📞

Dòng chảy Kpop trong Hallyu

14:00 | 23/11/2019
TGVN. Khi nhắc đến Hallyu không thể bỏ qua Kpop, ngành công nghiệp âm nhạc hàng đầu của xứ sở Kim chi có độ phủ sóng rộng khắp thế giới.
Nhóm nhạc Big Bang chụp ảnh cùng người hâm mộ trong một concert ở Nhật Bản. (Nguồn: Twitter)

Hơn hai thập kỷ qua, khái niệm Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) đã trở nên quen thuộc trên thế giới. Theo Quỹ Hàn Quốc, năm 2018 có khoảng 89 triệu người hâm mộ Hallyu trên toàn thế giới với 1.843 câu lạc bộ. Số lượng người hâm mộ tăng 22% so với năm 2017.

Tầm ảnh hưởng lớn

Trên thực tế, mọi người rất khó bỏ qua Kpop với những giai điệu tuyệt vời, cùng vũ đạo sôi động và hấp dẫn. Điển hình như Gangnam Style của Psy đã trở thành hiện tượng trên toàn cầu, là video âm nhạc (MV) đầu tiên đạt 1 tỷ lượt xem trên YouTube.

Hay MV Kill This Love của BLACKPINK đã phá vỡ kỷ lục YouTube trước đó của nữ ca sỹ Ariana Grande, với 56,7 triệu lượt xem trong 24 giờ đầu tiên. MV Next của 4 cô gái tài năng này cũng đạt con số 55,4 triệu lượt xem trong ngày đầu tiên. Tuy nhiên, kỷ lục này lại bị đánh bại một tuần sau đó bởi MV Boy With Luv của BTS với 74,6 triệu lượt xem trong một ngày.

Năm 2017, BTS lần đầu tiên trở thành tiêu điểm quốc tế khi họ đánh bại Justin Bieber, Shawn Mendes, Ariana Grande và Selena Gomez để giành Giải thưởng Nghệ sĩ xã hội hàng đầu Billboard Music. Năm 2018, việc tiếp tục chiến thắng ở giải thưởng này khẳng định tầm ảnh hưởng thế giới của nhóm nhạc này nói riêng và Kpop nói chung.

Ngoài ba cái tên trên, còn rất nhiều nhóm nhạc, nghệ sỹ của Hàn Quốc đã tạo ra xu hướng toàn cầu như Big Bang, TVXQ, 2NE1, EXO….

Công thức thành công

Nhắc tới sự thành công của Kpop, không thể không kể đến các chính sách hỗ trợ cùng nguồn ngân sách đầu tư lớn của Chính phủ Hàn Quốc trong việc tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí (trong đó có âm nhạc) phủ sóng trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này huy động tất cả các ngành công nghiệp khác để duy trì và phát triển Hallyu.

Chẳng hạn, việc Hàn Quốc thành lập hơn 30 Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại trên 25 quốc gia khắp Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi để quảng bá Hallyu. Hay việc tài trợ 20-30% quỹ đầu tư 1 tỷ USD dành để “nuôi dưỡng” và xuất khẩu văn hóa đại chúng.

Chất lượng nghệ sỹ cũng là nhân tố quyết định thành công. Các công ty quản lý tìm kiếm tài năng thông qua các cuộc thi hoặc mạng xã hội. Ngay sau đó, những ngôi sao này phải trải qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt về khả năng ca hát, nhảy múa, diễn xuất và ngoại ngữ trong thời gian dài.

Song hành với việc đào tạo nghệ sỹ, các công ty này cũng luôn nghiên cứu, thay đổi nhiều loại hình sản phẩm và thể loại khác nhau, xây dựng các nhóm nhạc thần tượng với phong cách khác biệt và tiếp tục tạo ra nghệ thuật sáng tạo và các xu hướng.

Việc gặt hái nhiều thành công trên thị trường âm nhạc quốc tế cũng đòi hỏi các công ty giải trí thu âm các bài hát nhiều phiên bản bằng tiếng bản địa như Trung, Nhật, Anh… để các sản phẩm dễ hiểu và đến gần hơn với người hâm mộ quốc tế.

Cuối cùng, sự thành công của Kpop không thể thiếu sự hỗ trợ của các nền tảng phát trực tuyến như YouTube, Spotify và Apple Music… Nhờ các ứng dụng này, những bài hát hấp dẫn, giai điệu sôi động, vũ đạo sắc sảo, phong cách ấn tượng và ngoại hình thu hút của các thần tượng Hàn Quốc đã được hàng tỷ người trên thế giới biết đến.

Nhóm nhạc BTS tại lễ trao giải âm nhạc Billboard 2018 ở Las Vegas. (Nguồn: Getty Images)

Lợi ích kinh tế

Ba công ty hàng đầu Kpop (Big 3) gồm SM, JYP và YG đều có giá trị hàng tỷ USD. Theo một báo cáo năm 2017 của Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, việc xuất khẩu Kpop đã khiến quy mô ngành công nghiệp âm nhạc nước này lên đến 5 tỷ USD. Từ đầu năm 2018 cho đến thời điểm hiện tại, ước tính Hallyu (trong đó có Kpop) đã mang về 15 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hyundai, với mỗi 1% tăng trưởng trong xuất khẩu sản phẩm văn hóa, xuất khẩu hàng tiêu dùng nói chung của Hàn Quốc cũng góp phần tăng thêm 0,03% cho kinh tế nước này. Một nghiên cứu của Đại học London cũng ước tính, với 1 USD chi cho Kpop, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ nhận lại 5 USD. Con số thu về không chỉ từ âm nhạc, mà còn từ bán các mặt hàng khác của Hàn Quốc như điện thoại hay TV.

Theo trang thống kê Statista (Đức), trong năm 2018, chỉ riêng ban nhạc BTS đã đóng góp 4,65 tỷ USD (chiếm 0,3% GDP Hàn Quốc). Chính nhờ sự nổi tiếng của nhóm nhạc tài năng này, giá trị của công ty quản lý BigHit Entertainmen đang tăng lên hơn 1 tỷ USD.

Các nhóm nhạc hay ca sỹ nổi tiếng cũng có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây. Điển hình như khi nghệ sỹ có tác phẩm đứng đầu Billboard 200, hay số lượt xem trên YouTube đạt kỷ lục sẽ khiến giá cổ phiếu của các công ty giải trí tăng theo.

Bên cạnh đó, K-pop đã thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc bằng cách quảng bá du lịch, thu hút du khách từ khắp nơi tới đây tham gia nhạc hội và trải nghiệm cảnh quan cũng như văn hóa nước này. Kpop cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực như các sản phẩm liên quan đến các ngôi sao Kpop, thời trang, thực phẩm, phẫu thuật thẩm mỹ, du lịch...

Nhu cầu học tiếng Hàn của người nước ngoài cũng tăng cao. Theo BBC, để hiểu lời bài hát nổi tiếng, người dân nhiều nước, từ Mỹ, Canada, Thái Lan đến Việt Nam, Trung Quốc… đã đổ đi học tiếng Hàn. Chính phủ Hàn Quốc cũng đóng vai trò tích cực khi thành lập khoảng 130 viện ngôn ngữ tại 50 quốc gia.