Khi bắt tay vào công việc dẹp loạn vỉa hè, ông tuyên bố: nếu không làm được sẽ “cởi áo về vườn”.
Ngôn ngữ ông dùng, công việc ông làm, phong cách ông xuống đường và cách ông viết đơn đều dứt khoát, giản dị như chính con người, gương mặt của ông. Khi cùng các đồng sự lao vào cuộc chiến giành lại vỉa hè, lòng đường – tài sản của Nhà nước, của nhân dân đang bị chiếm đoạt, sử dụng trái luật, ông có một niềm tin chắc chắn sẽ thành công, dù biết đó là “nhiệm vụ bất khả thi”.
ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP. Hồ Chí Minh. |
Trong suốt thời gian dẫn đoàn quân ra trận, ông gần như dồn tâm lao vào công việc, với sự mạo hiểm cả sinh mệnh chính trị, thậm chí cả tính mạng của mình và sự an nguy của gia đình. Ông sẵn sàng đánh đổi để có được kết quả tốt đẹp cho người dân, góp phần xây dựng văn minh thành phố.
Khi “thổi tù và hàng tổng” giúp mang lại lợi ích chung cho đa số thì ông bị một nhóm thiểu số có lợi ích trực tiếp và gián tiếp hành hung, uy hiếp, hạ nhục. Mặc kệ, ông không nản chí, vẫn tin rằng phía sau có cả một bộ máy, một thể chế đầy quyền lực, bên phải là đoàn thể, bên trái có lòng dân, chỉ còn phía trước là khoảng trống. Tuy nhiên, nhiều sự việc đã không theo ước vọng của ông. Ông giống một chiến tướng cầm quân ra trận đối mặt với bao khó khăn, đơn thương độc mã.
Ở đâu đó, người ta chờ đợi sẽ có nhiều người như ông giúp họ đòi lại chủ quyền giao thông, chống lại cái mác “văn hóa vỉa hè” để chiếm đoạt vỉa hè quốc gia thành sân riêng. Ở giữa con đường, khi ông nhận được sự cảm thông, lời xin lỗi danh dự của người thợ cắt tóc trên vỉa hè từng trút giận vào ông, nhắn tin đe dọa ông thì ông đột ngột “ghìm cương, hạ mã”. Có người hoài nghi, có kẻ được dịp dè bỉu, nhiều người ngợi ca…
Những cảm xúc, tình cảm con người cứ đan xen lẫn lộn đến nỗi người ngoài còn cắn rứt hơn bản thân ông. Có người nói, ông dừng lại giữa chừng do không còn được khích lệ phía sau, không nhận được sự ủng hộ. Rằng, ông đang là kẻ "một mình một ngựa" giữa chiến trận giành lại vỉa hè.
Ông lựa chọn cách làm “người tử tế”, không cố thủ tham quyền vì nó không mang lại những điều tốt đẹp hơn cho bản thân. Có người cho rằng ông thất bại, đã hụt hơi, trốn tránh sự thật. Nhưng chắc chắn, không thể nói là chỉ mình ông có lỗi. Không còn tiếng kèn xung trận, không tiếp viện, cũng chẳng tiếp lương, chiến lợi phẩm thu được lại bị truy hồi về chủ cũ.
Vỉa hè của nhân dân lại thuộc về… dân. Cuộc chiến ấy thắng cũng như không, vậy thì ông không thể mãi là kẻ đơn độc. Quyết định từ chức của ông giống như sự “hoàn thương” giữa trận tiền vì thấy có lỗi trước nhân dân như cách ông giãi bày.
Ông từ chức cũng là lúc người ta thấy cần ông. Nhưng đó là điều cần thiết, ít nhất trong lúc này, khi ông không còn được khích lệ hay trợ giúp đi tiếp con đường ấy. Cái cần giữ chính là nhân cách sống, lòng tự trọng, đức tính liêm sỉ - thứ sở hữu đáng có của một quan chức mọi thời.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
(Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)