kim ngạch thương mại hai chiều tăng mạnh trong 20 năm qua, từ hơn 3 tỷ USD năm 1997 lên 8,3 tỷ USD năm 2017, Singapore là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong ASEAN và đứng thứ 9 của Việt Nam với các nước trên thế giới. Singapore hiện có hơn 2.000 dự án đầu tư, tổng vốn hơn 43 tỷ USD, đứng thứ 3/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, dự án Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) do cố Thủ tướng Lý Quang Diệu khởi xướng đến nay đã được triển khai rộng khắp 3 miền đất nước với tổng cộng 9 VSIP, thu hút được nhiều dự án đầu tư và tạo việc làm cho người dân địa phương, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế Việt Nam, trở thành hình ảnh biểu tượng của sự kết nối kinh tế giữa hai nước. Đánh giá về thành công của VSIP, năm 2010 Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhấn mạnh: “VSIP không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước Việt Nam – Singapore, mà còn có tác dụng đóng góp cho cả khu vực”. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu đầu tư vào Singapore với 100 dự án, tổng vốn gần 300 triệu USD. Hai nước cũng đã phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy ngay từ đầu nội dung toàn diện và sâu sắc của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hợp tác quốc phòng - an ninh ngày càng được mở rộng. Hai bên thường xuyên tiến hành các hoạt động hợp tác thực tế về hải quân, không quân, cứu hộ; phối hợp giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên tại khu vực như khủng bố, cướp biển, tội phạm công nghệ cao, an ninh mạng…. Năm 2016, Singapore là nước đầu tiên cử tàu hải quân ghé thăm cảng quốc tế Cam Ranh, biểu hiện của sự tin cậy chiến lược. Diễn đàn Shangri La tổ chức tại Singapore hàng năm là dịp quan trọng để Việt Nam khẳng định tầm nhìn chiến lược về các vấn đề quan trọng ở khu vực và chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển.
Hợp tác giáo dục - đào tạo, du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân… đang ngày càng khởi sắc. Hơn 18.000 cán bộ Việt Nam đã tham gia tập huấn trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Singapore. 145 chuyến bay trực tiếp một tuần đã đưa lượng khách du lịch giữa hai nước tăng mạnh. Trong năm 2017, Việt Nam đón gần 300.000 lượt khách Singapore và Singapore đón hơn 500.000 lượt khách Việt Nam. Thông qua nhịp cầu hữu nghị là 12.000 người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc tại Singapore cũng như nhiều người Singapore sống và làm việc tại Việt Nam, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước ngày càng được tăng cường.
Bên cạnh quan hệ song phương tốt đẹp, hai nước cũng hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM và WTO, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề an ninh khu vực. Là những quốc gia thành viên năng động, Việt Nam và Singapore đã có những đóng góp tích cực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết và phát triển, qua đó góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Là hai nước dẫn đầu trong ASEAN về tỷ lệ thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và là hai nền kinh tế có độ mở cao nhất trong số các nước ASEAN, Việt Nam và Singapore cũng chia sẻ nhiều lợi ích trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, toàn cầu hóa. Sự ủng hộ, hợp tác tích cực của Singapore đã góp phần làm nên thành công rực rỡ của Năm APEC Việt Nam 2017. Về phần mình, Việt Nam đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN của Singapore trong năm 2018 và đang phối hợp chặt chẽ với Singapore cũng như các nước thành viên khác để thúc đẩy Cộng đồng ASEAN tự cường và sáng tạo - đúng như chủ đề mà Singapore đưa ra trong năm Chủ tịch ASEAN 2018.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan tại cuộc hội đàm ngày 26/10/2016. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Vươn tới những tầm cao mới
Việt Nam và Singapore đã luôn là những đối tác tự nhiên, gắn kết bởi nền tảng văn hóa tương đồng, vị trí địa lý gần gũi cũng như những lợi ích song trùng ở khu vực và quốc tế. Những gì chúng ta có được ngày hôm nay dựa trên sự chân thành, tin cậy và thông hiểu lẫn nhau cũng như một tầm nhìn về mái nhà chung ASEAN. Bước sang thập kỷ thứ năm của quan hệ song phương, tiềm năng hợp tác của hai nước còn rất phong phú, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nội lực dồi dào của mỗi quốc gia cũng như hơi thở của thời đại mới, thời đại của cách mạng khoa học công nghệ, của liên kết, hội nhập khu vực sâu sắc, trong một không gian Cộng đồng ASEAN vững mạnh và đoàn kết.
Trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và khu vực, xuất phát từ yêu cầu phát triển của mỗi nước, Việt Nam và Singapore cần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược đang phát triển tốt đẹp. Tin cậy chính trị vẫn sẽ luôn là nền tảng định hướng cho quan hệ hai nước, cần được quan tâm củng cố thông qua việc thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao. Trên cơ sở phát huy các cơ chế hợp tác song phương sẵn có, hai nước cần tăng cường trao đổi, tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là về quản trị quốc gia và phát triển bền vững – các lĩnh vực thế mạnh của Singapore. Về an ninh-quốc phòng, trên nền tảng hợp tác tốt đẹp hiện nay, hai bên sẽ đẩy mạnh hơn nữa giao lưu hải quân, không quân, tăng cường các hoạt động hợp tác chống khủng bố, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đối với hợp tác kinh tế, tận dụng các cơ hội do hợp tác kinh tế khu vực mang lại, hai bên cần mạnh dạn khai thác các lĩnh vực mới, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế Việt Nam và mức độ phát triển hiện đại của kinh tế Singapore như khai thác năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế số, đầu tư cho không gian khởi nghiệp, xây dựng đô thị thông minh, hoàn thiện hệ sinh thái tài chính, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất xanh, đô thị thông minh, bảo vệ môi trường…. Sự hợp tác đó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn giúp truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, hợp tác và đoàn kết cho các thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, hai nước cần mở rộng hơn nữa hợp tác giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, tăng cường hợp tác y tế, kết nối hàng không, hàng hải....
Trong bối cảnh tình hình khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, hai bên cần tăng cường chia sẻ tin cậy, phối hợp lập trường chung trong các vấn đề chiến lược khu vực cùng quan tâm, vì một môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương. Hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN; xây dựng đồng thuận và đoàn kết nội bộ ASEAN trong các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực. Về vấn đề Biển Đông, cả Việt Nam và Singapore đang chủ động, tích cực thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đề cao luật pháp quốc tế, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thực hiện đầy đủ DOC và thúc đẩy đàm phán COC thực chất, hiệu quả, ràng buộc. Trong các vấn đề liên quan cấu trúc khu vực, hai nước sẽ tiếp tục phối hợp thúc đẩy các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt như EAS, ARF, ADMM+… bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Hai nước cũng sẽ phối hợp đẩy mạnh liên kết kinh tế ở khu vực, cùng các thành viên khác sớm đưa Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đi vào triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích cho các nước thành viên và toàn khu vực.
Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là dịp để hai bên khẳng định quyết tâm trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới. Nhìn lại những thành quả đạt được trong 45 năm qua, chúng ta hoàn toàn có niềm tin vào tương lai tươi sáng của quan hệ Việt Nam - Singapore trong ngôi nhà chung ASEAN, vì lợi ích của nhân dân hai nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực.
Đẩy mạnh hợp tác giữa các tỉnh, thành phố với các đối tác Singapore Đại sứ Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương vừa có buổi gặp gỡ với Đoàn các địa phương Việt Nam tham dự Hội ... |
Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn thăm và làm việc tại Ấn Độ và Singapore Từ ngày 21-22/6, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thăm làm việc tại Singapore và Ấn Độ. |
Nhiều cơ hội hợp tác mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam - Singapore Thủ tướng bày tỏ mong muốn sự hợp tác của các đối tác Singapore sẽ mang đến cho Việt Nam những kinh nghiệm hay về ... |