📞

Đối thoại Biển lần thứ 7: Cần duy trì trật tự dựa trên luật lệ, ASEAN nên đồng thuận về các quyền đi lại

Hoàng Hương 09:26 | 20/08/2021
Ngày 19/8, Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh quốc và Quỹ Kondras Adenauer Stiftung (KAS) Đức tại Hà Nội tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 7 (trực tuyến) với chủ đề “Đánh giá các vấn đề biển đang nổi lên từ góc độ luật pháp quốc tế”.
Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh quốc và Quỹ Kondras Adenauer Stiftung (KAS) Đức tại Hà Nội tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 7 với chủ đề “Đánh giá các vấn đề biển đang nổi lên từ góc độ luật pháp quốc tế”.

Đối thoại Biển lần thứ 7 thu hút hơn 250 đại biểu là các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội và truyền thông.

Đối thoại là dịp để các bên phân tích cách diễn giải và thực thi luật pháp quốc tế về tự do và an toàn hàng hải; đánh giá hệ lụy và thách thức của tình trạng nước biển dâng từ góc độ luật pháp quốc tế; đồng thời, đây cũng là dịp để các bên chia sẻ thực tiễn của các quốc gia ven biển và đề xuất các giải pháp cho Việt Nam.

Coi trọng an toàn và tự do hàng hải

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh nước biển dâng và an toàn hàng hải không chỉ là vấn đề an ninh mà còn kéo theo nhiều tác động pháp lý, môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới kế sinh nhai của người dân ven biển.

Học viện Ngoại giao mong muốn thúc đẩy đối thoại về các vấn đề pháp lý đang nổi lên, nhằm tăng cường nhận thức, hiểu biết và thống nhất các diễn giải và áp dụng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; qua đó củng cố cơ sở cho các hoạt động hợp tác khu vực. Học viện Ngoại giao cũng hy vọng qua Đối thoại, các bên sẽ đề xuất nhiều sáng kiến phù hợp với luật pháp quốc tế để thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề này.

Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Marcus Winsley nhấn mạnh UNCLOS 1982 là nền tảng cho quản trị đại dương.

Anh quốc coi tự do hàng hải là quan trọng nhất với lợi ích quốc gia bởi thương mại của Anh với châu Á phụ thuộc vào các tuyến đường biển trọng yếu trong khu vực. Anh cũng công nhận quan ngại của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc đảo Thái Bình Dương, về tình trạng nước biển dâng.

Đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam, ông Florian Constantin Feyerabend khẳng định Đức luôn coi trọng thương mại và xuất khẩu, vì vậy coi an toàn và tự do các tuyến thương mại trên biển là lợi ích quan trọng. Đức cũng ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ và cam kết bảo vệ luật pháp quốc tế.

Ông Feyerabend nhấn mạnh Đức lo ngại về tình trạng các tuyến đường biển tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang gặp nhiều thách thức và căng thẳng do các tranh chấp biển tại khu vực ngày một gia tăng.

Hơn 250 đại biểu tham dự Đối thoại Biển lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến.

Nước biển dâng và luật pháp quốc tế

Tham luận tại Đối thoại, nhiều chuyên gia đã chia sẻ thực trạng và tác động của nước biển dâng đối với nhiều quốc gia ven biển trong khu vực và trên thế giới. Nhận thức được tác động và thách thức của hiện tượng này, “nước biển dâng và luật pháp quốc tế” đã trở thành một chủ đề thảo luận trong chương trình làm việc của Ủy ban Luật quốc tế Liên hợp quốc.

Các chuyên gia cho rằng nước biển dâng đặt ra thách thức từ góc độ luật biển quốc tế như làm thay đổi các điểm, đường cơ sở hoặc có thể làm các đảo biến mất, từ đó có thể ảnh hưởng tới biên giới trên biển và tới việc khai thác tài nguyên của các quốc gia tại các vùng biển.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo sự ổn định của luật pháp quốc tế; đồng thời đề xuất các giải pháp và kịch bản nhằm đối phó và thích ứng trước hiện trạng nước biển dâng từ góc độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Theo các học giả, tự do, an toàn và an ninh hàng hải đã được quy định trong nhiều Công ước quốc tế quan trọng như UNCLOS 1982 và các quy định, hướng dẫn trong khuôn khổ của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

Tuy nhiên, xuất phát từ các mục tiêu và lợi ích khác nhau, các quốc gia có nhiều khác biệt trong giải thích và áp dụng các điều khoản về quyền đi lại trên biển như quyền đi lại không gây hại của tàu quân sự tại lãnh hải, hoạt động quân sự tại vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển…

Đối thoại Biển là một trong các chương trình hợp tác quốc tế trọng tâm của Học viện Ngoại giao.

Các học giả bày tỏ sự quan tâm tới Biển Đông, nơi giao thoa của các tuyến đường biển quan trọng và nêu quan ngại về các yêu sách vùng biển thái quá, trái với UNCLOS 1982 và Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông, đe doạ hạn chế tự do hàng hải ở vùng biển này. Các học giả đề xuất cần tiếp tục duy trì một trật tự dựa trên luật lệ trên biển tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ASEAN nên thiết lập quan điểm chung về các quyền đi lại trên biển.

Đối thoại Biển là một trong các chương trình hợp tác quốc tế trọng tâm của Học viện Ngoại giao. Đến nay, Học viện đã tổ chức thành công 7 Đối thoại và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đại biểu tham dự.

Nhiều ấn phẩm chất lượng đã được đăng tải từ các nội dung Đối thoại, liên quan tới hợp tác nghề cá, quản trị biển ở Biển Đông, xử lý rác thải nhựa, tăng cường hợp tác ASEAN về Biển Đông, chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững của EU.