Hàng nghìn người được cho là vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát và con số người thiệt mạng dự kiến sẽ tăng lên khi các nhân viên cứu hộ tìm kiếm trong đống đổ nát ở các thành phố và thị trấn. (Nguồn: AP) |
Các chuyên gia đã phân tích, những trận động đất kinh hoàng tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày 6/2 tập trung tại một trong những khu vực có hoạt động địa chấn mạnh nhất thế giới.
Khi các mảng kiến tạo chuyển động chậm của Trái đất va vào nhau, áp lực dồn nén suốt nhiều thập kỷ được giải phóng chỉ trong vài giây, gây ra sự rung chuyển dữ dội do sự va chạm đột ngột giữa các khối đá.
Theo ông David Rothery, Giáo sư khoa học địa chất tại Đại học Mở (Anh), những áp lực địa chấn như vậy hình thành ở khu vực Thổ Nhĩ Kỳ vì mảng Arab đang đẩy mảng Anatolian về phía Tây với tốc độ khoảng 2cm mỗi năm.
Bà Joanna Faure Walker, người đứng đầu Viện Giảm thiểu rủi ro và thảm họa của Đại học College London cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ từng 4 lần trải qua những trận động đất kinh hoàng nhất thế giới trong 50 năm qua - vào các năm 1975, 1983, 1999 và 2020”.
Trận động đất lớn nhất vào rạng sáng ngày 6/2 có cường độ 7,8 độ richter, bắt nguồn từ điểm cuối phía Tây Nam của đứt gãy Đông Anatolia, gần điểm giao với hệ thống đứt gãy Biển Chết. Đặc biệt, trận động đất thậm chí còn tàn khốc hơn bởi diễn ra ở độ sâu 18km.
Trận động đất lớn thứ hai xảy ra sau đó 9 giờ, với cường độ gần tương đương 7,5 độ richter, nằm cách tâm chấn ban đầu khoảng 100 km về phía Đông Bắc, ở độ sâu khoảng 10 km. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn trải qua hàng chục trận động đất nhỏ khác cùng các dư chấn trong ngày.
Ông Mark Allen, Trưởng khoa Khoa học Trái đất tại Đại học Durham (Anh) nhận định: “Hai sự kiện gần như chắc chắn có mối liên hệ với nhau… Việc giải phóng áp lực lên một vùng đứt gãy có thể làm tăng áp lực lên một vùng khác, từ đó dẫn đến một trận động đất mới”.
Vùng đứt gãy Đông Anatolia, nguyên nhân chính của thảm họa hôm 6/2, tuy ít có động tĩnh trong thế kỷ qua nhưng từng gây ra một số trận động đất kinh hoàng trong lịch sử.
Ông Roger Musson, nghiên cứu viên tại Cơ quan Khảo sát địa chất Anh cho biết, trận động đất năm 1822 ở khu vực đã phá hủy hoàn toàn nhiều thị trấn với thương vong nặng nề. “Chỉ riêng ở Aleppo, khoảng 7.000 người đã thiệt mạng… Trận động đất năm 1822 cũng có nhiều dư chấn kéo dài đến tháng 6 năm sau”, ông Musson chia sẻ.
Những năm gần đây, đứt gãy Bắc Anatolian chạy theo hướng Đông-Tây dọc bờ Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động mạnh hơn nhiều so với đứt gãy Đông Anatolia, gây ra một số thảm họa, trong đó có trận động đất 7,6 độ Richter ở Izmit năm 1999 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 18.000 người.
Tuy nhiên, theo ông Allen, hai đường đứt gãy này cách nhau đủ xa để trận động đất nghiêm trọng ở một bên cũng không thể kích hoạt một trận động đất khác ở bên kia.
Bà Catherine Mottram, giảng viên cao cấp về cấu trúc địa chất và kiến tạo tại Đại học Portsmouth (Anh) khẳng định: “Các nhà địa vật lý sẽ có thể tái hiện chính xác nơi chuyển động xảy ra dọc theo đường đứt gãy, bằng cách tái tạo dữ liệu thu thập được từ máy đo địa chấn trong khu vực. Vì vậy, sẽ có thêm thông tin cụ thể và chính xác hơn về trận động đất hôm 6/2 trong những ngày tới”.
Theo thông tin cập nhật mới nhất, hiện đã có hơn 5.000 người tử vong do thảm họa động đất sáng ngày 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trung tâm Điều phối thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ (AKOM) cho biết, số vụ thiệt mạng do trận động đất ở nước này đã lên tới 3.432 người; hơn 21.103 người bị thương và 11.000 tòa nhà bị hư hại. Tới nay, đã có khoảng 25.000 nhân viên cứu hộ cùng ít nhất 10 tàu biển, 54 máy bay tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Syria ghi nhận ít nhất 1.602 người thiệt mạng và 3.649 người khác bị thương tại các khu vực do chính phủ và phe đối lập kiểm soát. Như vậy, tổng số ca tử vong trong thảm họa động đất ở hai quốc gia này đã lên tới hơn 5.000 người. Dự kiến con số thương vong sẽ còn tiếp tục tăng khi nhiều người vẫn mắc kẹt trong đống đổ nát và lực lượng cứu hộ cũng gặp phải nhiều khó khăn do thời tiết xấu. |
| Điện thăm hỏi về vụ động đất lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao. |
| Chưa ghi nhận thông tin có công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria Ngày 6/2, một trận động đất 7,8 độ richter đã xảy ra ở miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ giáp Syria, khiến hàng trăm người ... |
| Hiện trường đổ nát, hỗn loạn sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria Các trận động đất ngày 6/2 làm rung chuyển miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria khiến ít nhất hơn 3.700 người thiệt ... |
| Thảm họa động đất: Cộng đồng quốc tế sát cánh cùng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria Ngay sau trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, cộng đồng quốc tế triển khai các nỗ lực cứu trợ hai ... |
| Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Năng lượng giải phóng tương đương 32 quả bom nguyên tử; gần 5.000 người tử vong Theo hãng tin Reuters và AFP, tính đến 15h00 ngày 7/2 (giờ Hà Nội), số người thiệt mạng trong thảm họa động đất mạnh tại ... |