Thời gian gần đây, chủ nghĩa khủng bố được tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng truyền bá, đang có xu hướng lan rộng đến Đông Nam Á. Đỉnh điểm của làn sóng này là ngày 23/5, phiến quân Maute tấn công và chiếm đóng thành phố Marawi thuộc khu vực đảo Mindanao, Philippines. Đến ngày 30/5, Người Phát ngôn của quân đội Philippines Restituto Padilla cho biết họ đã đánh bật lực lượng nổi dậy và chiếm lại thành phố.
Diễn biến này đặt ra một tình trạng đáng báo động: đa số các quốc gia Đông Nam Á chưa thật sự sẵn sàng đối phó với chủ nghĩa khủng bố và chiến thắng vất vả của Philippines là minh chứng rõ nét. Rõ ràng, chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte và các quốc gia lân cận như Malaysia, Indonesia cần có những biện pháp chủ động và quyết liệt hơn để ngăn chặn làn sóng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lan rộng tại khu vực.
Lợi dụng bất ổn
Bất ổn là môi trường lý tưởng cho chủ nghĩa khủng bố phát triển. Những kẻ khủng bố đã tận dụng việc Philippines đang gặp một số khó khăn để truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan nhằm chiêu mộ lực lượng, làm bàn đạp phát triển tại khu vực Đông Nam Á.
Về chính trị, chính phủ Philippines vẫn chưa đạt được thỏa thuận với nhiều nhóm phiến quân. Gần đây nhất, Manila tuyên bố rút khỏi bàn đàm phán hòa bình với nhóm Quân đội Nhân dân mới (NPA), sau khi cáo buộc nhóm này tiếp tục thực hiện các vụ tấn công mới. Đáng chú ý, các nhóm phiến quân tại Philippines dường như đang tập hợp dưới ngọn cờ của IS nhằm gây dựng thanh thế, đồng thời thực hiện các cuộc tấn công một cách bài bản hơn, gây nhiều khó khăn cho lực lượng quân đội.
Quân đội Philippines giành lại quyền kiểm soát thành phố Marawi, ngày 30/5. (Nguồn: Asia Times) |
Ngoài ra, các chính sách có phần cứng rắn hơn của Tổng thống Duterte đối với bộ phận người Philippines theo đạo Hồi trong thời gian gần đây đang làm tăng ác cảm của họ với chính phủ.
Bất chấp tăng trưởng ổn định trong thời gian qua đạt mức 6,5%/năm, Philippines đang phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế. Bất bình đẳng về thu nhập ở quốc gia này vẫn ở mức cao. Theo khảo sát mới nhất tháng 5/2017, có tới 2,7 triệu gia đình tại Philippines không có đủ thức ăn trong ngày. Có thể nói, tình trạng nghèo đói lan rộng và chênh lệch giàu - nghèo ở mức cao khiến người dân dễ bị các phiến quân lôi kéo và dụ dỗ.
Về an ninh, chính quyền Tổng thống Duterte vẫn chưa kiểm soát được tình hình tại những khu vực bị phiến quân hoành hành, cũng như tung tích của những chiến binh thánh chiến trở về từ Iraq và Syria. Với những kĩ năng về chế tạo và đánh bom tự sát, những kẻ này đã góp phần thực hiện nhiều vụ tấn công tại Philippines trong thời gian qua, điển hình là vụ đánh bom ngày 29/4 tại Manila khiến 14 người chết.
Ngoài ra, khả năng tác chiến của quân đội Philippines (AFP) cũng đang bị nghi vấn khi không thể tiêu diệt được lực lượng nổi dậy chỉ trong vòng 5 ngày, như ông Duterte tuyên bố.
Giải quyết tận gốc
Trước những bất ổn nói trên, chiến thắng vừa qua tại Marawi của chính quyền Tổng thống Duterte được cho là chỉ mang tính tạm thời chứ chưa giải quyết triệt để mầm mống khủng bố. Giới chuyên gia cho rằng Philippines cần có biện pháp mang tính lâu dài hơn nhằm khôi phục và duy trì sự ổn định của đất nước.
Một ví dụ về hàn gắn bất đồng chính trị mà Philippines có thể học tập là Myanmar. Tuy vẫn còn bị chia rẽ bởi bạo loạn đa sắc tộc, chính phủ nước này đã có những bước đi tích cực, đưa các phiến quân ngồi lại vào bàn đàm phán tại Hội nghị Hòa bình Liên bang Panglong ngày 24/5 vừa qua.
Các nhà phân tích cũng nhận định, bên cạnh cải thiện nền kinh tế và tăng cường sức mạnh cũng như tính hiệu quả của quân đội, Manila nên hợp tác với các nước trong khu vực nhằm ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố, cụ thể như phối hợp với các quốc gia láng giềng kiểm soát biên giới, ngăn những chiến binh Hồi giáo trở về từ Iraq và Syria.
Song song với việc tham gia tích cực và chia sẻ kinh nghiệm trong các hội nghị về khủng bố như Hội nghị quốc tế về chống khủng bố tháng 8/2016 tại Bali, Indonesia cũng sẽ giúp đỡ Manila và các quốc gia khu vực trong cuộc chiến này.
Theo ông Rohan Gunaratna, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khủng bố và Bạo lực chính trị - Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), chỉ khi triển khai những biện pháp chủ động và mang tính bền vững nói trên, Philippines, cũng như khu vực Đông Nam Á nói chung, mới đạt được hiệu quả trong công cuộc đẩy lui sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố.