Hơn 156.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa và phải ngủ trong các lều tạm, hàng chục nghìn ngôi nhà đã bị hư hại. Nhiều trường học, cơ sở thờ phụng tâm linh đã bị phá hủy. Chính quyền địa phương đang kêu gọi chính phủ điều thêm nhân sự hỗ trợ và nhu yếu phẩm cho các nạn nhân. Người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia (BNPB), ông Sutopo Purwo Nugroho ngày 8/8 cho biết: "Các nỗ lực sơ tán người đã được tăng cường nhưng vấn còn nhiều vấn đề tại thực địa. Số nạn nhân không ngừng tăng cao".
Nhà thờ Hồi giáo Jamiul Jamaah đã sụp đổ ở Bangsal, Bắc Lombok, Indonesia sau vụ động đất. (Nguồn: AP) |
Thống đốc tỉnh Tây Nusa Tenggara, ông Muhammad Zainul Majdi nêu rõ hiện rất cần các nhân viên y tế, thuốc men đến các khu vực bị ảnh hưởng. Hàng trăm người bị thương đang phải điều trị ngoài trời vì các bệnh viện đã bị hư hại do động đất tại thành phố chính Mataram cũng như các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề khác. Theo ông Majdi, "trận động đất này quá lớn đối với tỉnh Tây Nusa Tenggara, đây là lần đầu tiên tỉnh phải đối mặt với tình huống này". Trên hầu hết đảo Lombok, các khu làng đã biến thành thị trấn "ma" trong chớp mắt. Người phát ngôn tổ chức Chữ thập Đỏ của Indonesia, ông Arifin Muhammad Hadi cho biết: "Một số ngôi làng chúng tôi đến thăm đã bị phá hủy 100%, mọi ngôi nhà đều sập, đường sá và cầu đều vỡ". Chính quyền địa phương và các tổ chức cứu trợ quốc tế và Chính phủ Indonesia đã bắt đầu tổ chức hoạt động cứu trợ, nhưng hệ thống đường sá bị hư hỏng đang làm chậm tiến độ đưa hàng cứu trợ đến với những người còn sống sót ở vùng núi phía Đông và Bắc hòn đảo, nơi bị tác động mạnh nhất. Quân đội Indonesia cho biết 3 máy bay vận tải Hercules mang theo lương thực, thuốc men và lều bạt, nước uống đã đến Lombok.