Ngôi đền Borobudur ở Indonesia, một kỳ quan kiến trúc Phật giáo. (Nguồn: TripAdvisor) |
Kỳ quan xứ vạn đảo
Ngôi đền Borobudur, một biểu tượng của Phật giáo Đại thừa và là một trong những kỳ quan kiến trúc Phật giáo lớn nhất thế giới, tọa lạc tại Magelang, miền Trung Java, Indonesia.
Xây dựng vào thế kỷ thứ IX, công trình đồ sộ này không chỉ là một minh chứng cho sự tài hoa của các kiến trúc sư thời kỳ cổ đại mà còn phản ánh sự giao thoa phức tạp giữa các nền văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc và bản địa đặc sắc của xứ vạn đảo. Với hơn 300.000 khối đá xếp chồng lên nhau một cách tinh xảo, Borobudur là một kiệt tác nghệ thuật, mang trong mình những giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc.
Ngôi đền có chín tầng, xếp chồng lên nhau với sáu tầng vuông, ba tầng tròn và trên cùng là một mái tròn. Đền có tổng cộng 504 pho tượng Phật, trong đó riêng mái vòm trên cùng có 72 pho tượng Phật bao quanh.
Borobudur là địa điểm hành hương nổi tiếng của các Phật tử với các cuộc hành hương bắt đầu vòng quanh để lên đến đỉnh, qua ba khu vực mô tả khái niệm Tam giới vũ trụ của Phật giáo: Kāmadhātu (Dục giới), Rupadhatu (Sắc giới) và Arupadhatu (Vô sắc giới). Trên đường lên đến đỉnh, du khách đi qua những cầu thang và hành lang rộng lớn, qua hàng ngàn tấm phù điêu chạm khắc trên tường và lan can. Đền nổi tiếng là nơi có số phù điêu chạm khắc nhiều nhất trên thế giới.
Sau khi vương triều Phật giáo Sailendra sụp đổ, đền bị bỏ hoang trong suốt 10 thế kỷ. Vào năm 1814, chính quyền thuộc địa Hà Lan ở Indonesia cử một đoàn các nhà khoa học người châu Âu đến nghiên cứu khi đã bị đổ nát, hư hại quá nhiều.
Năm 1970, chính phủ Indonesia kêu gọi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) hỗ trợ. Chương trình phục chế Borobudur của UNESCO đã tập hợp được gần 600 chuyên gia phục chế có tên tuổi trên thế giới, giúp tiến hành hoạt động trùng tu quy mô lớn đối với ngôi đền, sắp xếp lại các tảng đá về đúng vị trí. Việc này được thực hiện trong suốt 12 năm với tổng chi phí khoảng 50 triệu USD.
Sau khi trùng tu, ngôi đền lại tỏa ánh sáng rực rỡ của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo phương Đông, cho thấy lại dáng vẻ kỳ vĩ xa xưa, xứng đáng là một trong những kỳ quan nổi tiếng của châu Á.
Kho báu sinh học Kinabalu
Công viên quốc gia Kinabalu, tọa lạc tại đảo Borneo, Malaysia, không chỉ là điểm đến du lịch nổi tiếng mà còn là một trong những kho tàng đa dạng sinh học quý giá nhất thế giới.
Được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới từ năm 2000, Kinabalu là ngôi nhà của hơn 4.500 loài động thực vật, trong đó có 326 loài chim, 100 loài động vật có vú và hơn 110 loài ốc cạn.
Công viên có diện tích 754km2 bao quanh núi Kinabalu - ngọn núi hùng vĩ có đỉnh cao nhất Đông Nam Á, được hình thành từ khoảng 10 đến 35 triệu năm trước. Với độ cao 4.095m, Kinabalu là một trong những ngọn núi trẻ nhất thế giới, vẫn đang tiếp tục “lớn lên” với tốc độ 5 mm mỗi năm.
Là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Malaysia, công viên Kinabalu có sự đa dạng về địa hình từ rừng mưa nhiệt đới ở vùng thấp đến các vùng núi cao lạnh giá tạo ra môi trường sống lý tưởng cho hàng ngàn loài sinh vật, nhiều trong số đó là loài đặc hữu, gồm địa long khổng lồ Kinabalu (là loại giun đất có tên khoa học Pheretima darnleiensis) và đỉa đỏ khổng lồ Kinabalu (Mimobdella buettikoferi).
Những nhà tự nhiên học sẽ đặc biệt thích thú với cơ hội khám phá hệ sinh thái độc đáo của Kinabalu bởi đây là môi trường thích hợp cho nhiều phong lan, đặc biệt có nhiều loài thực vật ăn thịt, đáng chú ý nhất là loài cây bắt mồi Nepenthes rajah - một loài thực vật quý hiếm, chỉ có tại nơi này. Bên cạnh đó là nhiều loài chim, động vật có vú, động vật lưỡng cư, bò sát và côn trùng...
Thành Ayutthaya cổ kính
Nằm cách Bangkok khoảng 80km về phía Bắc, Ayutthaya từng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của vương quốc Thái Lan.
Thành cổ Ayutthaya ở Thái Lan được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1991.
Thành cổ Ayutthaya là minh chứng sống động cho sự giao thoa và phát triển của kiến trúc Đông Nam Á. Lối kiến trúc của thành Ayutthaya là sự kết hợp hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Sukhothai, Angkor và Ấn Độ, tạo nên nét độc đáo riêng biệt.
Các ngôi chùa, cung điện và các công trình kiến trúc khác được xây dựng theo quy hoạch chặt chẽ, với những con đường, kênh rạch và hào nước bao quanh.
Bước vào con đường chính dẫn vào khu trung tâm, du khách sẽ nhìn thấy các bảo tháp còn nguyên vẹn, cao lớn sừng sững khác hẳn với các chùa tháp ở Bangkok. Ayutthaya có nhiều ngôi đền cổ xưa như Wat Phutthaisawan, Wat Phra Mongkhon Bophit, Wat Pra Sri Sanphet, Wat Worachettharam... là những điểm du lịch văn hóa tâm linh giá trị. Du khách có thể cảm nhận được sự thiêng liêng và trầm mặc khi đặt chân đến những ngôi chùa này.
Thành Ayutthaya khá rộng nên du khách có thể đi xe tuk tuk, thuê xe đạp hoặc đi bộ khám phá. Đi xe đạp là trải nghiệm thú vị khi len lỏi đi và ngắm những ngôi chùa tháp mang màu thời gian. Đường trải nhựa phẳng phiu và khoảng cách giữa các ngôi chùa không xa lắm nên có thể đi lại rất dễ dàng.
* * *
Di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, với sức hấp dẫn độc đáo của mình, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Việc khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử của di sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản, từ đó tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
Không chỉ ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong tương lai tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thành công của những điểm đến này đã chứng minh rằng, di sản không chỉ là tài sản của một quốc gia mà còn là nguồn lực quý giá cho phát triển du lịch bền vững. Vậy làm thế nào để nhân rộng những mô hình thành công này và bảo vệ những di sản quý báu đó chính là câu hỏi mà chúng ta cần cùng nhau trả lời.
| Du lịch miễn thị thực ở Đông Nam Á: nam châm thu hút khách du lịch – và rắc rối Khi Singapore, Malaysia và các nước khác mở cửa cho việc đi lại dễ dàng hơn, mối lo ngại ngày càng tăng về tội phạm ... |
| Ngoại giao quốc phòng Ấn Độ: Phản ứng chiến lược trước Trung Quốc dưới thời Thủ tướng Modi Trong thập kỷ qua, Ấn Độ chứng minh thành công 3 trụ cột trong chiến lược quốc phòng với quốc gia láng giềng Trung Quốc, ... |
| Một ứng dụng Trung Quốc đang giúp phát triển du lịch ở Đông Nam Á Xiaohongshu - nền tảng truyền thông xã hội và phong cách sống thường được so sánh với Instagram, đang biến những địa điểm ít người ... |
| Timor-Leste ‘bỏ vốn’ vào ngoại giao đa phương Mặc dù có diện tích nhỏ (khoảng 15 nghìn km2) nhưng Timor-Leste đang dần gây dựng ảnh hưởng nhờ “bỏ vốn” vào đúng chỗ - ... |
| Tổng thống Hàn Quốc công du Đông Nam Á Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang có chuyến công du các quốc gia Đông Nam Á, bắt đầu từ ngày 6/10, nhằm tăng ... |