Đồng Ruble của Nga giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tuần so với USD. (Nguồn: Reuters) |
Theo đó, Ruble giảm 0,6% so với USD, xuống 69,87 Ruble/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 11/1.
Đồng tiền này giảm 0,8% so với Euro, xuống 76,13 Ruble/Euro, mức thấp nhất trong ba tuần và giảm 0,8% so với Nhân dân tệ, xuống 10,34 Ruble/Nhân dân tệ.
Công ty đầu tư Veles Capital nhận định, nội tệ Nga có thể mất sự hỗ trợ từ việc thanh toán thuế trong tuần này và có thể giảm mạnh hơn.
Trước đó, Ruble thường nhận được sự hỗ trợ từ việc thanh toán thuế vào cuối tháng, khi các công ty xuất khẩu chuyển đổi nguồn thu bằng ngoại tệ để thực hiện các khoản thanh toán bằng đồng Ruble.
Đồng Ruble chịu sức ép sau khi quyết định của phương Tây trong việc áp trần lên giá dầu của Nga có hiệu lực vào đầu tháng 12/2022 cùng với việc Liên minh châu Âu (EU) thực hiện lệnh cấm vận đối với dầu mỏ xuất khẩu để buộc nước này bán dầu với mức giá thấp.
* Cũng trong ngày 30/1, Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố số liệu cho thấy, ngay cả khi ngày càng nhiều hy vọng rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đang lắng xuống, nền kinh tế hàng đầu châu Âu vẫn giảm 0,2% trong quý III/2022 so với quý trước đó.
Destatis cho biết, cả năm 2022, tăng trưởng kinh tế Đức được điều chỉnh ở mức 1,8%, giảm nhẹ so với con số 1,9% dự báo trước đó.
Theo cơ quan này, nền kinh tế quốc gia Tây Âu đã hoạt động tốt trong 3 quý đầu năm bất chấp nhiều khó khăn, tuy nhiên, hiệu quả đã giảm nhẹ trong quý IV/2022. Chi tiêu tiêu dùng, yếu tố hỗ trợ nền kinh tế trong 3 quý đầu năm 2022, đã giảm trong 3 tháng cuối năm.
Nhà kinh tế học Jens-Oliver Niklasch thuộc ngân hàng LBBW nhận định: "Theo số liệu thống kê của quý IV/2022, kinh tế Đức có khả năng rơi vào một cuộc suy thoái ngắn hạn. Điều này phù hợp với dự báo của chúng tôi cho năm 2023, với sản lượng kinh tế sẽ giảm 0,5% trong cả năm".
Xung đột Nga-Ukraine và quyết định cắt giảm nguồn cung khí đốt của Moscow sau đó đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng tại nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, khiến chi phí lương thực và năng lượng “phi mã”.
Dù vậy, nền kinh tế Đức dường như đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nhất tốt hơn dự báo vào cuối năm 2022.
Một trong những yếu tố hỗ trợ nước này “thoát hiểm” phải kể đến các biện pháp cứu trợ của chính phủ, bao gồm cả việc hạn chế giá năng lượng, tìm kiếm các nguồn cung năng lượng thay thế cùng yếu tố thời tiết mùa Đông tương đối ôn hòa.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thông tin, hiện không còn dấu hiệu suy thoái mà nhiều nhà quan sát trước đây cho là không thể tránh khỏi. "Đầu tàu" châu Âu đã cho thấy khả năng chống chịu tốt với khủng hoảng và đạt những kết quả tốt trong lĩnh vực kinh tế.