Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và than của Nga. (Nguồn: Getty) |
Vào ngày thứ mười ba của cuộc xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và than của Nga, bất chấp giá năng lượng cũng đang tăng nhanh tại quốc gia này.
Bằng cách “nhắm mục tiêu vào huyết mạch chính của nền kinh tế Nga”, quyết định của Tổng thống Biden là đòn đáp trả mới nhất của Washington với Moscow khi nước này vốn đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của quốc tế trong hai tuần gần đây.
Sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và châu Âu đã nhanh chóng loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), thường được gọi là “lựa chọn hạt nhân” về kinh tế.
Đồng thời, Ngân hàng Trung ương Nga bị hạn chế giao dịch và đóng băng tài sản. Các chuyến bay của Nga cũng bị cấm bay vào không phận của Mỹ, Canada và châu Âu. Bên cạnh đó, các quốc gia châu Âu thành lập một lực lượng đặc nhiệm của Bộ Tư pháp để thu giữ tài sản của các nhà tài phiệt Nga.
Hiện tại, đồng Ruble của Nga đã mất 40% giá trị so với đồng USD, trong khi lãi suất tăng lên 20%, buộc Moscow phải áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn và dẫn đến hình ảnh người dân Nga xếp hàng dài chờ rút tiền.
Theo trang tin Axios (Mỹ), Nga hiện là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, vượt qua cả Iran. Tuy nhiên, cho đến nay, các biện pháp trừng phạt của phương Tây, mà Tổng thống Nga Vladimir Putin nói là “giống như một lời tuyên chiến”, đã không cản bước được Moscow.
Kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga
Lệnh cấm nhập khẩu từ Mỹ chỉ là khởi đầu cho một loạt động thái tiếp theo từ các quốc gia khác. Anh đã cam kết ngừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thông báo kế hoạch chưa từng có để cắt giảm 2/3 lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Nga trong vòng một năm và loại bỏ sự phụ thuộc khu vực vào than và dầu từ Moscow. Đây là một bước tiến lớn đối với EU bởi khu vực này hiện nhập khẩu 45% khí đốt, 1/3 dầu và gần một nửa than từ Nga và phải cân bằng chương trình nghị sự của các thành viên khác nhau như Đức và Hungary.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố: “Chúng ta phải độc lập khỏi dầu mỏ, than đá và khí đốt của Nga. Chúng tôi không thể dựa vào một nhà cung cấp đã đe dọa chúng tôi một cách rõ ràng”.
Hiển nhiên, không chỉ châu Âu phải đối diện với những tác động tích cực khi cấm vận kinh tế Nga. Ngay cả trước khi Tổng thống Biden quyết định cấm nhập khẩu năng lượng từ Moscow, tỷ lệ lạm phát và giá khí đốt tại Mỹ đang ở mức cao chưa từng thấy trong hàng thập kỷ.
Mặc dù chỉ 8% lượng dầu khí nhập khẩu của Mỹ là từ Nga, Tổng thống Biden vẫn cảnh báo về sự gián đoạn hơn nữa đối với nền kinh tế Mỹ. Theo đó, kể từ biên giới Nga-Ukraine căng thẳng, giá khí đốt tại trạm bơm ở Mỹ đã tăng 0,75 USD. Và với các diễn biến tiếp theo, mức tăng này chắc chắn sẽ còn lớn hơn nữa.
Trước tình hình này, Tổng thống Biden đưa ra lời cam kết làm mọi thứ để có thể giảm được việc tăng giá năng lượng tại Mỹ. Ông tuyên bố sẽ cùng 30 quốc gia khác giải phóng 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ dầu mỏ chiến lược để “đảm bảo một nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu đáng tin cậy”.
Tỷ lệ lạm phát và giá khí đốt tại Mỹ đang ở mức cao chưa từng thấy trong hàng thập kỷ. (Nguồn: Indiatimes) |
Tìm đến các đối tác năng lượng
Cam kết của Tổng thống Joe Biden trong việc thay thế nguồn năng lượng từ Nga đã tạo ra một chiến lược ngoại giao giữa Washington với một số quốc gia sản xuất dầu, bao gồm Qatar, Saudi Arabia, Venezuela và Iran.
Ngày 31/1, Tổng thống Biden đã gặp Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani tại Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận cho câu hỏi liệu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar có thể được cung cấp cho châu Âu hay không nếu Nga ngừng xuất khẩu năng lượng.
Mặc dù có thể chấp nhận các đề xuất của Tổng thống Mỹ, Quốc vương Al-Thani cũng lưu ý rằng một mình Doha không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu, cũng như họ cần phải thực hiện cung cấp cho những hợp đồng đã được ký kết với những đối tác ở châu Á.
Ông Geoffrey Kemp, Giám đốc cấp cao phụ trách các chương trình an ninh khu vực tại Trung tâm National Interest, nhấn mạnh rằng việc mua bán khí đốt không giống dầu mỏ. Dầu có thể được bán tại chỗ, ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, có thể được chuyển trên biển hoặc được hay vận chuyển bằng đường bộ.
Chi phí vận chuyển và hậu cần cao làm cho các giao dịch LNG trở nên phức tạp và do đó, hợp đồng dài hạn là cách tối ưu nhất kể cả từ góc nhìn của người mua và người bán.
Các chuyên gia phân tích trong ngành ước tính rằng chỉ có 8-10% LNG của Qatar đủ điều kiện để chuyển hướng sang châu Âu và Doha vẫn chưa bắt đầu thảo luận với các khách hàng châu Á để cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu. Rõ ràng, riêng mình Qatar sẽ không thể hỗ trợ phương Tây thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng.
Đồng thời, Tổng thống Biden cũng đẩy mạnh ngoại giao với Saudi Arabia, một đồng minh của Mỹ và là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai đồng minh dường như đã trở nên lạnh nhạt dưới thời ông Biden.
Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Quốc vương Saudi Arabia ngày 9/2, nhà lãnh đạo của vương quốc dầu mỏ nhấn mạnh khẳng định vai trò của thỏa thuận giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Những tuyên bố gần đây của các quan chức OPEC+ rằng các chính sách của khối “không liên quan gì đến nguồn cung thiếu hụt”, cho thấy lời mời gọi của Tổng thống Biden có khả năng thất bại.
Bên cạnh đó, Venezuela, một đối tác gắn bó của Nga và đang phải chịu những lệnh cấm vận kinh tế từ Mỹ, cũng đang là một trong những mục tiêu của ông Biden. Trong các cuộc đàm phán vừa qua với Mỹ, Venezuela đã thể hiện sự nhiệt tình trong việc tái thiết và tăng sản lượng dầu. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden đang phải đối mặt với vô số chỉ trích của lưỡng đảng về sự bắt tay hợp tác này.
Đối với Iran, các cuộc đàm phán với quốc gia này về Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) vốn đã phức tạp nay lại thêm nhiều rào cản bởi quan hệ Nga-Mỹ.
Ngày 5/3, các quan chức Nga đã yêu cầu Mỹ đảm bảo các lệnh trừng phạt của phương Tây không cản trở thương mại của Moscow với Iran sau khi JCPOA được khôi phục. Nga quan tâm đến việc ngăn chặn Iran đạt được vũ khí hạt nhân, đồng thời tin tưởng vào các hợp đồng mua vũ khí từ Nga cùng với ký kết các thỏa thuận thương mại và an ninh khác nhau.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau đó cũng khẳng định các biện pháp trừng phạt đã được đưa ra đối với Nga không liên quan gì đến thỏa thuận hạt nhân Iran và triển vọng quay trở lại thỏa thuận.
Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, nếu Tehran và Washington gia nhập JCPOA và các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ, Iran sẽ đạt công suất sản xuất dầu tối đa trong vòng 1-2 tháng.
Bởi Iran có trữ lượng dầu lớn thứ tư thế giới, sản lượng bổ sung của Iran có thể giúp ổn định thị trường dầu. Nếu JCPOA đạt được kết quả tốt, thị trường năng lượng thế giới chắc chắn sẽ có khởi sắc.