📞

Đối thoại giữa đại diện tôn giáo hai miền Triều Tiên

17:43 | 11/11/2015
Trong hai ngày 10-11/11, đại diện các tôn giáo hai miền Triều Tiên đã gặp gỡ trong chương trình “Đối thoại hòa bình”.
Giao lưu dân sự hai miền Triều Tiên ngày càng được đẩy mạnh. (Nguồn: Mironline)

Theo Đài Phát thanh Quốc tế Hàn Quốc (KBS), sự kiện này được tổ chức tại khu du lịch nghỉ dưỡng núi Gumkang (Triều Tiên), nơi diễn ra nhiều hoạt động dân sự giữa hai bên vĩ tuyến 38.

Dẫn đầu phía miền Bắc tham dự "Đối thoại hòa bình" lần này là ông Kang Ji-yong, Chủ tịch Hiệp hội Tôn giáo Triều Tiên, kiêm Chủ tịch Ủy ban trung ương Hiệp hội công giáo Triều Tiên. Trong khi đó, đoàn Hàn Quốc do nhà sư Jo Kye-jong, Viện trưởng Tổng vụ, dẫn đầu.

Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), trong cuộc đối thoại, các đại biểu đến từ hai miền Triều Tiên đã đề cập đến các vấn đề như tự chủ thống nhất và cải thiện quan hệ hai miền Nam - Bắc, ủng hộ các tuyên bố chung hai miền Triều Tiên, coi đây là con đường đi đến hòa bình và phồn vinh.

Các đại biểu cũng bày tỏ hưởng ứng cuộc vận động ái quốc rộng rãi nhằm tiến tới thống nhất và hòa bình, đoàn kết và hòa giải dân tộc.

Đây là lần đầu tiên các đoàn tôn giáo Hàn Quốc đến Triều Tiên sau 4 năm kể từ dịp tổ chức “Lễ cầu nguyện chung và gặp mặt tôn giáo hai miền Nam - Bắc” tại Bình Nhưỡng năm 2011.

Sự kiện trên tiếp tục cho thấy hoạt động giao lưu dân sự hai miền ngày càng có nhiều dấu hiệu tích cực với các cuộc tiếp xúc thường xuyên. Phần lớn là nhờ kết quả của thỏa thuận hồi tháng Tám giữa Seoul và Bình Nhưỡng về việc làm dịu tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và cải thiện mối quan hệ liên Triều.

Hàn Quốc có khoảng 48 triệu dân, trong đó khoảng 46% không theo tôn giáo nào. Người theo đạo Cơ đốc chiếm 29,2% dân số (trong số đó là đạo Tin Lành 18,3%, Công giáo 10,9%) và 22,8% là Phật tử. 1% là tín đồ đạo Khổng, 1% còn lại theo các tôn giáo khác.

Triều Tiên có 26 triệu dân, với khoảng 64,3% không theo tôn giáo nào, số lượng tín đồ Shaman giáo truyền thống chiếm 16%, Thanh Đạo giáo là 13,5%, Phật giáo chiếm 4,5% dân số và 1,7% là người theo Công giáo.

Nguyên Dũng (tổng hợp)