📞

Đóng góp cho “bình minh của đất nước”

09:03 | 18/05/2017
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp ngày 17/5, những cam kết mạnh mẽ thể hiện quyết tâm kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp của người đứng đầu Chính phủ đã làm nức lòng cộng đồng doanh nghiệp.

Nhấn mạnh tinh thần “nói phải đi đôi với làm”, chuyển lời nói thành hành động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gây bất ngờ cho toàn thể Hội nghị khi tuyên bố Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vừa được ký.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp, ngày 17/5 (Ảnh: Nguyễn Hồng)

“Hôm nay, người ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra mỗi năm quá một lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13 giờ chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây”, Thủ tướng nói.

Không còn “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”

Nhìn lại cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra tại TP.HCM vào tháng 4/2016, có thể thấy,  môi trường kinh doanh Việt Nam đã có bước chuyển mình rõ rệt.

Chỉ trong một năm, Chính phủ đã ban hành 50 Nghị định, bao gồm Nghị định đầu tư kinh doanh, cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép. Lần đầu tiên, chính quyền 63 tỉnh, thành phố ký cam kết với cộng đồng doanh nghiệp – đại diện là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cuộc đua làm hài lòng doanh nghiệp

Sau những thành công bước đầu của mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, Quảng Ninh đã quyết định mở rộng tới cấp huyện. Bình Dương tuyên bố sẽ xin lỗi doanh nghiệp, người dân nếu sai hẹn. Đà Nẵng đi đầu trong việc xây dựng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, xử lý thủ tục hành chính theo phương châm hết việc chứ không phải hết giờ. Đồng Tháp đi tiên phong trong cơ chế đối thoại, giải quyết khó khăn vướng mắc, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, duy trì “cà phê doanh nhân” hàng tuần. Hà Nội cũng triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 10 ngày, giảm thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống 14 ngày…

Cuộc đua sáng kiến để làm hài lòng giới đầu tư, kinh doanh (như nhiều lần Thủ tướng từng đề cập trong các chuyến làm việc tại địa phương) chưa bao giờ nóng như lúc này.

Không chỉ các địa phương, các Bộ, ngành cũng liên tiếp khởi động nhiều chương trình lớn, quan trọng với doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã triển khai rất sớm Nghị quyết, thực hiện cải cách quyết liệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Bộ Công an đã tích cực triển khai áp dụng visa điện tử. Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37 năm 2015 quy định về  mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, bỏ thủ tục dán nhãn năng lượng, bỏ quy hoạch xuất khẩu gạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nông nghiệp nông thôn…

Những thay đổi đã mang lại hiệu quả tức thì. Để minh họa, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc dẫn lời Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May Nhà Bè (NBC) Phạm Kiều Oanh cho biết bà “mừng rơi nước mắt” khi nghe tin Thông tư 37 được bãi bỏ. “Từ giờ trở đi, May Nhà Bè sẽ không phải tiêu tốn 4.500 USD/tháng cho thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde nữa”, bà nói. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, so với Hội nghị năm trước, những ý kiến góp ý gay gắt đã bớt đi rất nhiều, chứng tỏ Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”. Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định cam kết tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp, ngày 17/5 (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Những rào cản

Bên cạnh những “quả ngọt” thu được sau một năm lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp, vẫn còn không ít những rào cản, những vướng mắc thách thức Chính phủ và chính quyền các địa phương.

Về thể chế chính sách, còn mâu thuẫn chồng chéo trong nhiều quy định, quy định chưa sát thực tế. Vấn đề thuế, phí còn cao, thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp dẫn đến hiện tượng “cò” thực thi chính sách; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức; tình trạng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng; tiếp cận thị trường; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kém hiệu quả gây phiền hà, bức xúc cho doanh nghiệp…

Trước những thách thức cấp bách, tại Hội nghị lần này, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định theo đuổi mục tiêu bao trùm xuyên suốt theo hướng cởi mở thân thiện, hưởng lợi công bằng. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư; xóa bỏ ưu ái, thu hồi nguồn lực tài nguyên kém hiệu quả để phân bổ lại; rà soát để giảm bỏ gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp như thủ tục hành chính, thuế, hải quan, BOT, dịch vụ công, chi phí giám định… đang đè lên doanh nghiệp.

“Bình minh đang đến với đất nước ta, tôi tin tưởng các doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng của đất nước Việt Nam. Chúng ta sẽ xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả thành phần kinh tế đều bình đẳng. Chính phủ cũng mong doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. Cha ông ta đã nói dân giàu thì nước thịnh, đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém, cơ quan quản lý, địa phương cần có chương trình tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Sẽ cần một khoảng thời gian để mọi thông điệp đi vào thực tế. Nhưng chắc chắn, những hành động mới vì doanh nghiệp, vì người dân của Chính phủ sẽ ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng tình.