Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tạm thời kiểm soát tài sản của hai công ty châu Âu tại Nga. (Nguồn: Sputnik) |
Đòn ‘có đi có lại’
Sắc lệnh có hiệu lực ngay từ ngày 25/4, đưa toàn bộ tài sản của các quốc gia không thân thiện, bao gồm chứng khoán và cổ phần trong vốn điều lệ của các công ty Nga, vào diện quản lý hành chính tạm thời để đáp trả hành động tịch thu tài sản của Moscow ở nước ngoài.
Ở động thái trả đũa mới nhất này, phía Nga cho biết rõ, quyết định trên nhằm đề phòng trường hợp xảy ra những hành động “không thân thiện” hoặc xuất hiện “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, kinh tế, năng lượng và các loại hình an ninh khác”, cũng như năng lực quốc phòng của Nga. Sắc lệnh cũng sẽ được áp dụng tùy từng trường hợp và không tương đương với việc sung công.
Điểm nổi bật trong sắc lệnh là động thái thiết lập quyền kiểm soát tạm thời của Nga đối với hai công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của châu Âu. Theo đó, Moscow sẽ tạm thời nắm quyền kiểm soát tài sản của Tập đoàn năng lượng Phần Lan Fortum và công ty con trước đây của Đức là Uniper để trả đũa cho cái mà họ gọi là chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản của Nga ở nước ngoài.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với giới truyền thông rằng, sắc lệnh không liên quan đến quyền sở hữu mà chỉ liên quan đến quyền quản lý tài sản, không tước đoạt tài sản của chủ sở hữu vì việc quản lý chỉ là tạm thời và chỉ có nghĩa là chủ sở hữu ban đầu không còn quyền đưa ra quyết định quản lý. Ông Peskov cho biết, biện pháp này có thể được mở rộng sang các tài sản khác nếu cần thiết.
"Sắc lệnh được thông qua là một phản ứng đáp trả của Nga đối với các hành động gây hấn của các quốc gia không thân thiện", ông Peskov nói. Theo đó, mục đích chính của sắc lệnh là thành lập một quỹ bồi thường để có thể áp dụng các biện pháp có đi có lại nhằm đối phó với việc chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản của Nga ở nước ngoà”.
Bộ trưởng sắp mãn nhiệm của Phần Lan phụ trách phần tài sản nhà nước nắm giữ Tytti Tuppurainen đã tweet rằng, thông tin này rất đáng lo ngại và với tư cách là chủ sở hữu đa số của Fortum, họ sẽ theo dõi vấn đề chặt chẽ.
Moscow đã tức giận và phản ứng trước các báo cáo rằng, Nhóm G7 đang xem xét lệnh cấm xuất khẩu gần như hoàn toàn sang Nga, trong khi nhiều người kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn để hạn chế nguồn tiền mà Moscow chi cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Uniper hiện sở hữu 83,73% Unipro, công ty vận hành 5 nhà máy điện với tổng công suất hơn 11 Gigawatt ở Nga và khoảng 4.300 nhân viên. Trong khi, bộ phận Nga của Fortum có 7 nhà máy nhiệt điện ở vùng Ural và Tây Siberia và một danh mục các nhà máy năng lượng mặt trời và gió ở Nga cùng với các đối tác liên doanh địa phương. Giá trị sổ sách của những tài sản đó vào khoảng 1,7 tỷ Euro (1,87 tỷ USD) vào cuối năm 2022.
Fortum thuộc sở hữu đa số của Phần Lan, quốc gia đã gia nhập liên minh quân sự NATO vào đầu tháng này - một động thái mà Moscow gọi là một “sai lầm nguy hiểm”. Bộ Ngoại giao cho biết, Phần Lan sẽ không bình luận ngay lập tức về quyết định của Nga có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước như thế nào. "Hiểu biết hiện tại của Fortum là sắc lệnh mới không ảnh hưởng đến quyền sở hữu (quyền sở hữu đã đăng ký) của tài sản và công ty của họ ở Nga", đại diện Fortum tuyên bố.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ điều này ảnh hưởng như thế nào, tới các hoạt động của Fortum tại Nga hoặc quá trình thoái vốn đang diễn ra. Cả hai công ty đã và đang cố gắng rời khỏi Nga.
Giơ cao đánh khẽ?
Cổ phiếu của hai thực thể trên được đặt dưới sự kiểm soát tạm thời của Cơ quan Quản lý tài sản nhà nước Liên bang Nga (Rosimushchestvo). Các giám đốc điều hành mới đã được bổ nhiệm, gồm Vasily Nikonov tại Unipro và Vyacheslav Kozhevnikov tại Fortum ở Nga, cả hai người đều được điều chuyển từ các công ty dầu mỏ của Nga theo lệnh của Rosimushchestvo.
Ngân hàng nhà nước Nga (VTB) tuần này tư vấn, Moscow nên xem xét việc tiếp quản và quản lý tài sản của các công ty nước ngoài như Fortum, chỉ trả lại khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, sắc lệnh quy định rõ, việc bán tài sản của các nhà đầu tư từ các quốc gia "không thân thiện" - theo cách gọi của Moscow đối với những quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga - cần phải có sự chấp thuận của Ủy ban chính phủ và trong một số trường hợp phải được sự đồng ý của tổng thống.
Dù sao, động thái của Moscow tạo ra một "cơn đau đầu" mới cho các công ty đang cố gắng di dời khỏi Nga. Các công ty có cổ phần trong các dự án năng lượng và ngân hàng đã phải đối mặt với các lộ trình rút lui nghiêm ngặt hơn. Wintershall Dea - công ty vẫn nắm giữ cổ phần trong một số liên doanh của Nga với Gazprom, gọi các chính sách của Moscow là "không thể đoán trước" và "không đáng tin cậy".
Năm ngoái, Moscow đã tạo ra một danh sách gọi là "các quốc gia không thân thiện", đưa vào đó các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác đã đưa ra hoặc hỗ trợ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và các tập đoàn của nước này để đáp trả chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.
Các quốc gia thuộc EU và Mỹ được cho là đã thảo luận về các cách để đẩy nhanh việc phân bổ và bán các tài sản liên quan đến Nga vẫn bị đóng băng kể từ tháng 2/2022 - khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tiền thu được từ những vụ mua bán như vậy dự định được dành để hỗ trợ các nỗ lực tái thiết Ukraine. Trong khi đó, Đức cũng đã quốc hữu hóa một bộ phận trước đây của gã khổng lồ năng lượng Nga Gazprom vào năm ngoái.
Chỉ riêng ở Mỹ, khoảng 300 tỷ USD ngoại tệ do Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ được cho là đã bị đóng băng, trong khi châu Âu đã tăng cường nỗ lực xác định và định vị các tài sản của Nga trên khắp lục địa.
Giới quan sát cũng có người cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh mở đường cho Moscow tịch thu tài sản do các công ty phương Tây nắm giữ ở nước này.
Hàng trăm công ty phương Tây đã rút khỏi hoàn toàn hoặc thu hẹp hoạt động ở Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Họ đã chuyển lợi ích cho các đối tác cũ của Nga hoặc bị tịch thu lợi ích theo lệnh hành pháp.
Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có Uniper của Đức và Fortum của Phần Lan được chứng kiến quyền lợi vốn chủ sở hữu của họ trong hai công ty điện lực của Nga được đặt dưới sự ủy thác của chính quyền, nhưng các lệnh sung công tiếp theo có thể được ban hành dưới quyền lực của sắc lệnh hiện có.
Các công ty Sodeco, Mitsui và Mitsubishi của Nhật Bản cũng đã đồng ý với lời đề nghị của Điện Kremlin về việc lấy lại cổ phần tương ứng của họ trong các dự án Sakhalin 1 và Sakhalin 2 sau khi nhà nước Nga sung công tài sản của dự án.