Những tuần qua, cả đất nước Ấn Độ hỗn loạn bởi quyết định đổi tiền. Theo giới phân tích, Ấn Độ sẽ không chỉ phải lên kế hoạch xử lý núi tiền vô giá trị khổng lồ, toàn tiền mệnh giá 500 và 1.000 Rupee, vốn chiếm tới 86% số tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế đông dân thứ 2 thế giới.
Không chỉ có vậy, quyết định này còn khiến nền kinh tế phát triển "nóng" nhất thế giới chững lại, có thể suy giảm ít nhất 1% tốc độ tăng trưởng, vốn đang ở mức 7,1%. Nếu suy đoán của các nhà phân tích chính xác, Ấn Độ sẽ nhanh chóng đánh mất danh hiệu quốc gia tăng tưởng mạnh nhất thế giới, sau nỗ lực soán ngôi Trung Quốc.
Trên thực tế, tác động ngắn hạn tới nền kinh tế đã thấy rõ, còn ảnh hưởng lâu dài còn tùy thuộc vào quãng thời gian mà cuộc khủng hoảng tiền tệ này được khống chế. Hiện chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ sớm kết thúc. Theo Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RDI), hơn 5.000 tỷ Rupee (khoảng 74 tỷ USD) đã bị rút khỏi nền kinh tế sau thông báo đột ngột của Thủ tướng Narendra Modi hôm 8/11. Cho đến nay, khoảng 1.000 tỷ Rupee đã được thay thế bởi những tờ 500 và 2.000 Rupee mới. Tuy nhiên, loại tiền tệ này chưa đồng bộ với các máy ATM, nên các ngân hàng phải cần vài tuần để trang bị máy mới.
Chính phủ Ấn Độ cho người dân 50 ngày để đổi tiền cũ sang tiền mới. Tuy nhiên, thời hạn đó chưa đủ để người dân hết sốc. Được coi là điển hình của nền kinh tế tiền mặt, sự kiện này thực sự gây chấn động, vì làm thay đổi hoàn toàn thói quen của gần 1 tỷ dân. Nhìn chung, hoạt động thu đổi tiền diễn ra suôn sẻ, song tình trạng chen lấn xô đẩy vẫn diễn ra ở một vài nơi do sự sốt ruột của dân chúng.
Tình trạng chen lấn xô đẩy vẫn diễn ra ở một vài địa điểm đổi tiền do sự sốt ruột của dân chúng. (Nguồn: AFP) |
Mặc dù Thủ tướng Modi cam kết tình hình sẽ trở lại bình thường vào cuối năm nay, nhưng cựu cố vấn kinh tế cho Chính phủ - ông Saumitra Chaudhuri ước tính sẽ phải mất ít nhất 6 tháng mới có thể thay thế hết số tiền bị hủy bỏ lưu hành. Các nhà phân tích cho rằng, tại một đất nước quá phụ thuộc vào tiền mặt như Ấn Độ, nếu muốn xử lý nghiêm túc vấn đề này thì bất ổn kinh tế là không thể tránh khỏi. Theo Giáo sư Eswar S. Prasad của Đại học Cornell, trong một nền kinh tế thị trường mới nổi như Ấn Độ, nơi mà tham nhũng đã bắt rễ sâu và lâu dài, không có cách nào để thực hiện cải cách mà không có sự gián đoạn đáng kể nền kinh tế trong ngắn hạn.
Chịu ảnh hưởng bởi đợt đổi tiền, đồng Rupee của Ấn Độ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục so với USD. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, đây được coi là quyết định mạnh tay của Chính quyền Thủ tướng Modi nhằm ngăn chặn trốn thuế và rửa tiền, là khối “ung nhọt” vốn tồn tại lâu nay trong nền kinh tế lớn thứ hai châu Á. Theo các nhà phân tích, nếu xét về lâu dài, quyết định này có thể có lợi cho nền kinh tế.
Nhà kinh tế Ấn Độ tại Capital Economics Shilan Shah tin tưởng rằng, “các ảnh hưởng tiêu cực trong nền kinh tế có thể suy giảm sau khi việc đổi tiền hoàn tất. Những tác động xấu cũng sẽ được cải thiện. Trong dài hạn, quyết định của Thủ tướng Modi sẽ có tác dụng khá tích cực và phản ánh quyết tâm chống tham nhũng của Chính phủ”.
- Để trấn áp tham nhũng và buộc lộ diện các khoản tiền trốn thuế đang được che giấu trong “nền kinh tế đen” của Ấn Độ, ngày 8/11 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đột ngột tuyên bố hủy bỏ lưu hành hai tờ tiền có mệnh giá lớn nhất và phổ biến nhất là 500 và 1.000 Rupee (khoảng 7,3-14,7 USD) sang hai đồng tiền mới có mệnh giá 500 Rupee và 2.000 Rupee. - Chính phủ Ấn Độ cho phép người dân có thể đổi tối đa 4.000 Rupee/ngày; được rút từ ngân hàng và máy ATM không quá 10.000 Rupee mỗi ngày và không quá 20.000 Rupee/tuần. - Mỗi người dân có thể được đổi tổng cộng 250.000 Rupee (khoảng 3.700 USD) từ đồng 500 và 1.000 Rupee sang các tờ tiền có mệnh giá nhỏ hơn mà không phải nộp thuế. |