TIN LIÊN QUAN | |
"Mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc" mới của Mỹ | |
Đối thoại Shangri-La 2016: "Nóng" vấn đề Biển Đông |
Biển Đông là tâm điểm
Ngay trước khi Đối thoại diễn ra, đã xuất hiện thông tin trên báo chí Trung Quốc về khả năng nước này áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông để phản ứng phán quyết của PCA. Báo chí Singapore cũng đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Singapore đã lên máy bay do thám P8- Poseidon để quan sát Biển Đông ngay trước thềm Đối thoại.
Mặc dù có tên là Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 15, có thể nói nội dung Đối thoại lần này bị vấn đề Biển Đông lấn át. Những nội dung khác được đề cập như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, các vấn đề an ninh phi truyền thống như di cư, an ninh mạng ... đều trở nên mờ nhạt. Các phiên họp có chủ đề rộng lớn như “theo đuổi mục tiêu an ninh chung”, “những thách thức đối với giải quyết xung đột”... đều xoay quanh vấn đề Biển Đông, mặc dù vẫn đề cập đến những thách thức khác đang nổi lên trong khu vực.
Thông thường, bài phát biểu của người đứng đầu một quốc gia vào bữa tiệc tối khai mạc nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, tại Đối thoại lần này, bài phát biểu của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha dường như bị lọt thỏm trước những bài phát biểu của các nước khác cũng như nội dung thảo luận hết sức sôi nổi trong các phiên họp tiếp theo.
Trong bài phát biểu của mình, ông Chan-ocha cũng đề cập đến vấn đề Biển Đông với thái độ tích cực, nhưng cơ bản không có gì mới so với lập trường từ trước của Thái Lan. Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh, ASEAN cần thống nhất về vấn đề Biển Đông bởi an ninh, an toàn hàng hải tại khu vực này sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Tuy nhiên, ASEAN đang đứng trước thách thức lớn khi giải quyết vấn đề này bởi “sự thiếu vắng một cấu trúc cân bằng thích hợp”, theo ông Chan-ocha.
Mỹ lên gân với Trung Quốc
Tại Đối thoại năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Mỹ, Anh, Pháp và Ấn Độ đã cùng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông - tuyến đường vận tải huyết mạch của thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã kêu gọi các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng nhau xây dựng một “mạng lưới an ninh có nguyên tắc”- bao gồm các đối tác song phương, ba bên và đa phương để nâng cao các giá trị chung và đơn giản hóa việc chia sẻ tài nguyên. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng cảnh báo rằng Trung Quốc đang xây dựng một “Vạn lý trường thành tự cô lập chính mình” trong những tranh chấp ở Biển Đông.
Đáng chú ý, ông Carter đã cảnh báo Trung Quốc về hành vi của nước này ở Biển Đông và cho rằng bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm cải tạo bãi cạn Scarborough trên vùng biển tranh chấp sẽ dẫn tới nhiều hậu quả. Ông Carter nhấn mạnh: “Tôi hy vọng việc này sẽ không xảy ra, bởi nó sẽ dẫn tới việc Mỹ và các nước khác trong khu vực tiến hành các hành động sẽ không chỉ làm gia tăng căng thẳng mà còn gây cô lập Trung Quốc. Mỹ sẽ vẫn là quân đội hùng mạnh nhất và là nhân tố chính yếu đảm bảo an ninh khu vực trong nhiều thập kỷ tới”.
Trong khi đó, trước sức ép từ một số Bộ trưởng Quốc phòng về lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc phát biểu rằng nước này không gây ra rắc rối song cũng không sợ những rắc rối. Trong phiên họp toàn thể ngày 5/6, Đô đốc Tôn nói rằng: “Một số cá nhân và quốc gia đang nhìn nhận Trung Quốc với tâm lý và định kiến thời Chiến tranh Lạnh. Họ có lẽ đang xây dựng một bức tường trong tâm trí và cuối cùng tự cô lập chính mình”.
Giới chuyên gia cho rằng, những tuyên bố như vậy chỉ đang làm khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rộng hơn. Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận im lặng trước các hành động của Trung Quốc có thể đe dọa đến tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, và nguy cơ xung đột có thể sẽ gia tăng.
Tình hình có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn khi PCA sắp ra phán quyết. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain đã có những động thái gây sức ép với các đồng minh nhằm ủng hộ phán quyết sắp tới của PCA, đồng thời chuẩn bị những hành động thiết thực để buộc Trung Quốc phải chấp hành quyết định này.
Hiện nay, Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất cần những kênh liên lạc song phương, đa phương quan trọng để tháo gỡ vấn đề, ngăn chặn xung đột. Tuy nhiên, những diễn đàn như Đối thoại Shangri-La dường như vẫn còn quá nhỏ cho cuộc so kè giữa những người khổng lồ này.
Bế mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 Sau 3 ngày thảo luận, Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 đã bế mạc chiều nay (5/6) tại Singapore. |
Singapore: Cần giải quyết khủng bố một cách dứt khoát “Hoạt động khủng bố thực sự có thể gây bất ổn định khu vực nếu không được giải quyết dứt khoát và trên tinh thần ... |
Nhật Bản giúp các nước Đông Nam Á tăng cường năng lực tại Biển Đông Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 (Singapore). |