Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản họp với các hội đoàn người Việt, cùng hỗ trợ cộng đồng. |
Tham gia cuộc họp có Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, các hội đoàn người Việt tại các địa phương như Gunma, Chiba, Niigata, Hokkaido, Fukushima, Nagasaki, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản, Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản… cùng đại diện của các nhóm tình nguyện viên tại Fukui, Toyama.
Phát biểu mở đầu, Đại sứ Phạm Quang Hiệucho biết, trận động đất ngày 1/1 gây hậu quả nặng nề ở tỉnh Ishikawa, miền Trung Nhật Bản, khiến người dân tại khu vực đó rơi vào tình cảnh khó khăn. Đại sứ cho biết sau khi xảy ra động đất, một số tình nguyện viên người Việt rất tích cực hỗ trợ, thậm chí đã lên đường, đến tận nơi để hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho người Việt bị ảnh hưởng động đất.
Theo Đại sứ, để phát huy được sức mạnh tổng hợp, công việc hỗ trợ cần thực hiện một cách có tổ chức và trên diện rộng để hàng hóa cứu trợ đến được nơi cần đến, đồng thời phải phối hợp với chính quyền địa phương, không làm ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, cứu trợ của chính quyền sở tại.
Đại sứ đề nghị cần thực hiện công tác hỗ trợ công khai, minh bạch, thông tin cần nhanh và chính xác, xác định các biện pháp trước mắt và lâu dài. Trong 2-3 ngày tới, tập trung vào các biện pháp cấp bách như hỗ trợ lương thực, nước uống và nơi lánh nạn, xác định nhóm nào cần hỗ trợ. Các biện pháp lâu dài như tìm việc làm, ổn định cuộc sống… sẽ triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Đại sứ cho rằng trong quá trình cứu trợ nếu gặp những người khó khăn, cho dù quốc tịch nào, cộng đồng người Việt cũng sẵn sàng hỗ trợ.
Đại sứ đề xuất thành lập nhóm hoạt động tại nơi động đất gồm các tình nguyện viên người Việt. Nhóm này có trách nhiệm lập thông tin xác định những khu vực có người Việt Nam đang bị ảnh hưởng, cũng như nhu cầu của từng khu vực.
Nhóm công tác cũng thiết lập và hình thành mạng lưới tình nguyện viên để tiếp nhận và phân phối hàng hóa cứu trợ, hỗ trợ các đoàn cứu trợ đến từ các nơi khác. Đại sứ quán sẽ hỗ trợ nhóm trong việc liên hệ với chính quyền địa phương.
Nhóm thứ hai là ban điều phối có sự tham gia của liên hiệp hội, các hội đoàn địa phương, Đại sứ quán và các tổng lãnh sự quán. Nhóm này sẽ nhận thông tin từ nhóm thứ nhất để thực hiện vai trò điều phối, đảm bảo hoạt động cứu trợ hiệu quả, kịp thời, không bị chồng chéo. Nhóm thứ ba là Ban vận động gồm lãnh đạo của các hội đoàn người Việt và các hội đoàn địa phương, kêu gọi sự ủng hộ cả về người và vật chất cho hoạt động cứu trợ.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật Bản cho biết tỉnh Ishikawa có hơn 5.000 người Việt Nam, trong đó có khoảng 600 người Việt Nam (chủ yếu là các thực tập sinh) đang làm việc tại các công ty/nhà máy khu vực bán đảo Noto. Đây cũng là khu vực bị thiệt hại nặng nhất do động đất tại tỉnh Ishikawa, đặc biệt là các khu vực như Wajima, Nanao, Suzu. Báo cáo của chính quyền tỉnh Ishikawa cho biết hiện chưa có thiệt hại về người trong cộng đồng người Việt Nam tại đây. Ông Nguyễn Hồng Sơn đề nghị các hội đoàn tham gia cuộc họp nêu các ý kiến, đề xuất để có thể thực hiện hỗ trợ cộng đồng người Việt trong thời gian sớm nhất và có hiệu quả nhất.
Đại diện Hội người Việt tại tỉnh Saitama đề xuất Liên hiệp hội lập Ban thông tin để cung cấp kịp thời thông tin thiết yếu, xác thực những nơi thực sự khó khăn, nắm bắt thông tin chính xác về những nơi chưa được hỗ trợ, những nơi cần hỗ trợ… Hội người Việt tại tỉnh Saitama cho biết sẵn sàng thực hiện gói hỗ trợ khoảng 2 triệu Yen (hơn 13.800 USD) dùng cho tái thiết, hỗ trợ mua đồ dùng lò vi sóng, tủ lạnh thay thế các thiết bị này đã bị hỏng do động đất.
Đại diện Hội người Việt tại tỉnh Niigata cho biết trong trận động đấtvừa qua, tình hình người Việt chủ yếu bị thiệt hại đồ đạc vì vậy mong muốn được các hội đoàn hỗ trợ.
Anh Nguyễn Tuấn Ngọc, một tình nguyện viên tích cực hỗ trợ những người Việt tại Ishikawa bị thiệt hại trong trận động đất qua, cho biết đang liên lạc với các nhóm tình nguyện để thành lập một đội phân phát và một đội tiếp nhận hàng cứu trợ. Hiện có 10 đến 20 tình nguyện viên có thể tham gia phân phối hàng cứu trợ. Anh cho biết đang liên hệ với chính quyền địa phương, đề nghị tạo điều kiện về mặt thủ tục để có thể tiếp cận các vùng gần tâm chấn.
Ông Phan Tiến Hoàng, Bí thư thứ nhất, Trưởng Ban quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết trong những ngày qua đã có những tình nguyện viên người Việt tích cực hỗ trợ cho lao động Việt Nam tại các khu vực gặp tâm chấn. Theo ông Hoàng, tại nhiều khu vực, các lao động Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương và từ các hội đoàn người Việt. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp thực sự khó khăn. Đối với các trường hợp này, Ban quản lý lao động sẽ nỗ lực hỗ trợ cho các lao động nơi lánh nạn an toàn, tìm công việc mới và sớm ổn định cuộc sống.
Kết thúc cuộc họp, Đại sứ Phạm Quang Hiệu gửi lời cảm ơn đến các hội đoàn người Việt tại Nhật Bản, cho rằng cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn. Đại sứ bày tỏ mong muốn với sự chung tay của các hội đoàn, những người Việt gặp khó khăn tại vùng động đất sẽ sớm vượt qua khó khăn.