📞

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Tuấn Anh 14:30 | 15/07/2020
TGVN. Có lẽ trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo tiền bối được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn lựa và rèn luyện, đồng chí Nguyễn Duy Trinh là người gánh trọng trách đa dạng nhất và ở cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Các đại biểu chủ tọa Hội thảo.

Đây là nhận định chung của các đại biểu tại Hội thảo Khoa học "Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam", nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Ông (15/7/1910-15/7/2020) diễn ra sáng 15/7, tại Nghệ An.

Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao và Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức.

Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dại diện các cơ quan Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, của tỉnh Nghệ An - quê hương của đồng chí Nguyễn Duy Trinh và của nhiều nhà khoa học.

Nhà lãnh đạo toàn tài

Trong phát biểu dẫn đề Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, với 75 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được phân công đảm trách nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước trải rộng trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đất nước, cả ở trung ương và địa phương.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu dẫn đề Hội thảo.

Đồng chí là một trong những thành viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, đã từng kinh qua Bí thư huyện ủy Nghi Lộc trong phong trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh, từng hoạt động tại Sài Gòn, từng tham gia khởi nghĩa tại Huế, từng vào Ban thường vụ Xứ ủy Trung Bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương, từng lăn lộn trên nhiều mặt trận ở Liên khu V.

Từ cuối năm 1954, đồng chí được điều về Trung ương, lần lượt làm Chánh Văn phòng Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và được bầu vào Bộ Chính trị (từ 1956); Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao... Đồng chí cũng là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Cùng chung nhận định, trong phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, là Đảng viên lớp đầu tiên của Đảng ta với gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã đem hết tâm lực và trí tuệ của mình cùng Ban chấp hành Trung ương lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Đặc biệt, đồng chí cũng là vị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam giữ nhiệm kỳ dài nhất, 15 năm (1965-1980), trải qua một thời kỳ đầy biến động, với những bước ngoặt lớn của đất nước, để lại cho ngành Ngoại giao nhiều dấu ấn sâu sắc.

Các đại biểu khẳng định, trên các cương vị công tác, đồng chí Nguyễn Duy Trinh luôn thể hiện là người cán bộ lãnh đạo tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; là một tấm gương mẫu mực về đạo đức của người cộng sản, yêu thương đồng chí, đồng bào, trong sáng, chân thành, khiêm tốn, giản dị. Đồng chí luôn thể hiện vai trò và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy sâu rộng, luôn sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành.

Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Vị tư lệnh ngành Ngoại giao xuất sắc

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội thảo.

“Trong lĩnh vực đối ngoại, chúng ta rất đỗi tự hào khi tưởng nhớ và noi theo tấm gương đồng chí Nguyễn Duy Trinh, ‘vị tư lệnh Ngành’ xuất sắc trên mặt trận ngoại giao”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với vai trò là Bộ trưởng ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Trung ương Đảng, triển khai thành công chủ trương chiến lược mở mặt trận đấu tranh ngoại giao để cùng mặt trận chính trị và mặt trận quân sự tạo thành sức tạo mạnh tổng hợp; đồng thời khéo léo vận dụng sách lược “vừa đánh, vừa đàm”, ngoại giao “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, nghệ thuật “thắng từng bước”, tạo thế và lực cho cách mạng Việt Nam, góp phần vào đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.

Những năm 1960, Mỹ dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để ném bom, bắn phá miền Bắc đồng thời thực hiện chiến dịch ngoại giao đổ lỗi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã lãnh đạo ngoại giao hai miền hành động kịp thời, tích cực vận động sự ủng hộ và tuyên truyền cho thế giới thấy tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của dân tộc ta. Tuyên bố 5 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Tuyên bố 4 điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lên án hành động chiến tranh mới của Mỹ, khẳng định mạnh mẽ ý chí và nguyện vọng của nhân dân hai miền về hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tạo cơ sở cho giải pháp chính trị đúng đắn về Việt Nam.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, “nhắc tới đồng chí Nguyễn Duy Trinh, chúng ta phải nhắc đến vai trò và dấu ấn rất quan trọng của đồng chí trong quá trình đàm phán và thực thi Hiệp định Paris”.

Trải qua 202 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, Hội nghị Paris là một cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao cách mạng non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của siêu cường hàng đầu thế giới. Đây là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thể hiện vai trò quan trọng, tích cực và chủ động của mặt trận ngoại giao trong sự phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị; trên cơ sở đề cao nguyên tắc hòa bình, độc lập, tự chủ; đóng góp vào việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Ngày 27/1/1973, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao ký và tặng sách cho bác Nguyễn Duy Tộ, con trai của đồng chí Nguyễn Duy Trinh.

Sau khi nước nhà thống nhất, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã chỉ đạo ngành Ngoại giao vừa tranh thủ sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và các nước bạn bè thế giới để khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa đấu tranh phá bao vây cấm vận. Trong thời gian khó khăn này, tháng 7/1976 Việt Nam đã sớm thiết lập và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, khu vực với chính sách bốn điểm. Tháng 9/1977 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc, đánh dấu việc cộng đồng thế giới công nhận tính pháp lý và tư cách đại diện của nhà nước ta tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu. Đây là những bước mở đầu của chính sách mở cửa, hội nhập, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Cùng với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng chí Nguyễn Duy Trinh luôn quan tâm đến việc xây dựng, sắp xếp cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao phù hợp với thực tiễn cách mạng, coi trọng cải tiến lề lối làm việc, mở rộng dân chủ, đề cao kỷ cương, kỷ luật. Đồng chí cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng các thế hệ cán bộ có cơ hội được làm việc cùng đồng chí với phong cách làm việc dân chủ, luôn chăm lo, quan tâm sâu sắc đến cán bộ, trọng dụng nhân tài.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, dấu ấn và các kinh nghiệm về đối ngoại của đồng chí Nguyễn Duy Trinh là hành trang quý báu cho các thế hệ cán bộ ngoại giao, nhất là khi Bộ Ngoại giao đang triển khai các hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập ngành.

Tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng

Trong một buổi sáng, các đại biểu đã nghe các tham luận về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng trong các lĩnh vực từ công tác kinh tế, kế hoạch, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ đến công tác đối ngoại của đồng chí Nguyễn Duy Trinh để cùng nhau trao đổi và đúc rút các bài học kinh nghiệm. Tất cả, đều nêu toát lên phẩm chất của một người cộng sản kiên trung, bản lĩnh chính trị rất vững vàng, đặc biệt chữ Nhân và chữ Tâm luôn thường trực trong con người đồng chí Nguyễn Duy Trinh.

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao và thân nhân đồng chí Nguyễn Duy Trinh.

Trong tham luận gửi về Hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đã viết lại một câu chuyện chứng tỏ đồng chí Nguyễn Duy Trinh là người hiền từ, nhân đức thế nào.

“Đó là lần đi Pari để ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đầu năm 1973. Mọi người đã lên chuyên cơ đậu ở sân bay Vnukovo (Mátxcơva), chỉ còn chờ cất cánh những mãi không thấy nhúc nhích gì. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh bảo tôi xuống xem có chuyện gì vì nếu sang Pari muộn thì có thể gây sự hiểu lầm trong dư luận. Xuống hỏi mới biết đến giờ vẫn chưa thấy đồng chí phụ trách lãnh sự mang hộ chiếu từ Đại sứ quán Pháp ra cho tổ lái. Hoá ra anh ta lại mang hộ chiếu ra sân bay quốc tế Sheremetevo cách sân bay Chính phủ Vnukovo gần 100km!”

“Tôi lên máy bay báo cáo với đồng chí Nguyễn Duy Trinh và lần đầu tiên mới thấy một người “giận tím mặt” là như thế nào! Nhưng khi đã có hộ chiếu và máy bay sắp lăn bánh, đồng chí chỉ nói với lãnh đạo Đại sứ quán ta có ba chữ: “Làm với ăn”. Con người đồng chí Nguyễn Duy Trinh là như vậy đó”.

***

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Duy Trinh là dịp hiếm có để các thế hệ hôm nay được tri ân, tưởng nhớ về bậc tiền bối đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, cho sự nghiệp ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Và như lời Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng, tư cách đạo đức và tinh thần cống hiến của đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một tấm gương về trí tuệ, nhân cách và đạo đức mẫu mực cho mỗi cán bộ, Đảng viên noi theo để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp hơn.

* Trước đó, chiều 14/7, Đoàn đại biểu Ban Tổ chức Hội thảo cấp Bộ với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Duy Trinh – Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam” kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910 - 15/7/2020) đã tổ chức dâng hoa, dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh tại nhà lưu niệm đồng chí ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc.

Tham dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh.
Đoàn tham quan nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh.
Các cán bộ ngoại giao do đồng chí Nguyễn Đắc Thành - Quyền Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng và truyền thống ngoại giao làm trưởng đoàn; PGS. TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao và bạn Nguyễn Thu Giang, chuyên viên Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao là cháu nội ruột của đồng chí Nguyễn Duy Trinh chụp ảnh lưu niệm với bác Nguyễn Duy Tộ, con trai đồng chí Nguyễn Duy Trinh trước nhà tưởng niệm.